Trang chủ -> II. Kinh tế -> 1. PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH DI SẢN VĂN HÓA BIỂN - CỤM CÁC TỈNH DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ (trang 2)
 
29/01/2016 07:11


 4. Bình Định: Bình Định là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa mà di sản còn lưu giữ là thành Đồ Bàn và các tháp Chàm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đây cũng là nơi xuất phát phong trào nông dân khởi nghĩa vào thế kỷ 18 với tên tuổi của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ; là quê hương của các danh nhân như Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Đăng Lâm, Đào Tấn, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Ngô Mây, Tăng Bạt Hổ, Diệp Trường Phát, Quách Tấn... Bình Định còn nổi tiếng bởi truyền thống thượng võ và có nền văn hoá đa dạng phong phú với các loại hình nghệ thuật như bài chòi, hát bội, nhạc võ Tây Sơn, hò bá trạo của cư dân vùng biển... cùng với các lễ hội như: lễ hội Đống Đa, lễ hội cầu ngư, lễ hội của các dân tộc miền núi...

+ Ghềnh Ráng Tiên Sa: Nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 3 km về hướng đông nam. Thắng cảnh Ghềnh Ráng trải dài dọc bờ biển, uốn lượn hàng cây số, nước biển trong xanh. Nơi đây có bãi Đá Trứng (với vô số hòn đá tròn nhẵn như trứng chim khổng lồ) là quần thể sơn thạch còn gọi là Bãi tắm Hoàng Hậu (Hoàng hậu Nam Phương từng đến tắm ở đây), dấu vết tận cùng phía đông của dãy núi Xuân Vân. Ngoài ra, nơi đây còn mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử nằm trên đồi Thi Nhân và Lầu Bảo Đại (một nhà nghỉ ba tầng, mặt hướng ra biển, đã bị phá hủy trong chiến tranh).

+ Biển Quy Hòa: Bên cạnh biển Quy hòa có bệnh viện phong Quy Hòa, khá đơn sơ mộc mạc nhưng có lẽ vì vậy mà nơi đây cho ta cảm giác mộc mạc, thanh thản.

+ Làng chài Hải Minh: Một làng chài nằm trên bán đảo Phương Mai thuộc khu vực 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn. Làng chài nhỏ, tĩnh lặng và đẹp diệu kỳ khi ráng chiều buông xuống. Làng nằm trên bán đảo cách bến Hàm Tử gần trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 15 phút đi đò.

+ Eo Gió: Eo Gió nằm trên bán đảo Phương Mai, cách trung tâm TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 20 km về hướng Đông Bắc. Sở dĩ gọi Eo Gió vì nơi đây có hình dạng cái hõm như yên ngựa, nằm giữa hai mỏm núi cao kề bên biển.

Eo Gió đẹp theo kiểu hoang sơ bởi những rặng núi có hình thù kỳ lạ vươn ra biển lớn, ôm trọn một vòng tạo thành một eo biển hút gió. Sóng biển vỗ rì rào thay nhau vờn chân núi, nhè nhẹ vào vách đá. Trong lòng Eo Gió, một bãi biển cát vàng khá rộng, sóng êm êm khiến bạn như thả trôi mình vào thiên nhiên.

+ Hải đăng cổ Cù Lao Xanh: Khu nhà của quan ba Pháp: Cạnh ngọn hải đăng là nhà làm việc hai tầng, đã được xây từ hơn 100 năm trước. Từ đây nhìn được toàn bộ khu vực đảo và chiêm ngưỡng được toàn cảnh biển bao la phía xa, trong lòng chợt phóng khoáng như một câu thơ: "Muốn nhìn xa nghìn dặm, lên nữa một tầng lầu".

+ Đảo Yến Quy Nhơn: Gọi là “đảo” nhưng thực ra xứ sở của loài chim yến nằm trên địa phận bán đảo Phương Mai. Dãy Triều Châu ăn ra biển, trãi dài chừng 15 km, tạo thành những ngọn núi nhấp nhô, trùng điệp với tên gọi thật ngộ nghĩnh: Hòn Mai, hòn Chóp Vung, núi Cột Cờ, Núi Đen… và trong số đó, ngọn núi án ngữ phía nam mang tên Hòn Yến. Cứ mỗi mùa xuân đến, tiết trời ấm áp, chim yến rủ nhau tưng đàn đông nghịt đến đây làm tổ.

