Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương I. Thời tiền sử - VIỆT NAM THỜI TIỀN SỬ - Thời đại đồ đá mới

 08/05/2015 12:32



VIỆT NAM THỜI TIỀN SỬ - Thời đại đồ đá mới

1. Văn hóa Hòa Bình (12.000 - 10.000 TCN)

2. Văn hóa Bắc Sơn (10.000 - 8.000 TCN)

3. Văn hóa Quỳnh Văn (8.000 - 6.000 TCN)

4. Văn hóa Cái Bèo (7.000 - 5.000 TCN) 

5. Văn hóa Đa Bút (6.000 - 5.000 TCN)

6. Văn hóa Bàu Tró (5.000 - 4.500 năm cách đây)

7. Văn hóa Hạ Long (4.000 - 3.500 năm cách đây)

8. Văn hóa Cù lao Rùa (3.500 – 3.000 năm cách đây)

 
Văn hóa Hòa Bình

Mô hình minh họa cư dân Văn hóa Hòa Bình

Văn hóa Hòa Bình được giới khảo cổ học chính thức công nhận từ ngày 30 tháng 1 năm 1932, do đề xuất của Madeleine Colani, sau khi đã được Đại hội các nhà Tiền sử Viễn Đông họp tại Hà Nội thông qua. Khởi thủy, cụm từ này được dùng để nói đến nền văn hóa cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới. Qua thời gian, tất nhiên cụm từ này đã được đề nghị mang những tên khác nhau và có những ý nghĩa cũng khác nhau. Nhưng thời gian gần đây, hoạt động của các nhà khảo cổ học trong suốt từ năm 1975 lại đây đã cho thấy một hướng mới về quan niệm khác về thời đại cũng như không gian của Văn hóa Hòa Bình.

+ Cơ sở tổng quát

Văn hóa Hoà Bình thuộc thời Đồ đá cũ sang Đồ đá mới (cách ngày nay 12.000 năm, kéo dài đến 2.000 năm trước Công Nguyên). Trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Tây châu thổ ba con sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam, và với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Dựa vào các di chỉ tìm thấy và niên đại của chúng, các nhà khảo cổ chia Văn hóa Hòa Bình thành ba thời kỳ nối tiếp nhau:

Hòa Bình sớm, hay Tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 trước Công Nguyên), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 TrCN).

Hòa Bình giữa, hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 TrCN), Làng Vành (16.470 ± 80 TrCN).

Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP, BLn - 1541/I).

+ Lịch sử khám phá

Năm 1923, bà Madeleine Colani cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá ra một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá, trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong mấy năm liền sau đó, bà liên tục khám phá thêm mười hai hang động trong vùng Hòa Bình, khai quật được một số lượng di vật hiếm thấy. Sau khi phân tích chúng và so sánh liên hệ với đồ đá tìm thấy trong vùng núi Bắc Sơn, bà đề nghị xem toàn thể những di vật đặc biệt bằng đá cuội, với đặc điểm là chỉ được đẽo ở lưỡi hay rìa, là của cùng một nền văn hóa, văn hóa Hòa Bình hay Hoabinhien.

Thời gian kể từ khi phát hiện các dụng cụ bằng đá và bằng xương tại di chỉ thuộc tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ còn phát hiện ở rất nhiều địa điểm khắp các quốc gia trong vùng như Thái Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia, Malaysia, Sumatra... cũng có những di tích có các công cụ cùng một ký thuật chế tác. Người ta còn tìm thấy các dụng cụ bằng đá cùng một văn hóa sinh sống ở những nơi xa hơn như, Nhật Bản, Đài Loan, Australia... Tại hội nghị "60 năm sau Hoabinhian" tổ chức tại Hà Nội, các nhà khảo cổ học thống nhất quan điểm về thuật ngữ Văn hóa Hòa Bình được xem như một khái niệm để chỉ một nền văn hóa có cùng một kỹ thuật chế tác mà không xem như là nguồn gốc.

+ Các di vật Văn hóa Hòa Bình

Vào thời kỳ đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học thực sự chưa khám phá đủ số lượng cần thiết và nhiều địa điểm chưa được khám phá, dựa trên các dụng cụ thô sơ chỉ đẽo một mặt nên việc đánh giá các di vật này chưa được chính xác với tầm quan trọng của Văn hóa Hòa Bình. Nhưng đến thập niên 1960 các khám phá khảo cổ gây sự chú ý các nhà khảo cổ học thế giới tại Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, các đảo nam Thái Bình Dương khiến các nhà tiền sử học đặt lại vấn đề người tiền sử tại Đông Nam Á. Trước hết, nhà khảo cổ người Úc Gorman tìm thấy tại hang Ma của Thái Lan những dấu hiệu cho thấy người thuộc văn hóa Hòa Bình đã bắt đầu trồng trọt bầu bí sớm hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. 

