Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> NGUYỄN ÁNH (Gia Long; 8/2/1762 - 3/2/1820) (tt3)
 01/05/2015 18:03


Chính sách kinh tế

Đồng tiền đúc ở thời Gia Long. Hai mặt trước sau với bốn chữ "Gia Long thông bảo" (嘉隆通寶) và "Thất phân" (七分).

Nhìn chung, Gia Long không quan tâm đến thương mại. Ông đã nhiều lần từ chối người Anh khi họ đến xin được mua bán, ngay cả người Pháp khi đến mua bán cũng không được thuận lợi mấy, triều Nguyễn dưới thời ông không khuyến khích cũng như không chào mời các thuyền buôn phương Tây. Triều đình bấy giờ không có ý đóng cửa với phương Tây nhưng theo cách nhìn của hàng ngũ Nho sĩ ở Việt Nam, việc giao thương với phương Tây là không đáng tin cậy; cũng đồng thời với đó là sự lo ngại sự xâm lược bằng quân sự và truyền giáo của họ đã dẫn đến chính sách như trên.

Ngoài một số trung tâm thương mại thành thị được phát triển ở các thành phố và cảng biển chính, phần lớn hoạt động mua bán vẫn diễn ra trên các con sông. Triều đình nắm giữ độc quyền thương mại ở các mặt hàng có giá trị cao như ngà voi, sừng nai, bạch đậu khấu, vàng... Mức thuế mua bán cao, việc cấp giấy phép khó khăn trong việc xuất khẩu gạo, muối, và kim loại cũng gây kìm hãm sự phát triển của thương mại. Quan hệ thương mại quan trọng với Trung Quốc nằm trong tay các thương gia người Hoa và quan lại, trong khi các thương gia người Việt thì bị hạn chế ở mảng buôn bán trong nước.

Về mặt nông nghiệp, ruộng đất cũng được quản lý bằng các điền bạ ghi rõ về tình trạng, vị trí thứ hạng đất ruộng. Mỗi làng làm 3 quyển gửi lên bộ đóng dấu, 1 quyển sẽ lưu lại bộ, 1 quyển lưu lại tỉnh và 1 quyển gửi trả về làng. Bên cạnh đó, để bảo đảm đất cày cho mọi người nông dân, Gia Long ngay từ khi mới lên ngôi đã ra lệnh cấm trao đổi buôn bán ruộng công; và quy định chặt chẽ việc cầm cố loại công điền công thổ trong đó cho phép điển cố tối đa 3 năm. Ngoài ra, Gia Long còn cho ban Lệ quân điền về cũng về vấn đề ruộng công này, trong đó thời hạn chia ruộng đất được rút xuống ba năm và đối tượng chia ruộng trước hết nhằm ưu đãi quan lại và quân lính. Tuy nhiên, chính sách này không hiệu quả lắm do tỉ lệ ruộng công còn rất ít, mà tỉ lệ cấp lại lớn hơn hẳn thời Lê Sơ. Và tình trạng người dân không có đất vẫn còn là một vấn đề. Nhà Nguyễn thời vua Gia Long nhìn chung rất đề cao và khuyến khích nông nghiệp tuy nhiên lại tỏ ra thiếu kinh nghiệm trị thủy các vùng phía Bắc dù cho nhà vua đã cho đầu tư đắp đê không ít.

Về công nghiệp, triều đình nắm độc quyền trong ngành khai thác khoáng sản, họ cho các thương nhân người Hoa khai thác để thu thuế. Các phường đội, thợ thủ công đều chịu sự quản lý của triều đình, hầu hết thợ có kỹ năng và nguyên liệu thô đều được đưa vào các xưởng thủ công của triều đình ở Huế.