Làng nghề truyền thống

- Làng nghề truyền thống Rượu Bàu Đá Cù Lâm, Nhơn Lộc

- Làng nghề dệt chiếu cói

- Làng nghề Bánh tráng Trường Cửu, Nhơn Lộc

- Làng nghề truyền thống Tiện gỗ mỹ nghệ Nhạn Tháp, Nhơn Hậu

- Làng nghề truyền thống Rèn Tây Phương Danh, Đập Đá

- Làng nghề đúc đồng Bằng Châu

- Làng nghề chế biến thảm xơ dừa Tam Quan

- Làng nghề truyền thống Nón lá

- Nghề sản xuất Tôm tre

- Làng nghề truyền thống Đúc kim loại Bằng Châu, Đập Đá

5. Phú Yên: Phú Yên nằm ở miền Trung Việt Nam diện tích tự nhiên: 5.045 km², chiều dài bờ biển: 189 km.

+ Mũi Đại Lãnh còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Mũi Đại Lãnh cùng với vịnh Vân Phong hợp thành một khu du lịch trọng điểm quốc gia Việt Nam

Mũi Đại Lãnh là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, và do một tướng người Pháp tên Varella phát hiện ra, vì thế, trước đây, người ta gọi đó là Cap Varella. Điểm đặc biệt của địa danh này là ở chỗ nó như một ngọn núi, lại giống một hòn đảo vì có một suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền, nhưng thực chất nó lại là đất liền...

+ Ô Loan là tên một đầm ở Phú Yên, đây là một thắng cảnh cấp quốc gia của Việt Nam, một danh lam tiêu biểu của tỉnh. Đầm Ô Loan là một đầm nước lợ nằm về phía Đông ven quốc lộ 1A, dưới chân đèo Quán Cau. Đầm nằm về phía Nam thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú yên. Đầm rộng hơn 17.5 km² với độ sâu trung bình 1,2 đến 1,4 mét; mùa mưa có thể sâu tới 3 mét. Sông Cái và một số sông nhỏ cấp nước ngọt cho đầm. Một lạch nhỏ nối đầm với biển. Bao bọc quanh đầm là núi Đồng Cháy, núi Cẩm và cồn An Hải.

+ Ghềnh Đá Dĩa: còn có các cách gọi (viết) khác là Ghành Đá Dĩa là một danh thắng thiên nhiên kỳ thú về cảnh quan và độc đáo về địa chất ở Việt Nam, thắng cảnh này nằm tại xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Ghềnh Đá Dĩa là một tập hợp các trụ đá hình lăng trụ xếp liền nhau, hòn nọ nối hòn kia kề với sóng nước. Bãi đá trải rộng san sát nhau chung màu đen huyền bí. Có trụ thẳng đứng, có trụ nghiêng vẹo nhưng vẫn chồng chất tầng tầng trông như chồng bát dĩa nên có tên gọi là ghềnh Đá Dĩa. Nhìn từ xa, ghềnh đá trông giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ.

+ Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước 130,45 km², được tạo thành nhờ dãy núi Cổ Ngựa chạy dài ra biển độ 15 km tạo thành bán đảo Xuân Thịnh bao bọc lấy vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông trông giống hình đầu con kỳ lân. Khi đi đường bộ lên đến đỉnh dốc Găng nằm trên quốc lộ 1A, người ta có thể nhìn thấy quang cảnh của vịnh này với rừng dừa bao bọc khu vực bờ của vịnh và vòng cung núi bao bọc khu vực vịnh Xuân Đài. Tất cả tạo nên một bức tranh sơn thủy hài hòa và thơ mộng. Trong vịnh có nhiều vũng biển và bãi tắm dẹp như Vũng La, Vũng Sứ, Vũng Chào... và nhiều đảo, bán đảo như cù lao Ông Xá, hòn Nhất Tự Sơn, Mũi Đá Mài, mũi Tai Mã....