Những năm gần đây, các nhà khảo cổ học đã có những khám phá mang tính đột phá khi quan niệm mới về sự tiện dụng trong vùng Đông Nam Á nhiệt đới cổ xưa không cần hoàn toàn dựa vào các công cụ sinh hoạt và kiếm ăn bằng đá cuội, khi quan sát các bộ lạc còn sót lại và bị biệt lập tại các đảo trong quần đảo Indonesia và tập quán dùng đồ tre, nứa, và các loại mũi tên tẩm độc để săn bắn các con thú lớn, cũng như tập tục ăn sò, ốc biển, ốc nước ngọt, các loại cá sắn có trong các làn nước ấm. Luận điểm so sánh với các dụng cụ khác ở phương Tây đang được nhiều nhà khoa học xem xét lại.

Văn hóa Bắc Sơn

Văn hóa Bắc Sơn là tên gọi một nền văn hóa Việt Nam ở sơ kỳ thời đại đồ đá mới có niên đại sau nền văn hóa Hòa Bình, cách ngày nay từ một vạn đến 8000 năm. Bắc Sơn là đặt theo tên huyện Bắc Sơn, nơi phát hiện đầu tiên những di vật của nền văn hóa này. Các bộ lạc chủ nhân của văn hóa Hòa Bình đã tạo ra nền văn hóa Đông Sơn.

Không gian của văn hóa Bắc Sơn là các miền đất thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... ngày nay. Tính đến năm 1997, đã có 51 điểm văn hóa Bắc Sơn được tìm thấy và khai quật. Trong số đó, có 8 địa điểm tìm thấy di cốt người.

Trên lưu vực sông Hồng, các nhà khảo cổ học đã xác lập chắc chắn được một phổ hệ gồm 3 giai đoạn trước Văn hóa Đông Sơn và sau Văn hóa Hòa Bình diễn ra trong thiên niên kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ 1 trước Công Nguyên:

+  Giai đoạn Văn hóa Phùng Nguyên thuộc sơ kỳ đồng thau. 

+  Giai đoạn Văn hóa Đồng Đậu thuộc trung kỳ đồng thau. 

+  Giai đoạn Văn hóa Gò Mun thuộc hậu kỳ đồng thau.

Văn hoá Quỳnh Văn

Văn hoá Quỳnh Văn (khoảng 6.000 – 3.500 cách ngày nay). Được phát hiện từ những năm 1930 bởi các học giả người Pháp. Cho đến nay đã có hơn 70 năm nghiên cứu với 21 di tích, phân bố ở ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh, chủ yếu tập trung xung quanh vịnh biển cổ Quỳnh Lưu. Đây là các di tích "đống rác bếp", thành phần chủ yếu là các loại điệp. Trong các lớp điệp còn có xương cốt động vật, di vật đá, gốm và bếp lửa. Công cụ đá Quỳnh Văn ít về số lượng, nghèo nàn về loại hình, kỹ thuật ghè đẽo thô sơ, chủ yếu được tạo từ đá gốc. Loại hình thường thấy là các công cụ không xác định, công cụ hình đĩa, công cụ hình múi bưởi, công cụ hình rìu dài và công cụ hình rìu ngắn. Đồ gốm thô, hầu hết là đồ đun nấu với kích thước lớn, được tạo hình bằng tay kết hợp với bàn đập hòn kê. Đồ gốm có 4 loại chủ yếu: gốm đáy tròn văn in đập, gốm đáy tròn văn thừng, gốm đáy tròn văn thừng ở mặt ngoài và văn chải ở mặt trong, gốm đáy nhọn văn chải 2 mặt. Gốm đáy nhọn, văn chải 2 mặt là đặc trưng tiêu biểu nhất của văn hoá Quỳnh Văn. Các loại hình hiện vật khác như xương, đồ trang sức có số lượng ít.

+ Tổng quan

Tại Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) con người đã đánh bắt sò điệp về ăn và vứt vỏ lại ngay nơi cư trú của họ, lâu ngày vỏ tích lại thành những đồi lớn. Người Quỳnh văn đã biết làm đồ gốm. Gốm được nặn bằng tay, chưa biết dùng bàn xoay, nhưng đã có độ dày khá đều. Người Quỳnh Văn sống chủ yếu bằng nghề đánh cá, săn bắt và bước đầu đã biết đến nông nghiệp. Các nhà khảo cổ học xếp di chỉ Quỳnh Văn là loại tiêu biểu nhất của văn hóa đá mới có gốm ở ven biển Nghệ Tĩnh.

