Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương XIII. NHÀ NGUYỄN (1802 - 1945) - CUỘC NỔI DẬY CỦA LÊ VĂN KHÔI (7/1833 - 9/1835)
 11/05/2015 11:52


CUỘC NỔI DẬY CỦA LÊ VĂN KHÔI (7/1833)


Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi
, hay còn được gọi là: cuộc binh biến của Lê Văn Khôi, khởi nghĩa của Lê Văn Khôi, sự biến thành Phiên An, là một cuộc nổi dậy chống lại triều đình xảy ra vào thời vua Minh Mạng. Sự kiện này diễn ra từ năm 1833 đến năm 1835 ở các tỉnh miền Nam Việt Nam, lãnh đạo của cuộc nổi dậy này là Lê Văn Khôi, con nuôi của Lê Văn Duyệt.

Nguyên nhân

Vua Minh Mạng và tả quân Lê Văn Duyệt vốn có nhiều hiềm khích và tư thù. Minh Mạng tuy ghét nhưng không dám làm gì Lê Văn Duyệt vì công lao và uy quyền quá lớn của ông với triều đình.

Năm 1832, ngay sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng bèn tìm cách giành lại quyền lực của mình ở thành Gia Định. Vua bãi bỏ chế độ tổng trấn, tất cả đổi là tỉnh, trực thuộc vào triều đình Huế, cắt đặt quan lại vào thay. Trong những quan lại ấy có Nguyễn Văn Quế làm tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm bố chính, Nguyễn Chương Đạt làm án sát.

Theo sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, thì: vốn là người tham lam, tàn ác; nên khi đến làm bố chính ở Phiên An, Bạch Xuân Nguyên nói rằng phụng mật chỉ truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi đòi hỏi chứng cớ, trị tội bọn tôi tớ của ông Duyệt ngày trước.

Trước khi đi, Bạch Xuân Nguyên đã được Minh Mạng bí mật dặn dò về việc dựng nên một bản án chống lại Lê Văn Duyệt. Ngay khi tới nơi, Bạch Xuân Nguyên làm một báo cáo dày nhiều tập trong đó lên danh sách, tìm bằng chứng, rồi buộc Lê Văn Duyệt nhiều tội trong đó có các tội tham nhũng, lạm dụng quyền lực, đơn cử như việc Lê Văn Duyệt mở rộng thành Bát Quái, đóng thêm tàu được xem là một bằng chứng xác đáng về tội ác chống triều đình của Lê Văn Duyệt, nhưng vì ông đã chết nên cho người đánh mộ 100 roi Đồng thời nhiều thuộc hạ của Lê Văn Duyệt cũng bị bắt, và 16 người nhà của Lê Văn Duyệt bị giết chết.

Những hành động này đã thúc đẩy các thuộc hạ của Lê Văn Duyệt, trong đó có con nuôi ông là Lê Văn Khôi, lo sợ cho số phận của mình, nên họ dấy binh nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Lê Văn Khôi.

Diễn biến

Nổi dậy

Nguyên trước Lê Văn Khôi có tên là Nguyễn Hữu Khôi, người ở Cao Bằng, do khởi binh làm loạn, bị quân triều đình đuổi đánh, mới chạy vào Thanh Hóa, gặp Lê Văn Duyệt làm kinh lược ở đấy, bèn xin ra thú. Lê Văn Duyệt tin dùng cho làm con nuôi, đổi tên họ là Lê Văn Khôi, rồi đem về Gia Định cất nhắc cho làm đến chức phó vệ úy. Theo Quốc triều chính biên toát yếu, khi nổi dậy, Lê Văn Khôi giữ chức Tả quân Minh nghĩa Vệ úy.

Khi Bạch Xuân Nguyên tuyên bố phụng mật chỉ trị tội các thủ hạ của Lê Văn Duyệt, Lê Văn Khôi bị bắt giam. Ông bèn mưu với mấy người cùng cánh khởi binh chống triều đình.

Lê Văn Khôi ngầm liên hệ được với binh lính bên ngoài, vào đêm 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (tức 5 tháng 7 năm 1833), ông cùng 27 lính hồi lương đồng mưu đột nhập dinh giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên và thuộc hạ Nguyễn Trương Hiệu, người trực tiếp lo vụ án Lê Văn Duyệt, cùng thủ hạ. Lúc đó ở Gia Định lại có những người có tội ở Bắc Kỳ đem đày vào, hoặc cho làm ăn với dân sự, hoặc bắt làm lính gọi là hồi lương; những lính ấy đều theo Lê Văn Khôi nổi dậy.

