Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> NGUYỄN VĂN TRẮM (? - ?)
 07/06/2015 15:45


NGUYỄN VĂN TRẮM (? - ?)


Nguyễn Văn Trắm
(? - ?) nguyên là lính Hồi lương thuộc quân đội triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Năm 1833, ông theo Lê Văn Khôi làm cuộc nổi dậy ở thành Gia Định (1833-1835). Khi đại cục thất bại, ông bị bắt và đã tự sát trên đường đi thụ hình.

Tiểu sử sơ lược

Không rõ thân thế ông, chỉ biết quê ông ở Hưng Yên, vì phạm tội, được Tả quân Lê Văn Duyệt nhận về sung vào đội lính Hồi lương ở thành Phiên An (Gia Định).

Theo làm binh biến

Đêm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (tức 5 tháng 7 năm 1833), vì bất mãn, Lê Văn Khôi (quê Cao Bằng, con nuôi Lê Văn Duyệt) đã cùng với 27 người lính hồi lương trong đó có Nguyễn Văn Trắm, giết chết Bố chính Bạch Xuân Nguyên và Tổng đốc Nguyễn Văn Quế...

Được phần nhiều quân lính ở Phiên An ủng hộ, Lê Văn Khôi bèn chiếm lấy thành, tự xưng là Đại nguyên suý, phong chức cho những người đồng mưu để cùng khởi binh chống lại nhà Nguyễn. Khi ấy, Nguyễn Văn Trắm được làm Tiền quân thống lĩnh.

Nghe tin thành Phiên An và sáu tỉnh Nam Kỳ đều đã mất vào tay bị quân nổi dậy, vua Minh Mạng liền sai năm tướng là: Tống Phước Lương, Phan Văn Thuý, Trần Văn Năng, Nguyễn Xuân, Trương Minh Giảng cùng thống lĩnh quân thuỷ bộ và binh tượng tiến gấp vào đánh đuổi. Khoảng trung tuần tháng 7 năm 1833, cả ba đạo đại quân xuất phát từ Huế đã đến Gia Định, rồi tổ chức vây hãm thành Phiên An. Đang lúc đó Trung quân Thái Công Triều, một cộng sự tài giỏi của Lê Văn Khôi, bất ngờ đầu hàng quân triều, rồi dẫn quân đi đánh lại. Quân Xiêm nhân lời cầu viện kéo sang cũng bị quân triều đánh tan.

Đầu năm 1834, Lê Văn Khôi chết vì bệnh phù thủng. Con ông là Lê Văn Cù (8 tuổi) lên nắm quyền nguyên suý. Tuy nhiên, mọi việc trong ngoài, đều do tướng Nguyễn Văn Trắm quyết định.

Chống giữ thành Phiên An

Mặc dù tình thế bất lợi, nhưng nhiều lần quân triều dùng lực lượng lớn tấn công đều bị thiệt hại nặng mà vẫn không hạ được thành. Vì vậy, các tướng lĩnh phía Nguyễn vẫn chọn giải pháp bao vây là chính. Đợi cho đến khi phía đối phương: lương thực và đạn dược đã vơi cạn, bệnh dịch tả làm chết rất nhiều người, tinh thần quân dân đã ly tán và hoang mang cực độ; thì bộ chỉ huy quân Nguyễn mới quyết định tấn công.

Theo sử liệu thì cuộc đánh phá lần này do tướng Nguyễn Tri Phương chỉ huy. Trước hết, ông chia quân ra thành 8 mũi, rồi cho súng lớn súng nhỏ bắn vào thành trong bốn ngày đêm để uy hiếp đối phương. Đạn từ trong thành cũng bắn ra không ngớt. Tuy nhiên, các cánh quân triều vẫn lên tiến được. Đến khi quân nổi dậy đã kiệt sức, quân triều liền xông lên phá cửa rồi như say máu họ xông vào chém giết không trừ đàn bà, con nít...

Giữa giờ phút lâm nguy ấy, Tiền quân Nguyễn Văn Trắm vẫn liều chết đốc quân ra chống cự. Nhưng chỉ một lúc sau thì thành bị hạ, ông bị bắt cùng với già trẻ trai gái cả thảy 1.831 người. Hôm ấy là ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi (tức 8 tháng 9 năm 1835).

Bị bắt và tự sát

Theo giáo sư Nguyễn Phan Quang, thì Nguyễn Văn Trắm cùng năm trọng phạm là Lê Văn Cù, giáo sĩ Marchand, Bốn Bang, Nguyễn Văn Hoành, Nguyễn Văn Bột đều bị giam vào cũi sắt, giải về Huế xử lăng trì. Nhưng khi đến Quảng Ngãi, theo sử Nguyễn thì Nguyễn Văn Trắm đã tự móc cổ họng chết. Sau đó, thân ông bị phân thây ra từng miếng và chặt đầu bỏ vào hòm đưa về.

Thông tin thêm

Nguyễn Văn Trắm và tú tài Nguyễn Văn Hoành đều là bạn thân của Lê Văn Khôi, đều được phong tướng, và đều nổi tiếng là tay cừ khôi và ngang ngạnh nhất trong hàng ngũ quân nổi dậy. Cho nên người đời có câu:

-Ngang như ông Hoành ông Trắm

-Mấy cha đó, đâu cũng là ông Hoành, ông Trắm chi đây!

Tương truyền, trên đường giải về Huế, hai ông vẫn cười nói vang dậy. Và theo học giả Trương Vĩnh Ký thì bài thơ Mang Gông là do hai ông làm, chứ không phải của Thủ Khoa Huân.


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 5
Lượt truy cập: 4364816