+ Di tích

 Tại đồi vỏ hến Đa Bút (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) đã tìm được nhiều chiếc rìu làm bằng đá cuội, chỉ mài ở lưỡi và khá nhiều mảnh gốm còn thô vụng, độ nung thấp. Đồ gốm ở đây đã phát triển hơn đồ gốm trong văn hóa Bắc Sơn. Chủ nhân di chỉ Đa Bút là những người săn bắt, đánh cá và cũng đã biết đến thuần dưỡng súc vật như bò, chó… Khảo cổ học xếp di chỉ này vào giai đoạn "đá mới cuối Bắc Sơn".

Văn hóa Cái Bèo 

Cái Bèo là di chỉ có niên đại trước nền văn hóa Hạ Long. Di chỉ này được phát hiện vào năm 1938 trong lần tiến hành thám sát khảo cổ học ven biển khu vực liên quan thuộc vùng vịnh Hạ Long ngày nay. Di chỉ Cái Bèo khai quật được hơn 479 công cụ như chày, bàn nghiền, bàn mài, hòn kê, rìu bôn, đục, chì lưới… bằng đá cuội. Đồ gốm thô cứng làm từ đất sét và cát hạt khô, bếp, di cốt người; các xương răng động vật, xương thú như lợn rừng, nai, dê núi.Theo các nhà khảo cổ học, di chỉ Cái Bèo thuộc nền văn hóa Hạ Long, bởi phân tích rõ ra là cư dân Cái Bèo cùng với thời gian và xu hướng chuyển cư của người Hòa Bình – Bắc Sơn từ vùng núi xuống biển. Sau đợt biển tiến Haloxen Trung làm nảy sinh các hoạt động kinh tế riêng biệt của từng vùng. Riêng cư dân đảo Cát Bà, trong đó có người cổ Cái Bèo làm nghề đánh cá là chủ yếu.

Văn hóa Đa Bút

Văn hóa Đa Bút là tên gọi một nền văn hóa Việt Nam ở sơ kỳ thời đại đồ đá mới có niên đại sau các nền văn hóa Hòa Bình và Bắc Sơn, cách đây từ 5000 đến 6000 năm. Không gian của văn hóa Đa Bút là dải đất nằm từ hữu ngạn sông Đáy đến lưu vực sông Mã thuộc các tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa ngày nay. Tính đến năm 2010, đã có hơn 10 điểm văn hóa Đa Bút được phát hiện và khai quật. Đa Bút là đặt theo tên một thôn ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa - nơi đầu tiên tìm được những di vật của nền văn hóa này. Các bộ lạc chủ nhân của văn hóa Đa Bút đã tạo ra nền văn hóa Đông Sơn.

+ Đặc điểm

Sau những phát hiện và khai quật Cồn Cổ Ngựa, Cồn Trũng, Bản Thuỷ, Làng Còng (Thanh Hóa) và Hang Sáo, Đồng Vươn (Ninh Bình) nhận thức về địa bàn phân bố và môi trường của Văn hóa Đa Bút trải rộng trên mặt không gian từ vùng núi đến vùng đồng bằng ven biển với nhiều loại hình di tích khác nhau đã cho thấy môi trường văn hoá đa dạng của Văn hóa Đa Bút. Thành tựu quan trọng của 80 năm phát hiện và nghiên cứu đã nhận ra những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Đa Bút:

" Sự nảy sinh của đồ gốm đồng thời với sự hoàn thiện kỹ thuật mài là hai nét đặc trưng quan trọng nhất tạo nên bộ mặt của Văn hóa Đa Bút" (Trần Quốc Vượng).

Nghiên cứu đồ gốm Đa Bút buổi đầu mới phát hiện và khai quật di tích này E.Patte đã cho rằng: người Đa Bút đã dùng khuôn đan để chế tạo đồ gốm. Các thực nghiệm của Viện khảo cổ học cho biết: Đồ gốm Đa Bút được tạo bằng kỹ thuật nặn khối, sử dụng hòn kê, bàn đập. Đồ gốm Đa Bút đến giai đoạn cuối có sự phát triển về thể loại hình kỹ thuật, hoa văn, độ nung gốm cao hơn, các loại văn hoa và kiểu dáng. Sự có mặt các loại đồ gốm mỏng, văn hoa đa dạng, sương gốm mịn hơn được xem là sự phát triển của kỹ thuật chế tạo đồ gốm. Đồ gốm Đa Bút được xem là yếu tố văn hóa nổi trội mang tính riêng biệt của chủ nhân văn hóa Đa Bút. Đặt đồ gốm Đa Bút trong nền cảnh thời đại mới ở Việt Nam có thể xem gốm Đa Bút là tập hợp sớm nhất. Địa bàn phân bố của Đa Bút được xem là trung tâm văn hóa đồ gốm sớm ở Việt Nam. Tuy nhiên, vào những năm sau 2010, khi khai quật các di chỉ khảo cổ học ở quần thể di sản thế giới Tràng An, các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong các hang động nhiều vật dụng gốm, được xác định là ra đời sớm nhất Việt Nam, có niên đại khoảng 9000 năm, thuộc nền văn hóa Tràng An.