Quân Lê Văn Khôi chiếm được Thành Bát Quái. Họ tổ chức một lễ thắp đuốc tại mộ Lê Văn Duyệt và tại đây, Lê Văn Khôi tuyên bố bất phục triều đình, ủng hộ An Hòa, con trai của Nguyễn Phúc Cảnh (hoàng tử Cảnh). Tối cùng ngày, quân nổi dậy giết vị quan tổng đốc mới nhận chức của triều đình là Nguyễn Văn Quế, người chịu trách nhiệm việc xây dựng lại quyền lực của triều đình trung ương ở vùng Gia Định, khi ông đang mang quân đến cứu Bạch Xuân Nguyên.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện của nhà Nguyễn chép sự việc này hơi khác. Theo đó, khi Lê Văn Khôi cùng 60 người đến đánh Bạch Xuân Nguyên và Nguyễn Văn Quế. Xuân Nguyên thấy động lẻn trốn thoát, còn Quế cùng vài thủ hạ chống cự bị giết chết. Sau đó Lê Văn Khôi đuổi theo bắt được Bạch Xuân Nguyên, mang về nhà Lê Văn Duyệt để tế Duyệt. Sau đó Lê Văn Khôi mới giết nốt Xuân Nguyên.

Tới tháng 7 năm đó, cả Văn Quế và Xuân Nguyên đều bị triều đình truy đoạt chức tổng đốc An Biên và Bố chính Phiên An.

Đánh chiếm 6 tỉnh

Nhiều quan lại do triều đình bổ nhiệm đều bị giết chết và hoặc chạy khỏi thành Gia Định. Cuộc nổi dậy bất ngờ này đã không được triều đình dự phòng trước. Quân nổi dậy nhanh chóng tràn đi các tỉnh đồng bằng Nam Bộ và đánh chiếm. Trong vòng 3 ngày lục tỉnh Nam Kỳ đã nằm trong tay lực lượng nổi dậy. Lê Văn Khôi làm chủ thành Phiên An, nhiều tướng văn võ của triều đình đầu hàng. Ông đúc ấn tự xưng là đại nguyên soái, phong cho Thái Công Triều, Lê Đắc Lực làm trung quân; các tướng người Bắc Kỳ là Nguyễn Văn Đà, Nguyễn Văn Thông làm tiền quân; Dương Văn Nhã, Hoàng Nghĩa Thơ làm Tả quân; Võ Vĩnh Tiền, Võ Vĩnh Tải làm Hữu quân; Võ Vĩnh Lộc, Nguyễn Văn Bột làm hậu quân; Lưu Tín, Trần Văn Tha làm thủy quân; Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Văn Chân, Quách Ngọc Chấn làm Tượng quân.

Trong tháng 6 âm lịch năm đó, quân nổi dậy đánh chiếm Biên Hòa. Các quan lại nhà Nguyễn như Thự tuần phủ Võ Quýnh, án sát Lê Văn Trác, lãnh binh Hồ Kim Truyền đều bỏ chạy.

Vài ngày sau, Võ Quýnh khôi phục lại được Biên Hòa. Minh Mạng lệnh cho tổng đốc Long Tường là Lê Phúc Bảo, tổng đốc An Hà là Lê Đại Cương đốc quân cùng đến Phiên An đánh Lê Văn Khôi. Nhưng khi quân triều đình chưa kịp điều thì quân nổi dậy dưới sự chỉ huy của Thái Công Triều lại đánh chiếm Định Tường, khiến cho Phúc Bảo, Đại Cương đều bị cách chức làm lính cùng với tuần phủ Vĩnh Long là Tô Chấn và Án sát Ngô Bá Toán.

Lê Văn Khôi còn nhiều người trong gia đình ở ngoài Bắc, bị triều đình bắt giữ ở Cao Bằng.

Thái Công Triều mang quân từ Định Tường đến đánh chiếm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Quân nổi dậy chia nhau đi giữ các huyện và đặt quan chức cai trị tại đó. Tháng 7 năm 1833, quân nổi dậy tấn công Biên Hòa nhưng bị đánh lui. Sau đó, Lê Văn Khôi tiếp tục mở cuộc tấn công lần nữa và chiếm được thành, giết tướng nhà Nguyễn là Tôn Thất Gia. Cùng lúc, anh vợ Lê Văn Khôi là Nông Văn Vân làm tri châu Bảo Lạc thuộc Tuyên Quang cũng nổi dậy, tự xưng là Thiết chế thượng tướng quân.

