Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương XIV. PHONG TRÀO GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VIỆT NAM (1885 - 1945) - Thanh niên Tiền phong (1/7/1945 – 16/8/1945)
 23/05/2015 21:06


THANH NIÊN TIỀN PHONG (1/7/1945 – 16/8/1945)


Thanh niên Tiền phong
là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động chủ yếu tại Nam Kỳ trong năm 1945. Đây là tổ chức có đoàn thể mạnh nhất và là lực lượng chính của một số tỉnh thành ở miền Nam Việt Nam tham dự sự kiện Cách mạng Tháng Tám.

Lịch sử

Khởi đầu tổ chức là tập hợp của các hội Ái hữu học sinh Nam Kỳ cuối thập niên 1930, về sau phát triển trong bộ phận sinh viên của Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Đây chính là nơi tập hợp các hạt nhân thanh niên trí thức yêu nước, có tinh thần dân tộc, tổ chức các hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước, bí mật hoạt động chính trị và chống Pháp.

Sau khi Pháp thất trận ở chính quốc và quân đội Nhật xâm nhập Đông Dương, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của dân bản xứ, Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux đã cử Đại tá Ducoroy tổ chức các phong trào xã hội và nới lỏng một số quyền tự do cho dân bản xứ.

Tuy nhiên, các phong trào này đều được các cán bộ Việt Minh nhanh chóng thâm nhập và sớm định hướng mục tiêu gây ảnh hưởng trong quần chúng và giáo dục truyền thống yêu nước, tuy tránh đả động đến chính quyền.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, để tranh thủ lực lượng quân chúng đông đảo ở Nam Kỳ, Thống đốc Nam Kỳ Minoda đã cho phép thành lập Phong trào Thanh niên Tiền phong vào ngày 21 tháng 4 năm 1945. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (trước đó đã được Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử vào lãnh đạo Thanh niên tiền phong), được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Phong trào. Xứ ủy Nam Kỳ do ông Trần Văn Giàu đứng đầu theo đề nghị của Trần Văn Giàu và Hà Huy Giáp đồng ý cho Phạm Ngọc Thạch đứng ra công khai tổ chức phong trào Thanh niên.

Khi đó ở Nam Bộ có hai Xứ ủy, một do ông Trần Văn Giàu làm Bí thư. Một do bà Nguyễn Thị Thập làm Bí thư Xứ ủy, tổ chức Thanh niên Giải phóng và lấy cờ Việt Minh làm cờ tổ chức. Ban quản trị Thanh niên Tiền phong được xác định gồm: Lê Văn Huấn, Kha Vạng Cân, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Thủ, Thái Văn Lung, Tạ Bá Tòng, Huỳnh Tấn Phát, Huỳnh Văn Tiểng, Kiều Công Cung, Hồ Văn Nhựt... Việc hai Xứ ủy và nhóm lãnh đạo Thanh niên Tiền phong lấy cờ vàng sao đỏ làm lá cờ của tổ chức gây nhiều tranh cãi sau này.

Ban đầu phong trào Thanh niên Tiền phong được thành lập dựa trên nòng cốt tổ chức Hướng đạo Việt Nam và Tổng hội Sinh viên Đông Dương. Khi đó chính phủ Đại Việt của Trần Trọng Kim không có Bộ Quốc phòng, nhưng Phan Anh khi đó Bộ trưởng thanh niên tổ chức các lực lượng thanh niên dưới sự bảo trợ của Nhật (Một nhóm "Đại Việt trẻ" (Thanh niên tiền tuyến) của Tạ Quang Bửu thành lập ở ở miền bắc và trung, sau lực lượng của Phan Anh và Tạ Quang Bửu hợp nhất với lực lượng của Võ Nguyên Giáp ở Bắc kỳ).

Phong trào Thanh niên tiền phong đã nhanh chóng tổ chức các hoạt động cứu trợ nạn nhân do các cuộc oanh tạc của Đồng Minh và giúp đỡ đồng bào miền Bắc đang bị nạn đói lúc đó. Do tôn chỉ xã hội rộng rãi, không phân biệt chính trị tôn giáo nên Thanh niên Tiền phong nhanh chóng trở thành phong trào mạnh nhất ở Nam Kỳ và lan rộng đến Trung Kỳ. Sau 2 tháng vận động, ngày 1 tháng 6 năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong chính thức ra mắt. Các thủ lĩnh phòng trào gồm có bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, nha sĩ Nguyễn Văn Thủ, luật sư Thái Văn Lung, bác sĩ Hồ Văn Nhựt, Trần Văn Khéo... và các sinh viên Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước, Trần Bửu Kiếm... Chỉ riêng tại Sài Gòn, phong trào đã có hơn 20 vạn người tham gia và phát triển hơn 1 triệu đoàn viên trong toàn cõi Nam Kỳ.

Lá cờ của Thanh niên Tiền phong có nền vàng, chính giữa có ngôi sao đỏ. Lá cờ này là một trong số các lá cờ huy động các thanh niên ái quốc Việt Nam đấu tranh với Pháp. Đến ngày 16 tháng 8 năm 1945 Thanh niên Tiền phong tuyên bố gia nhập Việt Minh. Trước đó tổ chức này tham gia Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất.

Trong thời gian Cách mạng Tháng Tám, nhiều nơi lực lượng Thanh niên Tiền phong cùng với các lực lượng quần chúng khác sử dụng cờ Việt Minh, hay cờ đảng cộng sản. Sau Cách mạng tháng Tám một thời gian, lực lượng này bị phân hóa. Thanh niên tiền phong theo lệnh chính phủ lâm thời đổi là Thanh niên cứu quốc. Một số nhỏ lãnh đạo của Thanh niên Tiền phong gia nhập các tổ chức chính trị khác.

                         [quay lại]


Tổng số thành viên: 19602
Thành viên mới nhất: Vũ ngọc khánh
Đang trực tuyến: 10
Lượt truy cập: 4326851