Kỹ thuật chế tác công cụ đá của chủ nhân Văn hóa Đa Bút có sự phát triển và hướng tới sự hoàn chỉnh. Từ hai loại nguyên liệu được khai thác tại chỗ: đá cuội và đá phiến, chủ nhân Văn hóa Đa bút đã áp dụng kỹ thuật mài cưa để tạo ra những công cụ thích hợp, đem lại hiệu quả cao. Sự phát triển của kỹ thuật mài của đá cho phép cưa đá người Đa Bút chế tác được các loại rùi tứ giác khá hoàn chỉnh. Sưu tập đá của Văn hóa Đa Bút với các loại di vật tiêu biểu từ rùi mài lưới, mài toàn thân đến rìu tứ giác, rìu hình thanh được mài nhẵn, các loại cước đá to mài nhẵn đã cho ta thấy sự phát triển vượt trội của kỹ thuật chế tác các công cụ đá. Kiến thức ngày nay với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuât mới đã giúp cho các nhà khảo cổ học nhận thức đúng hơn về môi trường, đời sống của cư dân Đa Bút qua các tư liệu mới về văn hóa này.

Từ một di tích khảo cổ học Đa Bút, đến nay Văn hóa Đa Bút đã được phân thành các giai đoạn phát triển khác nhau: Văn hóa Đa Bút có thể gọi là một phức hệ phát triển văn hóa lâu dài từ sau Văn hóa Hoà Bình đến cuối đá mới – mà thực chất là một quá trình "đá mới đá" được thực hiện trong sự chuyển đổi môi trường từ các thung lũng đá vôi Hoà Bình đã và đang tạo nên một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của tiền sử Việt Nam.

+ Các di chỉ khảo cổ

* Di tích khảo cổ học Đa Bút (Tân Vinh, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được phát hiện đầu tiên vào năm 1926. Kết quả khai quật đầu tiên cho biết đây là dạng di tích Cồn vỏ nhuyễn thể – Cồn hến như kiểu "đóng rác bếp". Những di vật phát hiện đầu tiên như: rùi đá, cuốc đá, bàn nghiền, chày nghiến, đồ gốm đã cho biết di tích này có niên đại đá mới.

* Di tích núi Hang Sáo (Quang Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) với nhiều hang động và mái đá có dấu ấn của cư dân văn hóa Hòa Bình và cư dân văn hóa Đa Bút sống cách ngày nay từ 5.000 đến 10.000 năm.

* Di tích Đồng Vườn (Yên Thành - Yên Mô, Ninh Bình) là một di chỉ thuộc thời đại văn hóa Đa Bút. Đây là di chỉ cư trú ngoài trời ở Ninh Bình.

* Di tích khảo cổ học Cồn Cổ Ngựa (Hà Lĩnh, Hà Trung, Thanh Hoá). Được khai quật những năm 1979 - 80 trên diện tích 235 m2 xuất hiện nhiều di vật văn hóa Đa Bút.

* Cụm di tích hang ốc; Núi ốp (Yên Sơn, Tam Điệp, Ninh Bình) xuất lộ dấu ấn cư dân văn hóa Đa Bút và Cư dân văn hóa Đông Sơn.

* Di chỉ khảo cổ học Cồn Trũng (Phú Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hoá) có niên đại thuộc giai đoạn từ sơ kỳ đá mới chuyển sang hậu kỳ đồ đá mới thuộc văn hóa Đa Bút.

* Cụm di tích hang Mo; hang Cò; hang Trâu; hang Hũ Ngoài; hang Hũ Trong; mái đá Thung Bình thuộc khu du lịch Tràng An ở Ninh Bình có dấu ấn văn hóa Hòa Bình và Đa Bút. 

* Di tích hang Khỉ (Đông Sơn - Tam Điệp, Ninh Bình) xuất lộ một số mảnh gốm cùng vỏ nhuyễn thể trên bề mặt nơi đây có dấu ấn văn hóa Đa Bút.