Dưới thời Gia Long, việc thu thuế được tổ chức lại, phân ra nhiều thứ thuế kèm theo các chính sách quản lý và miễn trừ thích hợp. Thứ thuế quan trọng đầu tiên là thuế điền (hay thuế ruộng, thuế tính trên ruộng): ruộng được chia làm 4 hạng chịu 3 mức thuế khác nhau qua hình thức nộp thóc:


Loại thuế thứ hai là thuế đinh (thuế thân), đánh theo từng địa phương, tính theo từng suất đồng niên. Ban đầu triều Gia Long còn có cả việc phân biệt cả cư dân chính hộ (dân cư trú lâu) và khách hộ (dân từ nơi khác đến cư trú) khi tính thuế; nhưng lệ này về sau không được duy trì:

Ngoài hai loại thuế trên còn có thuế sản vật. Thuế sản vật thường đi kèm với các ưu đãi miễn giảm các loại thuế khác, ví dụ về một số loại thuế sản vật:

 

Thuế quế


Thuế yến sào


Ngoài các thứ thuế trên, còn có các loại thuế: thuế sâm, thuế hương, thuế chiếu, thuế gỗ, thuế từ việc cho phép khai thác mỏ đều có quy định riêng, thường tiền thuế sẽ nộp bằng tiền hay là bằng sản vật.

Việc thu thuế sẽ theo các định kỳ được gọi là các vụ thuế chia theo các vùng:



Thuế sẽ được giảm nếu địa phương gặp thiên tai địch họa dựa theo mức độ thiệt hại. Ngoài ra, nếu nhà nào có người đi làm đường, đào sông, xây thành...; cũng được giảm thuế. Nếu đã nộp thuế sản vật thì miễn thuế đinh, thuế dành cho các thương thuyền nước ngoài cũng được định lại: cứ dựa trên kích thước thuyền mà đánh thuế nhiều hay ít.. Để tạo cơ sở tính thuế, cùng với điền bạ (để quản lý ruộng đã nêu) dân chúng được quản lý qua sổ đinh bạ: 5 năm làm một lần mọi người từ thường dân tới quan lại từ 18 tuổi đến 59 tuổi đều phải được thống kê vào sổ đinh.

Để giải quyết vấn đề tiền tệ, vua Gia Long cho lập xưởng đúc tiền tại Bắc Thành, về sau ở cả Gia Định thành và ở các trấn để đúc tiền đồng và tiền kẽm ngoài ra còn cho đúc vàng bạc theo nén và lượng với tỉ lệ quy đổi một lượng vàng đổi lấy 10 lượng bạc để phục vụ cho lưu thông thương mại trong nước. Mỗi đồng tiền kẽm nặng 7 phân, một mặt in chữ "Gia Long thông bảo", một mặt in chữ "thất phân", mỗi quan tiền nặng 2 cân 10 lạng. 

Đồng thời với tiền tệ là việc đo lường: vua Gia Long cho chuẩn hóa lại các thước vuông đo ruộng có trước đó, chế ra thước đo ruộng mới là loại thước đồng hai mặt khắc chữ: một mặt Gia Long cửu niên thu bát nguyệt và mặt kia là ban hành đạc điền xích, công bộ đường kính tạo. Năm 1813, vua Gia Long cho làm ra cân thiên bình, cấp cho các doanh, trấn, để dùng vào việc cân đo kim loại và sản vật địa phương. Riêng hai kim loại màu là vàng và bạc thì dùng cân trung bình.

Chính sách xã hội

Dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng, Quốc Tử Giám tại Huế được xây tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu Huế, mặt hướng ra sông Hương. Vào năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào phía Đông Nam Hoàng thành Huế (tức vị trí như ảnh hiện nay).

