07/06/2015 16:05


LÝ KHUÊ (? - ?)


Lý Khuê
(chữ Hán: 李奎; ? - ?) hay Lý Lãng công (李郞公) là một sứ quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 10. Ông vốn là một hào trưởng, người thuộc vùng giáp ranh Bắc Ninh - Hưng Yên, Việt Nam. Năm 968 ông bị tướng Lưu Cơ của Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư dẹp tan, một bước trong quá trình chấm dứt tình trạng cát cứ lập ra nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử.

Sứ quân vùng Siêu Loại

Sau khi Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, các nơi không chịu thuần phục, các thủ lĩnh nổi lên cát cứ một vùng và đem quân đánh chiếm lẫn nhau, sử gọi là loạn 12 sứ quân. Năm 965, Ngô Xương Văn đi đánh thôn Đường và thôn Nguyễn bị phục binh bắn nỏ chết. Trong giai đoạn này, Lý Khuê chiếm giữ Siêu Loại.

Theo thần tích ở một số xã thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh thì Lý Khuê đánh nhau với lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh bị thua và mất ở làng Dương Xá (nay thuộc xã Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội).

Thần tích đền thờ Lưu Cơ ở làng Đại Từ, xã Đại Đồng, tỉnh Hưng Yên cho biết nơi đây cũng thuộc đất Siêu Loại cũ và là địa điểm tướng Lưu Cơ của Đinh Tiên Hoàng đóng quân để đánh dẹp sứ quân Lý Khuê.

Căn cứ Siêu Loại

Căn cứ Siêu Loại xưa là hương Thổ Lỗi bờ nam sông Đuống. Vùng đất này nay thuộc Thuận Thành (Bắc Ninh) và một phần 2 huyện Gia Lâm (Hà Nội), Văn Lâm (Hưng Yên). Nơi đây có trung tâm Phật giáo Luy Lâu đã phát triển hằng trăm năm với nhiều ngôi chùa cổ như chùa Dâu, chùa Bút Tháp.

Vì căn cứ của Lý Khuê ở rất gần quê hương Nhà Lý, hơn nữa năm 936, khi trồng cây gạo ở chùa Minh Châu, Trưởng lão Đinh La Quý An có đọc bài kệ mà sau này nhà sử học Trần Quốc Vượng dịch có câu là:

"Đầu rồng hiện ở Đại Sơn / đuôi rồng giấu ở chùa Minh Châu"

Vì thế mà một số nhà nghiên cứu cho rằng đầu rồng ở đây ám chỉ Lý Khuê, còn đuôi rồng ám chỉ Lý Công Uẩn. Tức Lý Khuê là ông nội Lý Công Uẩn - vị vua đầu nhà Lý sau này.

Đền thờ

Sứ quân Lý Khuê được thờ ở thôn Dương Đanh, Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Theo thần tích, Lãng Khuê công (Lý Lãng Công) là một trong 12 sứ quân chia cắt đất nước cuối thế kỷ X. Sứ quân này chiếm cứ vùng Siêu Loại, bị Đinh Bộ Lĩnh đánh tan và tử trận tại Dương Đanh ngày 30 tháng Tư năm Mậu Thìn (968) nên được dân thôn thờ.

Xét trên lợi ích quốc gia, việc cát cứ của các sứ quân đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc. Nhưng có thể thấy trong bối cảnh đất nước rơi vào tình trạng vô chủ, việc các vị hào trưởng có thế lực quân sự mạnh, thiết lập chính quyền, duy trì trật tự tại địa phương để nhân dân có thể sống yên bình trong vùng đất của họ là điều cần thiết và thuận lòng dân, dù việc này không có tính toàn cục và chỉ diễn ra trong một thời đoạn ngắn, điều đó lý giải vì sao các sứ quân vẫn được nhân dân trong vùng chiếm đóng lập đền thờ.


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 5
Lượt truy cập: 4365274