Văn hoá Bàu Tró

Văn hoá Bàu Tró (Thời đại đồ đá mới, khoảng 5.000 – 4.500 năm cách ngày nay). Hơn 20 di tích thuộc văn hoá Bàu Tró đã được phát hiện và nghiên cứu, chúng là những di tích cồn sò, cồn cát, cồn đất, phân bố dọc ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Hiện vật đá bao gồm rìu, bôn, cuốc, dao, dao cưa, mũi khoan, chày, bàn nghiền, hòn ghè, bàn mài, giáo, đồ trang sức, phác vật và mảnh tước. Đặc biệt rìu, bôn, cuốc là những công cụ sản xuất quan trọng nhất đều được mài toàn thân và rìu bôn có vai là công cụ đá tiêu biểu nhất của văn hoá Bàu Tró. Đây là đặc trưng quan trọng phân biệt giữa văn hoá Bàu Tró với các văn hoá đá mới khác. Ngoài hiện vật đá, đồ gốm khá phong phú và đa dạng, bao gồm 3 loại khác nhau: gốm đáy nhọn văn chải 2 mặt, gốm đáy tròn văn thừng, gốm đáy tròn hoặc có chân đế trang trí văn khắc vạch trên nền thừng kết hợp với tô màu đỏ. Nhìn chung, văn hoá Bàu Tró đã đạt đến trình độ chế tác đá cao và làm gốm bằng bàn xoay, kiếm sống băng thu lượm, săn bắn (bắt), đánh cá, làm nông nghiệp và chăn nuôi. Văn hoá Bàu Tró phát sinh từ văn hoá Quỳnh Văn lên, người Bàu Tró cũng đã mở rộng giao lưu với người Hạ Long và Hoa Lộc ở phía Bắc, với cư dân Xóm Cồn ở phía Nam và với cư dân Tây Nghệ An và Quảng Bình.

Văn hóa Hạ Long

Văn hóa Hạ Long có niên đại vào khoảng 4000 - 3500 năm trước và được các nhà khảo cổ học xếp vào giai đoạn hậu kỳ thời đại đồ đá mới. Người tiền sử đã chọn một vùng biển đảo Đông Bắc Việt Nam làm nơi cư trú, nơi có một nguồn thức ăn hải sản vô tận, lại có cả bãi biển và hang động làm nơi ở thuận tiện. Địa bàn cư trú của người cổ Hạ Long là một vùng biển nông, độ sâu trung bình khoảng 10 mét, có tới 20 luồng lạch từ vùng vịnh thông ra đại dương, thuận tiện cho việc tránh gió và ra khơi đánh bắt xa bờ. Các nhà khảo cổ đã tìm được trong tầng văn hóa có những xương cá to, có thể họ đã bắt được cá nặng hàng tạ. Họ còn biết đánh cá bằng lưới mà hiện vật còn lại là những hòn chì lưới to. Ngoài cá, nhiều loại hải sản khác cũng được khai thác, nhiều vỏ nhuyễn thể còn được tìm thấy.

Không những đi biển giỏi, người Hạ Long cũng là người biết làm nông nghiệp. Bằng chứng là các công cụ đá như cuốc, rìu, bôn đã có mặt. Họ tự chế tác công cụ đá bằng các kỹ thuật mài, cưa, khoan, đánh bóng…Họ cũng đã biết làm đồ gốm bằng cách nhào đất với vỏ nhuyễn thể giã nhỏ và nung lên, làm đẹp thêm cho gốm bằng cách khắc vẽ các hoa văn hình học. Nghề trồng cây lấy sợi để đan lưới cũng là nghề thủ công phổ biến. Nghề mộc khá phát triển cùng với việc đóng thuyền bè đi biển. Việc phát hiện ra đồ gốm và tầng văn hóa dày dặn đã chứng minh họ đã là những người định cư lâu dài và đã lập làng xóm.

Người cổ Hạ Long còn biết tự làm đẹp. Họ ưa chế tạo đồ trang sức từ vỏ ốc biển như vỏ ốc cypraea, được mài thủng lưng để xâu dây đeo quanh cổ, dùng xương sống cá và vỏ nhuyễn thể làm hạt chuỗi, vòng tay. Họ cũng làm vòng đeo tay bằng cách khoan, tiện, mài những cục đá. Những mũi khoan đá tìm được khá nhiều đã nói lên cách làm vòng tay công phu. Những bàn mài ở văn hóa Hạ Long có những nét riêng biệt khi để lại bề mặt dấu vết mài hình lòng máng mà các nhà khoa học thường gọi là “dấu Hạ Long”, đặc trưng ít gặp ở các nền văn hóa khác.

Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm được di cốt của chính chủ nhân văn hóa Hạ Long. Các xương cốt cho thấy họ thuộc đại chủng Mongoloid da vàng, nhưng vẫn còn có yếu tố Australoid hòa trộn. Chính những tộc người cổ của Hạ Long đã góp một phần vào sự hình thành của dân tộc Việt hiện đại ngày nay. Trước khi người Hạ Long sinh sống nơi đây, trên vùng biển Đông Bắc nước ta đã có cư dân của các nền văn hóa sớm hơn sinh tụ như nền văn hóa Soi Nhụ, Cái Bèo.

Ngày nay, du khách trong và ngoài nước có thể đến vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và nhiều hòn đảo khác để nghe về một vùng truyền thuyết về Rồng (một trong 4 con vật tứ linh trong tâm thức người Việt) đã từng bay xuống mảnh đất này. Họ cũng thấy được trong cảnh sắc nước non của một địa danh di sản thế giới và đến thăm các địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Hạ Long còn để lại ngay trong hang động và lòng đất của các đảo, tận mắt chứng kiến các di vật còn nằm trong hơn 30 di tích, phần lớn tập trung quanh thành phố Hạ Long và khu du lịch Tuần Châu nổi tiếng.