Làng nghề:

- Làng dệt thổ cẩm của người Ê-Đê

- Làng gốm sứ Phù Lãng

- Làng gốm Quảng Đức

- Nghề đóng ghe thuyền Đông Tác

- Làng bánh tráng Hòa Đa

- Nghề làm mía đường La Hai

- Làng muối Tuyết Diêm

- Nghề dệt chiếu Cù Du

- Nghề dệt lụa Ngân Sơn

- Nghề chằm nón Phú Diễn

6. Khánh Hòa: Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh..., với khí hậu ôn hòa, nhiệt độ trung bình 26C, có hơn 300 ngày nắng trong năm, và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác. Với những lợi thế đó Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam.

+ Vịnh Vân Phong - hoang sơ và độc đáo: Vịnh Vân Phong rất đẹp, nếu đã đi vịnh Vân Phong rồi thì thật sự ở Việt Nam chả còn chỗ nào đẹp hơn chỗ này. Nó hội tụ đủ 3 điểm đẹp - hoang sơ - bình yên

Được ví như nàng công chúa ngủ quên trên biển cả mênh mông, Vịnh Vân Phong kiêu sa, kiều diễm ru hồn du khách bởi bãi cát trắng trải dài mênh mông, làn nước biển xanh trong và lòng đại dương rực rỡ sắc màu của đa dạng các loài san hô hay sinh vật biển. Vịnh Vân Phong là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, là một kỳ quan thiên nhiên với khí hậu ôn hoà, bãi biển đẹp, cát mịn, núi đồi hùng vĩ bao quanh.

Vịnh Vân Phong nằm ở giữa hai huyện Vạn Ninh và Ninh Hoà (Khánh Hòa), cách thành phố Nha Trang chừng 80 km về hướng Bắc. Nếu đi theo đường biển vượt qua vịnh Nha Phu để đi vào Vân Phong thì khoảng cách chỉ bằng một nửa và du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều cảnh đẹp. Vịnh có những bãi tắm tuyệt đẹp, hoang sơ cát trắng mịn, nước biển trong vắt như Bãi Tây, Bãi Me, Bãi Búa, Bãi Lách, Bãi Xuân Đừng… Các đảo đẹp trong vịnh phỉa kể đến: Hòn Đỏ, Hòn Ông, Hòn Cổ, Hòn Nước, hòn Bịp ( Điệp Sơn), đi lùi xuống phía nam của vịnh có Đầm Môn, Hòn Gốm….

Vịnh Vân Phong đưa con người bước vào thế giới của truyền thuyết xa xưa, nơi bộ tộc Đẳng Hạ (bộ tộc thứ 55 ngoài 54 dân tộc anh em của Việt Nam) bắt đầu hình thành và phát triển.

+ Vịnh Nha Trang: có diện tích khoảng 507 km² bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất, với diện tích 3.250 ha; đảo nhỏ nhất là Hòn Nọc chỉ khoảng 4 ha. Vịnh có khí hậu hai mùa rõ rệt Mùa khô kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12; nhiệt độ bình quân hàng năm là 26C; nóng nhất 39C, lạnh nhất 14,4C. Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt khu vực Hòn Mun của Vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới. Trong số các đảo trong vịnh có nhiều đảo là các thắng cảnh nổi tiếng như:

- Hòn Mun: là một đảo nhỏ trong Vịnh, sở dĩ có tên là "Hòn Mun" vì phía đông nam của đảo có những mỏm đá nhô cao, vách dựng hiểm trở tạo thành hang động, đặc biệt đá ở đây đen tuyền như gỗ mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác. Kết quả khảo sát đa dạng sinh học Khu bảo tồn biển cho thấy Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam. người ta cũng đã tìm thấy 340 trong tổng số hơn 800 loài san hô cứng trên thế giới.

- Hòn Miễu: (còn gọi đảo Bồng Nguyên) nơi có Thủy Cung Trí Nguyên với những sinh vật biển kỳ lạ. Cách hồ là bãi sỏi đủ màu, đủ dáng, trải thành từng lớp trên bờ thay cho cát trắng.

- Hòn Tằm: một điểm du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn, nơi đây vẫn còn lưu lại vẻ hoang sơ của thiên nhiên với thảm rừng nhiệt đới xanh mướt, bờ cát dài lãng mạn. Phía sau đảo này có một hang đá rất đặc biệt, kỳ bí mới được ngành du lịch phát hiện và đưa vào khai thác. Đó là hang Dơi, nơi có rất nhiều đàn dơi cư trú trên những vách đá cheo leo ở độ cao 60m. Đảo được đầu tư phát triển nhiều loại hình thể thao bãi biển như dù bay, bóng chuyền bãi biển, đua xuồng Kayak, leo núi….