Thất thế

Vua Minh Mạng liền cử Tống Phúc Lương, Nguyễn Xuân, Phan Văn Thúy, Trương Minh Giảng và Trần Văn Năng đem thủy bộ binh tượng vào đánh Khôi.

Ngay trong tháng 8 năm 1833, quân triều đình đã phản công và bắt đầu lấy lại các tỉnh Nam Bộ. Tướng Ngô Bá Toán chuộc tội, lấy lại được Định Tường, được phong chức Bố Chính Sứ.

Trong tháng, Án sát Vĩnh Long là Doãn Uẩn chiếm lại được thành Vĩnh Long. Sau đó Án sát An Giang là Bùi Văn Lý cũng chiếm lại An Giang và Hà Tiên. Trương Minh Giảng và Hoàng Đăng Thuận lấy lại được Biên Hòa.

Địa chủ, phú hào các nơi dao động, không dám ủng hộ Lê Văn Khôi nữa. Tiếp đó, một tướng giỏi của ông là Thái Công Triều cũng đầu hàng triều đình, khiến lực lượng nổi dậy suy yếu nhanh chóng. Triều mang quân về đánh Khôi ở Gia Định.

Cố thủ và thất bại

Lê Văn Khôi yếu thế, bèn nhờ giáo sĩ phương Tây đi sang cầu viện Xiêm La. Xiêm La nhân muốn lấn chiếm Đại Nam bèn nhận lời giúp.

Lê Văn Khôi còn mời một vị giáo sĩ người Pháp tên Marchand đến và ở trong thành. Việc mời vị giáo sĩ này và việc ủng hộ con của hoàng tử Cảnh (đã cải đạo sang Cơ đốc giáo trước đó) là An Hòa là nhằm có được sự ủng hộ của những người Công giáo địa phương. Lê Văn Khôi còn kêu gọi những người theo Công giáo vào thành và sống dưới sự bảo trợ của ông. Những giáo sĩ người Việt giữ vai trò lãnh đạo lực lượng Công giáo địa phương đánh lại quân triều đình và liên lạc với bên ngoài khi thành bị vây khốn.

Năm 1834, quân triều đình đánh bại quân Xiêm, chiếm lại toàn bộ các tỉnh miền nam và chuyển sang vây quân nổi dậy trong thành Bát Quái. Lê Văn Khôi bị bệnh mất ở trong thành Phiên An khi thành đang bị vây ngặt. Con trai ông là Lê Văn Cù mới 8 tuổi được cử lên thay.

Dù Lê Văn Khôi đã chết, quân nổi dậy vẫn giữ được thành trước quân triều đình cho tới tháng 9 năm 1835. Lúc bấy giờ, hiện trạng rất nguy ngập: Thành bị bao vây, dịch tả hoành hành, súng đạn hư hỏng vơi cạn dần, lương thực tuy nhiều nhưng bị ẩm mốc, tinh thần và sức lực quân dân đều suy kiệt và ly tán... Cho nên đến ngày 16 tháng 7 năm Ất Mùi (tức 8 tháng 9 năm 1835), khi quân triều đình chia làm 8 mũi, tấn công ồ ạt vào thành. Quân nổi dậy chống cự không nổi, bị thua trận. Quân nổi dậy cả thảy 1.831 người đều bị giết chết và chôn chung một chỗ, sau này gọi là Mả Ngụy hay Mả Biền Tru[20], nay thuộc khu vực Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau chiến tranh

Sáu người bị kết tội "chủ mưu" bị đóng cũi giải về Huế và nhận lãnh án lăng trì, trong đó có con trai của Lê Văn Khôi mới 8 tuổi, một linh mục người Pháp là Marchand, một người Hoa là Mạch Tấn Giai

Theo GS. Nguyễn Phan Quang thì các "tội nhân" đó là: Nguyễn Văn Cù (con Khôi), giáo sĩ Marchand (Cố Du), Mạch Tấn Giai (gốc người Triều Châu), Nguyễn Văn Hoành, Nguyễn Văn Trắm, Nguyễn Văn Bột.

Sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy, triều thần Phan Bá Đạt dâng sớ xin kể tội Lê Văn Duyệt, vua Minh Mạng đồng ý và nhóm nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh ra án nghị Lê Văn Duyệt có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ, một tội phải sung quân, nhưng vì ông đã chết nên chỉ cho người tước sắc phong, phá và xiềng xích mồ mả. Mãi cho tới đời vua Thiệu Trị án mới được dỡ bỏ.