Điểm kết của chuyến du ngoạn vịnh Hạ Long, có một địa chỉ cần dừng lại lâu hơn, chính là nhà Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ninh, nơi trưng bày khá đầy đủ hiện vật của văn hóa Hạ Long. Bảo tàng ở ngay trung tâm thành phố Hạ Long, khá tiện lợi cho du khách tham quan.

   + Lịch sử khám phá

Nổi tiếng là một trong những nền văn hóa tiền sử được biết đến sớm nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, văn hóa Hạ Long đã được các nhà khảo cổ và địa chất học tìm ra và đặt tên từ những năm 1930.

Học giả người Thụy Điển J.G. Anderson đã nghiên cứu nhiều hang động trên quần đảo Bái Tử Long và tổng kết bằng công trình được công bố trên tạp chí Bảo tàng cổ vật Viễn Đông với tên gọi: Nghiên cứu khảo cổ học trên vùng quần đảo Bái Tử Long. Ông đã tìm thấy một số địa điểm thời tiền sử có dấu vết của con người và nhiều công cụ. Ông chọn một trong số đó để khai quật và đặt tên là Danh Do La. Đây là địa điểm văn hóa Hạ Long đầu tiên được khai quật và nền văn hóa mang tên vịnh biển đẹp nhất nước ta cũng nổi danh từ đó.

Lần theo bước chân của Anderson, các nhà khảo cổ Việt Nam biết được Danh Do La chính là địa điểm khảo cổ Ngọc Vừng, nằm trên đảo Ngọc Vừng thuộc huyện đảo Vân Đồn, cách cảng tàu du lịch Bãi Cháy khoảng 34 km. Ngày nay, du khách đến đảo hết sức thuận tiện. Trên đảo không những là nơi cách đây gần 4000 năm con người tiền sử đã cư trú mà còn có các di tích lịch sử như một trong những bến cảng xưa sầm uất của hệ thống thương cảng Vân Đồn buôn bán khắp một vùng đông bắc Việt Nam, nam Trung Quốc, các nước Đông Nam Á cổ đại và miền Tây Ấn Độ, di tích thành nhà Mạc, nhà Nguyễn. Người tiền sử chọn Ngọc Vừng là nơi cư trú phải chăng còn do sơn thủy hữu tình: có núi Vạn Xuân, có bãi cát trắng chạy dài hàng cây số. Cư dân trên đảo còn có nghề mò ngọc trai lâu đời, nên tên đảo cũng là Ngọc Vừng (đảo ngọc bừng sáng). Nghề mò ngọc trai giờ đã hiếm gặp nhưng du khách có thể tham quan những cơ sở nuôi trai lấy ngọc ngay trên đảo.

Bà M.Colani, nhà nữ khảo cổ người Pháp cũng gắn bó với văn hóa Hạ Long. Bà đã công bố tác phẩm “Những phát hiện thời tiền sử ở Hạ Long” đăng trong tạp chí của Viện nghiên cứu nhân học Đông Dương từ năm 1938.

   + Các di vật văn hóa Hạ Long

 

Kể từ những phát hiện đầu tiên của các học giả Phương Tây đến nay đã hơn 70 năm, việc nghiên cứu về văn hóa Hạ Long từ một nhóm di tích nay đã nghiên cứu và khai quật được hơn 30 di tích. Bức tranh toàn cảnh của nền văn hóa này đã được dựng lại khá đầy đủ.

Văn hóa Cù Lao Rùa (3.500 – 3.000 năm cách đây)

Di tích khảo cổ học Cù lao Rùa, thuộc xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Cù lao Rùa hay còn gọi là Cù lao Thạnh Hội, có tổng diện tích là 524 ha, được bao bọc bởi dòng chảy chính của sông Đồng Nai và dòng chảy phụ tẻ nhánh bao trọn cù lao nhập vào dòng chính và chảy xuôi về Sài Gòn. Di tích tồn tại trên cù lao là một ngọn đồi nổi cao 15m so với mặt bằng khu vực, có cấu trúc như hình mu rùa, có tọa độ địa lý 10o58’47” vĩ bắc và 106o47’17” kinh đông. Di tích có niên đại 3.500 - 3.000 năm cách ngày nay.

   - Lịch sử khám phá

+ Lần đầu tiên Cù lao Rùa được Cartaillac phát hiện vào năm 1888 và thu nhặt một số di vật đá.

+ Đến năm 1889, E.T.Hay đã công bố tư liệu này trên Tạp chí Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên tại Paris.

