Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> NGUYỄN PHÚC THUẦN (31/12/1754 - 1/9/1777)
 28/03/2015 12:12

NGUYỄN PHÚC THUẦN (31/12/1754 - 1/9/1777)


Nguyễn Phúc Thuần
(chữ Hán: 阮福淳; 31 tháng 12, 1754 - 1 tháng 9, 1777), còn gọi là Nguyễn Duệ Tông (阮睿宗), là Chúa Nguyễn thứ 9 của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi từ năm 1765 đến năm 1777, tổng cộng 12 năm.

Ông nhận tước hiệu Định Vương (定王), được người trong lãnh thổ gọi là chúa Định (主定). Lên ngôi khi còn nhỏ, quyền hành bấy giờ đều nằm trong tay quyền thần Trương Phúc Loan, xuất thân từ dòng họ gần gũi với vương tộc Nguyễn Phúc. Sự biến năm Giáp Ngọ (1774), chúa Định bôn ba khắp nơi, gặp thế quân Tây Sơn nổi lên cướp phá, thiên hạ loạn to, chúa Định bị quân Tây Sơn bắt và giết chết.

Năm 1806, Nguyễn Thế Tổ Gia Long hoàng đế truy phong làm Thông Minh Khoan Hậu Anh Mẫn Huệ Hòa Hiếu Định Hoàng Đế (聰明寬厚英敏惠和孝定皇帝), miếu hiệu là Duệ Tông (睿宗).

Thân thế

Nguyễn Phúc Thuần sinh vào ngày 18 tháng 11 năm Giáp Tuất (tức ngày 31 tháng 12, năm 1754), là con thứ 16 của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Mẹ ông là Cung tần Nguyễn Phúc Ngọc Cầu (阮福玉球), là con gái của Thái bảo Dận Quận công Nguyễn Phúc Điền, con trai thứ 12 của chúa Minh Nguyễn Phúc Chu, xét theo vai vế là họ hàng trong vương tộc bấy giờ.

Chúa Nguyễn Phúc Khoát lúc đầu lập công tử thứ 9 là Nguyễn Phúc Hạo làm Thế tử nhưng công tử lại mất sớm, con trai là Vương tôn Dương khi đó còn thơ ấu mà Công tử cả là Nguyễn Phúc Chương cũng đã mất. Chỉ còn Công tử thứ hai là Nguyễn Phúc Luân, người con còn lại của Chính cung Trương thị. Võ vương có ý lập Phúc Luân lên ngôi nên đã vời cho Luân một thầy giáo nổi tiếng lúc đó là Trương Văn Hạnh, Lê Cao Kỷ dạy bảo.

Năm 1765, ngày 7 tháng 7, Võ vương mất, mọi việc lại thay đổi. Quyền thần Trương Phúc Loan không muốn lập Nguyễn Phúc Luân do ông này đã lớn tuổi khó bề điểu khiền liền lập Phúc Thuần lên ngôi khi mới 12 tuổi. Tôn xưng là Định Vương (定王).

Trương Phúc Loan không những không đưa Nguyễn Phúc Luân lên ngôi mà còn bắt Phúc Luân tống giam và giết Trương Văn Hạnh và Lê Cao Kỷ. Nguyễn Phúc Luân về sau chết trong tù khi mới 33 tuổi.

Quyền thần Trương Phúc Loan

Triều đình chúa Nguyễn đến thời kì suy vong do bị nạn quyền thần lấn lướt, Phúc Thuần nhỏ tuổi, lại bị bất ngờ đưa lên ngôi, trở nên bỡ ngỡ trên ngai vàng. Mọi quyền hành đều do Trương Phúc Loan thao túng. Loan tự nhận là Quốc phó, giữ Bộ Hộ, quản cơ Trung tượng kiêm Tàu vụ. Thực tế người này thâu tóm mọi quyền lực về chính trị và kinh tế. Thuế sản vật các mỏ vàng Thu Bồn, Đồng Hương, Trà Sơn, Trà Vân... đều rơi vào tay Loan, hàng năm Loan chỉ nộp vào ngân sách quốc gia 1-2 phần mười số thu được. Sử sách còn ghi lại rằng ngày nắng, Loan cho phơi của cải châu báu ra sân làm sáng rực cả một góc trời. Cả nhà họ Trương chia nhau nắm giữ mọi chức vụ chủ chốt. Người bấy giờ gọi là Trương Tần Cối (張秦桧).

Cùng lúc đó, Lại bộ thượng thư Nguyễn Cư Trinh, trụ cột của triều Nguyễn qua đời. Họ Trương không còn ai ngăn trở, càng ra sức lộng hành: bán quan tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân cực khổ. Những người có tài như Tôn Thất Dục bị Loan tìm cách hãm hại. Tài chính vô cùng kiệt quệ.

Khởi nghĩa Tây Sơn

Ở Quy Nhơn, loạn quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu thanh thế ngày càng lớn manh, mom men muốn cướp phá, dần tiến về Phú Xuân. Đến tháng 9 năm Giáp Ngọ (1774), chúa Trịnh sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân vào đánh chúa Nguyễn. Cả hai phía Tây Sơn và chúa Trịnh đều nêu khẩu hiệu trừ Trương Phúc Loan, lập Hoàng tôn Dương. Chiến tranh loạn lạc xảy ra, đất Thuận Hóa vốn trù phú mà thành ra xơ xác, ngoài đường nhiều người chết đói.

Trước tình cảnh đó, tôn thất nhà Nguyễn bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh. Đến tháng 12, quân Trịnh chiếm được Phú Xuân, đặt quan cai trị Thuận Hóa. Định Vương mang các tông tộc vượt biển, qua địa bàn kiểm soát của Tây Sơn để chạy vào Nam Bộ. Tây Sơn cũng hòa hoãn với quân Trịnh để tập trung đánh họ Nguyễn ở phía Nam. Đại quân Tây Sơn cả thủy bộ đánh vào Gia Định nhiều lần, chủ yếu dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ.

Định Vương bị bắt trong trận đánh ngày 1 tháng 9 năm Đinh Dậu (1777) với quân Tây Sơn tại Long Xuyên (nay là tỉnh Cà Mau) và bị quân Tây Sơn giết chết. Định Vương chết khi mới 26 tuổi, chưa có con trai nối dõi, mà chỉ có một Hoàng nữ là Nguyễn Phúc Ngọc Thục.

Năm 1780, Nguyễn Thế Tổ Gia Long kế vị tước Vương, truy phong làm Thông Minh Khoan Hậu Anh Mẫn Huệ Hòa Hiếu Định Vương (聰明寬厚英敏惠和孝定王).


Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 7
Lượt truy cập: 4364465