- Hòn Tre: đảo lớn nhất trong vịnh Nha Trang với diện tích trên 32.5 km², nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 5 km về phía Đông, cách cảng Cầu Đá 3,5 km vị trí tương đối biệt lập, có bãi tắm thiên nhiên đẹp vào bậc nhất Việt Nam, thảm thực vật trong khu vực còn nguyên sơ, khí hậu ôn hoà, ít gió bão, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển.

- Hòn Chồng-Hòn Vợ: gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi Lasan. Dưới chân đồi là bãi đá ngổn ngang có thể là do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển - được đặt một cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng - đó là Hòn Vợ.

- Đảo yến: đây không phải là tên riêng của một đảo nào, mà cứ đảo nào có yến làm tổ thì gọi vậy. Nhưng trong 19 hòn đảo ở Vịnh Nha Trang thì Hòn Nội và Hòn Ngoại là nơi có nhiều yến nhất.

Làng nghề:

- Nghề làm mành ốc ở vịnh Nha Trang

- Làng nghề gốm Lư Cấm

- Làng nghề đúc đồng Khánh Hòa

- Làng dệt chiếu Mỹ Trạch

7. Ninh Thuận: Ninh Thuận là một tỉnh ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam. Tỉnh lỵ của Ninh Thuận là thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 340 km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 1.380 km về phía Bắc và cách Nha Trang 100 km theo đường Quốc lộ 1A và cách Đà Lạt 110 km theo đường Quốc lộ 27, đồng thời nằm cách sân bay Cam Ranh khoảng 60 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

+ Bãi biển Cà Ná: Cà Ná, một cái tên ấn tượng trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, nơi có núi, có rừng, có biển, và cả một nền văn hóa Chăm độc đáo. Vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với nét đẹp văn hoá đã tạo nên một thiên đường du lịch, thu hút nhiều du khách.

Không khí Cà Ná trong lành, mát mẻ. Đêm ở Cà Ná rất đẹp, nhất vào những ngày có trăng, gió biển lồng lộng vi vu, tiếng sóng vỗ rì rào, mọi thứ như hòa vào đất trời, thiên nhiên.

Cà Ná còn có một loại hình dịch vụ được chú ý là du lịch văn hóa. Ở đây có nhiều đồng bào người Chăm sinh sống, mọi phong tục tập quán vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn.

+ Vĩnh Hy - biển và rừng: Từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm theo lộ 702, dọc bãi biển Ninh Chữ, qua Đầm Vua, vượt những cồn cát thấp, rừng cây bụi, băng qua con đường đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở cắt ngang vườn quốc gia núi Chúa hoang sơ, ta sẽ đến làng Vĩnh Hy, thuộc xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, nằm lọt thỏm giữa ba bề núi rừng hoang dã, trước mặt là đại dương bao la.

+ Di tích tháp Poklongarai: là quần thể tháp Chàm được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14, nằm trên đồi Trầu, (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận). Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm.

+ Hang Rái: Một điểm nhấn trên chuyến du lịch từ Phan Rang đến Vĩnh Hy là hang Rái. Đây là một ngọn núi đá chất chồng tạo nên những hang động đẹp mắt. Núi không cao, hang không sâu nhưng cũng thật ấn tượng giữa một bên là núi Chúa, một bên là biển.


Lễ hội Katê: Khi những đóa hoa bằng lăng tím nở khắp Ninh Thuận, là lúc các làng Chăm háo hức tổ chức lễ Mbăng Katê (lễ hội Katê). Lễ Katê là lễ tế thần Cha, các vị nam thần: Pô Klông Garai,  Pô Rôme của đồng bào Chăm. 

Làng nghề

- Nghề rèn của đồng bào Raglai

- Nghề đan lát truyền thống

- Làng nghề nước mắm Cà Ná   

- Nghề chiếu An Thạnh

- Nghề dệt thổ cẩm của người Chăm là nghề “mẹ truyền con gái nối”.                