+ Năm 1902, Grossin cũng thu thập một số hiện vật đá và công bố các tài liệu này trong Tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ. Loesch là một nhà thầu xây dựng đã có sưu tập lớn về di tích này, năm 1909 ông giao lại sưu tập hiện vật Cù lao Rùa cho Bảo tàng của Hội Nghiên cứu Đông Dương.

+ Tám năm sau (1910), A.Jodin một lần nữa khai quật Cù lao Rùa và công bố tài liệu thu thập trên tạp san Hội tiền sử Pháp.

+ Đến năm 1937, cuộc thám sát có quy mô lớn nhất do O.Jansé và L.Malleret thực hiện với 3 hố đào đỉnh gò.

+ Năm 1963, H.Fontaine thông báo kết quả khai quật của ông về di tích Cù lao Rùa với các loại hiện vật thu được. Đến năm 1974, Fontaine công bố tổng số hiện vật thuộc di tích Cù lao Rùa được lưu giữ tại Sở Địa chất Sài Gòn là 383 công cụ đá (công cụ cớ vai, tứ giác, đục, công cụ không có chuôi tra cán, khuôn đúc...).

+ Năm 1977, Hà Văn Tấn đã lấy di tích Cù lao Rùa đặt tên cho vùng văn hóa khảo cổ Văn hóa Cù lao Rùa, vì di tích này được phát hiện sớm nhất vả thu thập nhiều tư liệu nhất, được nghiên cứu nhiều nhất…

   - Khai quật di tích Cù lao Rùa.

Di tích khảo cổ học này nằm trên một ngọn đồi đá ong nhỏ, về cơ bản được phân thành ba bậc: Bậc 1 - với bề mặt chừng 10.000m2 được san phẳng. Từ ngay trên bề mặt này các tảng đá ong lớn có diện tích từ 3 - 4m2 vã chân rộng dần ra khi đào sâu xuống và phân bố đều khắp. Ở bậc này có các điểm khai quật H1 và H2; Bậc 2 có bề mặt nghiêng tương đối đều nhau giữa các hướng, có bán kính chừng 40 - 50m, bề mặt gần giống như bậc 1 , cũng có nhiều đá ong lớn chiếm lĩnh nhưng cũng có những khoảng trống trên mặt. Khu vực này được trồng các loại cây như điều tràm bông vàng và cây bụi. Bậc này có các điểm khai quật H1 và H4 Bậc 3 địa hình choãi gấp, mặt phẳng nghiêng có bán kính hẹp nhất chừng 20 - 30cm, tùy theo mặt (vì đồi không tròn đều), độ chênh khá lớn từ 3 - 5m nhất là mạn sườn phía Tây Nam, phổ biến là cây bụi. Vì nghiêng mặt này, tạo độ dốc lớn, đã làm bào mòn các lớp đất mặt còn trơ lại phổ biến các tảng đá ong lớn và ken dày trên bề mặt. Khu vực còn được lớp đất mặt dày là ở góc Tây Nam của ngọn đồi - nơi có hố khai quật số 5. Sự phân bố các vùng đá ong rất phổ biến trên toàn vùng Đông Nam bộ, nhưng một di tích tiền sử tồn tại trong hình thái tự nhiên này là một nét rất riêng được lần đầu tiên khai quật.

Cuộc khai quật diễn ra từ những ngày đầu tháng 5 và kết thúc đến giữa tháng 6-2003, với 5 hố đào tổng diện tích 396m2 được phân bốxung quanh sườn đồi. Hiện vật thu được tại hiện trường là 881, trong đó có rìu (tứ giác, có vai, tam giác), đục tứ giác, dao hái, vòng tay, mảnh đàn đá, bàn mài, chì lưới, khuôn đúc rìu, phác vật vòng, bi gốm, dọi se sợi... Đặc biệt, đợt khai quật này phát hiện thêm nhiều xương răng của các loại động vật như voi, trâu rừng ở Hố 5 và hàng vạn mảnh gốm vỡ các loại đa dạng về kích cỡ, màu sắc, hoa văn trang trí ở Hố 1 và Hố 4 đã phát hiện được 12 ngôi mộ với táng thức và kết cấu là loại mộ huyệt đất có chiều dài từ 1 ,8 2,0m, rộng từ 0,8 - 1 ,0m, rải gốm và kè đá xung quanh, đa số mộ đều chôn ớ đầu 2 nồi gốm và 1 bát bồng. Đồ tùy táng ngoài nồi và bát bồng, còn chôn theo một số công cụ bằng đá như cuốc, rìu, bàn mài... hầu hết các mộ đều nằm trong những khoảng trống hẹp, được che chắn bởi những tảng đá ong lớn, có thể tập trung ở những khu vực từ 4 đến 5 mộ, những mộ riêng lẻ dùng những tảng đá ong lớn đặt ở đầu mộ, hoặc dựa vào rìa của một tảng đá lớn. Hiện vật chôn theo thường đặt trên những mặt đá ong tương đối bằng phẳng, hoặc kê những hòn đá nhỏ để cố định vật chôn theo.