Thấy các quan đầu triều của mình đều chỉ là quan võ, Gia Long lưu ý đến việc học hành thi cử trong nước để tuyển lựa quan văn. Ông tổ chức lại các Văn Miếu, thờ Khổng Tử, thực hiện chính sách trọng Nho học. Ông cho thành lập Quốc Tử Giám ở Phú Xuân để dạy con quan, tổ chức thi Hương theo định kỳ để tuyển chọn nhân tài. Ngoài ra, ông còn đặt thêm chức đốc học ở các trấn, và cho dùng những người có công danh ở đời nhà Lê, để coi việc dạy dỗ ở địa phương. Ông cũng sai Binh bộ thượng thư Lê Quang Định làm bộ sách 10 quyển Nhất thống địa dư chí vào năm 1806, ghi nhận về tình hình địa lý, chính trị... các mặt của Việt Nam trên cơ sở điều tra đã thực hiện trước đó, đồng thời cho tìm các sách dã sử về nhà Lê và nhà Tây Sơn để sửa lại quốc sử. Thời của Gia Long là thời thịnh của thơ văn quốc âm với nhiều tác phẩm kiệt xuất: Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Truyện Kiều của Nguyễn Du; và một bài văn tế tướng sĩ không rõ tác giả do Nguyễn Văn Thành ra chủ tế.

Về luật pháp, Gia Long cho soạn bộ luật mới có tên gọi là Hoàng Việt luật lệ (còn được gọi là "luật Gia Long"), do Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành chủ biên bao gồm 22 quyển và 398 điều, bộ luật này, dù có đôi chỗ cải biến, gần như lấy nguyên mẫu là luật nhà Thanh cho nên nhìn tổng thể khá khắc nghiệt và không được tiến bộ như bộ luật Hồng Đức của nhà Lê.

Là vua một nước rộng lớn, mới thống nhất sau mấy trăm năm nội chiến với nhiều phe phái tranh giành xâu xé nhau xuất hiện liên tục, cộng thêm chính sách thuế khóa cao và cưỡng bức xây dựng lớn; sự bất bình của tầng lớp sĩ phu hoài nhớ Lê triều, và nạn đói thường xuyên diễn ra ở vài khu vực khắp nước nên Gia Long thường xuyên phải đối mặt với các phong trào chống đối ở khắp ba miền Việt Nam (đặc biệt ở khu vực Bắc Hà) với khoảng 73 phong trào trong suốt thời kỳ ông trị vì. Để ổn định tình hình Bắc Hà, ông thi hành một chính sách hai mặt: một mặt Gia Long tỏ vẻ tôn trọng nhà Lê, ông phong quan tước cho con cháu nhà Lê (ví dụ như Lê Duy Hoán được phong 1016 tự dân và 10000 mẫu tự điển); vời dùng các cựu thần Lê triều như Nguyễn Duy Hợp, Lê Duy Đản, Ngô Xiêm.... Ngoài ra, ông còn cho giữ gìn lăng tẩm, đền miếu các vua Lê, cho sửa chữa lại Lam Kinh, xây đền Lê Bố Vệ, cho tổ chức lễ thờ tế vua Lê ở cấp quốc gia hằng năm cũng như "phong bách thần trong nước cho triều Lê". Một mặt Gia Long tìm cách làm giảm tình cảm của dân chúng bằng cách giảm ảnh hưởng của triều Lê: cho phá hoàng thành Thăng Long nhà Lê xây và thay thế bằng hoàng thành nhỏ hơn rất nhiều, thay chữ Long () mang nghĩa là rồng trong Thăng Long (升龍) thành Long () mang nghĩa là thịnh vượng; và hủy sáu trường thi hương Bắc Hà. Đồng thời, vua Gia Long còn cho lập các kho vận trữ lúa gạo (kho Bình Chuẩn Thương), cắt cử quan lại chăm lo việc cứu đói dân chúng.