- Nghề làm thúng chai

- Làng gốm Bàu Trúc

8. Bình Thuận:  Bình Thuận là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ Việt Nam, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Tỉnh lỵ của Bình Thuận là thành phố Phan Thiết nằm cách Thành phố Hồ Chí Minh 200 km về phía Nam, cách Nha Trang 250 km và cách thủ đô Hà Nội 1.520 km về phía Bắc theo đường Quốc lộ 1A. Bình Thuận có biển dài 192 km kéo dài từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

+ Mũi Né là tên một mũi biển, một trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết được đưa vào danh sách các khu du lịch quốc gia Việt Nam. Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, Mũi Né đã được coi là trọng yếu cho ngành du lịch của Bình Thuận. Khi đến Mũi Né, du khách sẽ có thể được tham quan làng chài Mũi Né, có cơ hội chứng kiến được hoạt động của một làng chài xứ biển thuần chất Việt Nam.

+ Di tích lịch sử văn hóa Bình Thuận: Nhóm đền tháp Chăm Pôshanư tọa lạc trên đồi Bà Nài thuộc xã Phú Hải về phía Đông - Bắc cách thành phố Phan Thiết chứng 7km được người Chăm xây dựng từ những cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ IX thuộc phong cách kiến trúc nghệ thuật Hoà Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Vương quốc Chămpa.

+ Dinh Vạn Thủy Tú - Phan Thiết:  Cuối thế kỷ XVII, những ngư dân lao động của các tỉnh miền Trung lần lượt đổ bộ lên khai phá vùng đất mới còn lắm hoang vu Phan Thiết - Bình Thuận. Họ mong tránh cảnh loạn lạc, khốn cùng ở miền quê cũ, tìm được một chốn an cư lạc nghiệp lâu dài.

+ Ngọc Lân thánh địa và nhà trưng bày bộ cốt ông Nam Hải: Đến tham quan Dinh Vạn Thủy Tú, qua cổng tam quan về phía tả là Ngọc Lân Thánh Địa, về phía hữu là nhà trưng bày cốt Ông Nam Hải, trước khi vào viếng dinh chính.

+ Trường Dục Thanh: Dục Thanh (viết tắt của: Giáo Dục Thanh Thiếu Niên) là một ngôi trường ở thành phố Phan Thiết (tỉnhBình Thuận) mà Nguyễn Tất Thành (sau này là Hồ Chí Minh) đã từng dạy học ở đó.

+ Kê Gà - Ngọn hải đăng trăm tuổi:  Ngọn hải đăng trăm tuổi trên đảo Kê Gà sừng sững giữa biển khơi đang là điểm đến hấp dẫn đối với du khách đến Bình Thuận. Đứng trên ban-công ở đỉnh hải đăng, phong cảnh một vùng biển mở ra trước mắt du khách đẹp đến sững sờ, bởi hiếm có dịp được “chiêm ngưỡng” vẻ đẹp của biển ở góc nhìn này...

Lễ hội phổ biến cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ:

+ Hò đưa linh: Hò là hình thức diễn xướng được phổ biến khắp nơi trên đất nước Việt Nam, từ vùng sông nước, biển cả, đồng bằng cho đến trung du, miền núi. Qua những điệu hò có thể tìm thấy một thế giới sinh động, phong phú, chân thực trong đời sống lao động, tư tưởng, tình cảm của người Việt từ xưa đến nay. Có nhiều kiểu hò như: hò khoan, hò ba lý, hò chèo thuyền, hò mái ba, hò đua ghe, hò leo dốc, hò đi cấy, hò kéo gỗ, hò giã gạo, hò nhân ngãi, hò giao duyên… Còn Hò đưa linh là hình thức biểu diễn văn nghệ dân gian, có ca - múa - hát - hò để đưa người qua đời về nơi an nghỉ.

Người Việt từ xa xưa đã quan niệm "sống dầu đèn, chết kèn trống" nên cứ hễ đám tang thì có kèn trống. Ở vùng biển không chỉ có kèn trống mà người dân nơi đây còn quen thuộc với điệu hò đưa linh của quê hương mình. Theo những người dân nơi đây, hò đưa linh trong đám tang là cách hướng về nguồn cội, biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã sinh thành và nuôi nấng mình trưởng thành và cả những người vô danh...