   - Các di vật văn hóa Cù lao rùa

+ hiện vật đá các loại có hình bán nguyệt, bàn mài, lõi vòng tay hình chữ nhật và một số mảnh gốm, 1.200 hiện vật đá các loại như rìu, mảnh lưởi, bàn mài, mảnh vòng và hòn kè.

rìu đá các loại, cuốc, mảnh lưỡi, bàn mài bằng - lõm mảnh vòng, dao đá, lưỡi qua, khuôn đúc, dọi se sợi, bi gốm và hàng ngàn mảnh gốm vỡ các loại.

+ rìu (tứ giác, có vai, tam giác), đục tứ giác, dao hái, vòng tay, mảnh đàn đá, bàn mài, chì lưới, khuôn đúc rìu, phác vật vòng, bi gốm, dọi se sợi...

+ gốm (bát bồng, nồi, chậu, đa chân cao, tô lớn, âu, hủ...); thống kê phân loại 85.901 mảnh gốm, gốm mộ táng có 6.791 mảnh, trong đó phân loại, loại hình, chất liệu, màu sắc, gốm tô màu, xương gốm, hoa văn trang trí...

+ Cù lao Rùa là khu di tích cư trú - mộ táng. Di tích cư trú với nhiều công cụ bằng đá và hàng ngàn mảnh gốm vỡ các loại; di tích mộ táng với việc phát hiện 12 mộ. Sau hơn 100 năm nghiên cứu, đây là lần đầu tiên khảo cổ học phát hiện mộ táng một di tích có niên đại sớm như di tích Cù lao Rùa. Với phát hiện này di tích Cù lao Rùa đã mở ra một hướng tiếp cận mới về táng thức, cơ tầng kinh tế - xã hội của cộng đồng cư dân tiền sử Đông Nam bộ.

   - Về kinh tế: Qua bộ sưu tập công cụ bằng đá cho thấy cộng đồng cư dân Cù lao Rùa tiền sử làm nông nghiệp dùng cuốc trên vùng phù sa từ dòng chảy của sông Đồng Nai họ còn khai thác những sản vật từ rừng, đánh bắt cá Những chứng tích về ngành thủ công như chế tác công cụ đá, đồ trang sức đồ gốm, dệt vải và luyện kim vào giai đoạn cuối của khu vực này.

   - Về xã hội: Hiện vật được tìm thấy trong mộ táng, qua cách sắp xếp cho thấy sự phân tầng xã hội cư dân Cù lao Rùa chưa xảy ra. Các loại vật tùy táng chôn theo như nồi, bát bồng, bình gốm… là những dụng cụ sinh hoạt hàng ngày của con người trong quan niệm khá phổ biến của cộng đồng cư dân tiền sử - chết là sống ở một thế giới khác.

   - Về văn hóa: Những hiện vật công cụ đá mang tính nghi lễ được tìm thấy trong mộ táng như 2 chiếc cuốc (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương) được chế tác hoàn thiện, sử dụng chế tác đối xứng, độ cong đều của lưỡi cuốc là sự biểu hiện về ý thức hoàn hảo trong tạo hình một hiện vật cụ thể và những chiếc bát bồng gốm chân cao, khắc vạch hoa văn tuyệt đẹp... Vì vậy, cư dân Cù lao Rùa nói riêng và trong cộng đồng cư dân Đông Nam bộ thời tiền sử là một cộng đồng có ý thức rất cao trong việc thích nghi với từng hoàn cảnh cụ thể trong hoạt động sống của mình. 

Niên đại của di tích Cù lao Rùa phát triển hai giai đoạn sớm - muộn (giai đoạn sớm từ 3.500 - 3.000; muộn từ 3.000 - 2.700 năm cách ngày nay) nối tiếp nhau thể hiện qua trắc diện địa tầng và hiện vật thu được trong tầng văn hóa - một hiện tượng tư liệu mà các cuộc khai quật khảo cổ trước đây chưa phát hiện. Và là một trong hai giai đoạn thuộc loại sớm nhất của các di tích phân bố dọc hạ lưu sông Đồng Nai. Di tích Cù lao Rùa mang đậm dấu ấn của các di tích tiền sử khác nhau như: Cầu Sắt, Suối Linh, Bình Đa... (Đồng Nai), Bến Đò (TP.HCM) Mỹ Lộc, Dốc Chùa (Bình Dương), từ công cụ sản xuất bằng đá đến đồ gia dụng.

                                                                  &


Tổng số thành viên: 19602
Thành viên mới nhất: Vũ ngọc khánh
Đang trực tuyến: 18
Lượt truy cập: 4326804