Tuy thế, các cuộc nổi dậy vẫn nổ ra ở khắp các khu vực Bắc Hà từ Nghệ An tới khu vực Tây Bắc với nhiều lý do khác nhau, trong đó đó danh nghĩa tôn phù nhà Lê trở thành một lý do nổi dậy phổ biến (ngoài ra còn có cả một số trường hợp xưng con cháu triều Lý và triều Mạc. Lực lượng nổi dậy bao gồm các tộc người thiểu số ở vùng miền núi như người Hoa, người Nùng: trong đó một số vụ nổi tiếng và kéo dài nhiều năm như cuộc nổi dậy của Lý Văn Phúc (vùng Thái Nguyên); Dương Đình Cúc (vùng Thái Nguyên), Lê Đắc Lộc và Thân Vạn Đồng (vùng Bảo Lộc), Mã Sĩ Anh (vùng Hưng Hóa); các con cháu nhà Lê như Lê Duy Hoán; các nhóm cướp phát triển lên như Cao Văn Dũng và Nguyễn Tình (vùng Sơn Tây và Hải Dương), Vũ Đình Khanh (vùng Sơn Nam Hạ), các tù trưởng người Mường như Quách Tất Thúc (khu vực Thanh Hóa)... Để đối phó, Gia Long đã ra sức đánh dẹp, thi hành nhiều chính sách vỗ an và cử nhiều tướng tài như Lê Chất, Lê Văn Duyệt lưu đóng ở khu vực Bắc Thành nhiều năm nhưng vẫn không sao hết được. Ở các khu vực miền Trung, các phong trào nổi dậy chủ yếu chỉ mang tính lẻ tẻ, tuy cũng có phong trào lớn như là cuộc nổi dậy của người Thượng ở Đá Vách kéo dài qua tận các đời vua sau. Khu vực Nam Hà thì chủ yếu xuất hiện nạn cướp bóc hay gây rối loạn mất an ninh; mãi đến khi Gia Long cử Lê Văn Duyệt vào làm Tổng trấn cai quản vùng này thì tình hình mới ổn định.

Vấn đề đường xá được Gia Long chú trọng vì tầm quan trọng cả về kinh tế và chính trị: ông lệnh cho các quan phải đào đắp sửa sang các con đường, dân địa phương cũng phải tham gia vào việc làm cầu đắp đường theo tỷ lệ 15.000 trượng đường thì phát cho dân 10.000 phương gạo. Từ ải Nam Quan đến Bình Thuận có chừng 98 nhà trạm, mỗi trạm cách nhau chừng 4.000 trượng, dùng để làm nơi khách bộ hành nghỉ ngơi. Từ Bình Thuận trở vào phía Nam đến Hà Tiên thì đi bằng đường thủy. Ở các trấn lại đặt ra kho thóc chứa thóc gạo, để phòng khi mất mùa đói kém thì lấy phát chẩn. Ngoài ra, ông còn tiếp tục chính sách khai hoang vùng đồng bằng sông Cửu Long: triều đình bỏ tiền đào kênh Vĩnh Tế và kênh Thụy Hà để tạo cơ sở cho việc khai hoang và xác định biên giới Việt Nam và Cao Miên. Còn ở Bắc Hà, ông cũng thực hiện việc đắp đê, kè với một khối lượng "lớn nhất so với các triều trước" và cho lập Nha Đê Chính để quản lý vấn đề này.

Về mặt tôn giáo, triều vua Gia Long có chính sách chuộng về Nho giáo, nên chính sách về tôn giáo của Gia Long là ngược hẳn so với chính sách tôn giáo của nhà Tây Sơn. Các chỉ dụ của ông đã quy định nên nhiều chính sách có tính ngược đãi đối với những người theo Phật giáo và Lão giáo. Công giáo cũng được khoan thứ vì mối quan hệ của ông với người Pháp và các giáo sĩ không bị cấm đoán và được tự do đi truyền đạo khắp nơi. Nhìn chung, chính sách của Nguyễn Ánh đối với Công giáo là một chính sách không bảo vệ cũng như không bài bác. Tuy vậy, Gia Long vẫn cảnh giác và ra các biện pháp phòng ngừa vấn đề truyền bá đạo Công giáo xâm hại tới trật tự xã hội, văn hóa truyền thống; nguy cơ các thế lực phương Tây thâm nhập Việt Nam thông qua các giáo sĩ.


[xem tiếp]                                                                                                                                  [quay lại]


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 15
Lượt truy cập: 4385159