+ Lễ hội tế Cá Ông (cá Voi): Từ xa xưa, người dân chài Việt Nam luôn coi cá voi là vị thần hộ mệnh giúp họ thoát nạn trên biển mỗi khi gặp bão tố hay sóng to gió lớn.

Chính vì thế, bao giờ cũng vậy, trước khi ra khơi, người dân thường cúng vái cá Ông, mong cho sóng yên bể lặng, cá đầy ăm ắp. Người vạn chài tin rằng Cá Ông lụy và trôi dạt vào làng nào, làng đó muôn đời ấm no, tai qua nạn khỏi. Vì lòng tín ngưỡng ấy, mỗi khi có cá voi bị nạn dạt vào bờ, dân chài thường làm lễ cúng tế long trọng, chôn cất và để tang Ông, hương khói như chính cha mẹ mình vậy. Người đầu tiên phát hiện ra Ông lụy được đóng khăn sô chịu tang. Xác cá được đem tắm bằng rượu rồi liệm bằng vải đỏ, được mai táng trong đụn cát gần biển. Ba bốn năm sau khi chôn, dân làng sẽ làm lễ cải táng, rồi đem cốt cho nhập lăng.

Hàng năm, dân làng chọn ngày "ông lụy", tức ngày cá Ông trôi dạt vào bờ làm lễ cúng giỗ. Đại lễ tế cá Ông hằng năm diễn ra vào mùa xuân cũng là lễ tế thần Nam Hải, lễ cầu ngư và bây giờ thì cũng là lễ ra quân đánh bắt xa bờ vụ chính trong năm (vụ cá nam). Bà con góp tiền góp gạo làm lễ tế ngay trên nghĩa địa cá Ông, rồi rước linh Ông ra cửa biển, nhúng lưới, cầu ngư để mong một năm làm ăn thắng lợi.

+ Lễ hội đua ghe: Lễ hội đua nghe được tổ chức nhân ngày lễ hội cầu ngư, nghinh Ông là một nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Quảng Nam cũng như các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Ghe đua được chia làm ba loại: ghe ngang, ghe lỡ, ghe tiến. Ghe ngang chở từ 12 người đến 15 người; ghe lỡ chở từ 20 người đến 23 người; ghe tiến dài chở tới 40 - 45 người.

Những lợi điểm của các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ do thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên một di sản văn hóa biển, kết hợp với phong tục tập quán lâu đời của các làng nghề truyền thống của từng vùng, từng địa phương tô đậm nét văn hóa, hấp dẫn khách du lịch. Ngày nay con người đi tham quan, du lịch không tìm đến cái đẹp hùng vĩ nhân tạo mà người ta có xu hướng tìm đến thiên nhiên, gần gủi với thiên nhiên, tìm đến các làng quê mộc mạc còn phảng phất nét hoang sơ để hóa thân vào cuộc sống với người dân mộc mạc ấy, gọi là du lịch trải nghiệm (homestay), họ cảm thấy sẽ được sống với sự thanh bình và quên đi những mệt mỏi, hưởng thụ cuộc sống thực như họ là một thành viên trong cộng đồng ấy. Để đạt được kết quả nầy các chính quyền địa phương, các nhà đầu tư phải phục dựng lại các di sản văn hóa biển, di tích văn hóa, di tích lịch sử, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề như xưa, tạo nên một cụm du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ, quảng bá qua các phương tiện truyền thông, thông tin. Có như thế sẽ mang lại nguồn lợi nhuận trong quá trình hội nhập kinh tế giữa các vùng miền trên toàn quốc, trên toàn thế giới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bách khoa toàn thư - wikipedia

2. http://baodautu.vn

3. http://www.quangnamnet.com.vn

4. http://baoquangngai.vn

5. http://binhdinh.gov.vn

6. http://mytour.vn

7. http://quangnam.gov.vn

  8. http://quangngai.gov.vn

  9. http://phuyen.gov.vn

10. http://khanhhoa.gov.vn

11. http://ninhthuan.gov.vn

12. http://binhthuan.gov.vn

13. http://www.bvhttdl.gov.vn

14. http://www.vir.com.vn


[quay về]


Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 10
Lượt truy cập: 4353838