Cuộc nổi dậy này đã khiến vua Minh Mạng phá hủy tòa thành kiên cố cũ là Thành Bát Quái và cho xây tòa thành nhỏ hơn, ít kiên cố hơn là Thành Gia Định (hay Phượng Thành, Phụng Thành).

Nhận xét

“Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi là cuộc nổi dậy không thành công to lớn nhất của Nam Kỳ. Nó quy tụ được nhiều thành phần của Sài Gòn đương thời. Họ bất mãn với sự thay đổi chính sách thống trị của Minh Mạng ngay sau khi Lê Văn Duyệt chết. Họ cùng bị bách hại, kết tội, bóc lột bởi nhóm quan lại mới đến. Nhưng họ chỉ biết kết hợp chống đối, mà thiếu hẳn một đường lối để tạo thành một sức mạnh gắn bó, cuốn hút được những người còn ở xa. Chỉ trong việc Lê Văn Khôi tức tốc cầu viện quân Xiêm đã đủ cho nhân dân lục tỉnh phản đối rồi, nên suốt thời gian bị bao vây, không có một cuộc nổi dậy nào của dân ở các tỉnh, nhằm chia sẻ lực lượng quân triều. Điều đó đã nói lên mức độ bị cô lập của một cuộc binh biến…”

—Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu

“Phe Khôi nổi lên, chủ yếu là với lực lượng quân đội địa phương, chống lại triều đình Minh Mạng, đó là một biểu hiện của mâu thuẫn giữa các cánh phong kiến. Khôi dùng hàng ngũ cố đạo người Pháp và những tay phiêu lưu người Tàu. Khôi lại cầu viện quân Xiêm...Ý định của Khôi là cát cứ ở phương nam. Cho nên, dù ban đầu, cuộc khởi binh của Khôi có trùng hợp với một số cuộc khởi nghĩa nông dân trên cả nước Việt Nam, nó không tránh khỏi sớm mất đà, rốt cùng chỉ có thể dựa vào hào sâu, tường cao, lương thực đủ, súng đạn nhiều. Khôi chống cự với quân triều được gần ba năm. Trong ba năm đó, nhân dân Gia Định–Sài Gòn vì chiến tranh mà thêm đồ thán. Hai bên đánh qua đánh lại, phố phường tan tác, thôn xóm tiêu điều. Cuối cùng quân Minh Mạng toàn thắng...”

—Giáo sư Trần Văn Giàu

“Chúng ta không nên xếp sự biến Lê Văn khôi vào phạm trù nông dân khởi nghĩa bởi vì động cơ bao trùm sự biến là mâu thuẫn nội bộ giai cấp thống trị, thậm chí, mang dấu vết thanh toán tư thù và chừng mực nào đó - cũng như Nông Văn Vân và Lê Văn Phụng ở Bắc Bộ - có bàn tay các cố đạo ngoại quốc nhúng vào, nhưng nó vẫn báo hiệu chấm dứt thời kỳ dân đất Đồng Nai cảm tình với nhà Nguyễn và nhà Nguyễn nương tay với dân Đồng Nai…”

—Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng

“Cuộc binh biến này, thực chất chỉ là một cuộc đảo chính quân sự của một tầng lớp thống trị địa phương, nhằm chống lại nhà nước phong kiến trung ương, chứ không phải là cuộc khởi nghĩa của nhân dân, mặc dù nó đã lôi cuốn được nhiều thành phần, như: giáo dân Thiên chúa, một số Hoa kiều, một số dân tộc ít người vùng Tây Ninh, binh lính quê ở miền Bắc, miền Trung, một số địa chủ, dòng dõi công thần và một số quan lại dưới quyền Lê Văn Duyệt...Nhưng cuộc binh biến chưa có biểu hiện nào cho thấy nó đã nổ ra vì nguyện vọng và vì lợi ích của đông đảo các tầng lớp nhân dân...”

—Trong sách Sài Gòn - TP. HCM]

Và hiện nay các sử gia vẫn còn tranh cãi về nguyên nhân chính của cuộc khởi nghĩa này là do việc triều đình làm nhục Lê Văn Duyệt hay tình trạng quan chức địa phương mất quyền lực...

                            [quay lại]


Tổng số thành viên: 19602
Thành viên mới nhất: Vũ ngọc khánh
Đang trực tuyến: 13
Lượt truy cập: 4325765