Trang chủ -> Danh nhân Thế giới -> THIÊN HOÀNG MINH TRỊ (3/11/1852 – 30/7/1912) (tt2)
 03/05/2015 19:31

THIÊN HOÀNG MINH TRỊ (3/11/1852 – 30/7/1912) (tt2)

- Xung đột năm 1875 với Triều Tiên

Sau khi đánh bại chính quyền Tokugawa, Thiên hoàng Minh Trị đã không ít lần đề nghị chính quyền Triều Tiên khôi phục lại quan hệ ngoại giao và việc buôn bán với Nhật. Do người Triều Tiên không đồng ý với những đề nghị này, người Nhật lấy sự kiện Triều Tiên bắn tàu Nhật (1875) làm cái lý do cho cuộc tiến đánh xứ Triều Tiên.

Thuyền Unyo là một con tàu chiến do người Nhật đúc. Cùng nhiều tàu chiến khác, một hoạt động quen thuộc của tàu Unyo là thực hiện những chuyến đi ở vùng duyên hải Trung Quốc và Triều Tiên. Năm 1875, sau chuyến đến vùng duyên hải Trung Quốc, tàu chiến Unyo quay đầu về nước. Trên đường về Nhật, họ ghé qua một miền duyên hải mang tính chiến lược nằm giữa đảo Kangwha và đảo Yongjong. Những thủy thủ thuyền này bèn đi tìm nước để giải khát, nhưng trên thực tế, họ đang đi quan sát địa điểm chiến lược này. Chợt thấy chiến thuyền Unyo, từ Chojijin binh lính Triều Tiên xả súng vào nó. Sự kiện này đã trở thành cái lý do để quân Nhật kéo nhau lên đảo Kangwha, đánh Chojijin: 33 lính Triều Tiên chết dưới tay người Nhật còn 16 người khác thì bị thương. Cuối cùng thì chiến thuyền Unyo-kan cũng về đến Nagasaki. Thông qua thuyền trưởng của tàu này, thương cấp tại thành phố Tōkyō nhận được tin về cuộc tấn công thuyền Unyo của người Triều Tiên. Tháng 1 năm 1876, sau khi hay tin triều đình Thiên hoàng đã phái các tướng Kuroda Kiyotaka và Inoue Kaore mang 6 chiến hạm, 800 thủy thủ tới Triều Tiên. Trước áp lực của người Nhật, triều đình Triều Tiên bèn tạ tội về vụ bắn tàu Unyo, đồng thời quan hệ ngoại giao cũng như buôn bán Nhật - Triều được khôi phục. Ngày 16 tháng 2 năm 1876, Hiệp ước Kangwha được ký kết giữa đế quốc Nhật và vương quốc Triều Tiên: một mục đích của việc ký Hiệp ước với Triều Tiên và để triều đình Thiên hoàng có thời gian tập trung nhân lực và tài trí mà canh tân đất nước.

Năm Minh Trị thứ sáu, vua quan Nhật Bản đã bàn nhau về chính sách đối ngoại với triều đình Triều Tiên. Một số đại thần, trong số đó có Saigō Takamori, đã khuyên Thiên hoàng phải đem quân đi đánh Triều Tiên nhưng chính phủ đã không nghe theo, vì thế những đại thần này từ chức. Như đã nói, sau này Saigō Takamori khởi nghĩa chống chính phủ Minh Trị.

- Chiến tranh Thanh-Nhật và liên minh Anh-Nhật

Quần đảo Lưu Cầu nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản. Theo tác phẩm Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê: Năm 1871, một nhóm người Lưu Cầu đi thuyền, gặp bão, trôi giạt đến Đài Loan, bị thổ dân Đài Loan giết. Nhật đem việc đó trách Trung Quốc. Thanh đình muốn tránh sự lôi thôi, bảo thổ dân Đài Loan không chịu sự giáo hóa của nước mình, nghĩa là mình không chịu trách nhiệm về hành động của họ, coi họ không phải là dân của mình. Chụp ngay cơ hội, ông phát động chiến dịch chinh phạt Đài Loan vào tháng 5 năm 1874. Người Nhật ép triều đình Mãn Thanh phải bồi thường thiệt hại cho họ, và gia đình những người bị hại.

Năm 1894, ông tuyên chiến với nhà Mãn Thanh. Cuộc chiến tranh Thanh-Nhật bùng nổ. Đây là cuộc chiến tranh mà người Nhật đã chuẩn bị từ lâu, vì ngay từ thập niên 1880 họ đã xem triều đình Mãn Thanh là kẻ thù giả định. Để thuận lợi cho việc nắm bắt tình hình chiến sự và tránh việc xao nhãng bởi sự vụ trong cung, Thiên hoàng Minh Trị dời đại bản doanh đến thành phố Hiroshima. Nhằm động viên sĩ khí, ông phái Hoàng hậu Chiêu Hiến đến thăm hỏi các thương binh tại y viện lục quân, còn mình thì liên tục ban sắc lệnh, viết thơ ca để khen tặng những chiến thắng của Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Thật vậy, quân Nhật liên tiếp giành được thắng lợi, chiếm cảng Lữ Thuận, Liêu Đông, tấn công và cướp phá Trung Quốc. Việc chiếm đóng trên bán đảo Đài Loan được củng cố. Thiên hoàng đã đích thân phổ một bản nhạc mừng chiến thắng ở Hoàng Hải, mô tả cuộc chiến tranh với triều đình Mãn Thanh thành một "cuộc chiến đấu trung dũng nghĩa liệt". Trong thời kỳ hòa đàm sau chiến tranh, Thiên hoàng Minh Trị đích thân chỉ huy tiến độ đàm phán. Ông ra lệnh cho sứ thần Nhật Bản phải ra những điều kiện mà ai nghe cũng phải giật mình. Mãi sau khi Hòa ước Shimonoseki (Mã Quan) được ký kết, ông mới vui vẻ quay trở về kinh thành Tōkyō.

Tuy nhiên, có một điều mà ông không tiên liệu được, đó là việc các nước khác không ngồi yên nhìn Nhật Bản bành trướng. Lo ngại trước thế lực đang lên của Nhật Bản, đế quốc Nga cùng với Đức và Pháp đã gây sức ép, buộc Thiên hoàng Minh Trị nhượng lại đảo Đài Loan, quần đảo Bành Hồ và Liêu Đông cho đế chế Mãn Thanh. Sáu ngày sau khi Hiệp ước Shimonoseki được ký kết, Thiên hoàng nhận được điện văn của Nga hoàng Nikolai II, theo đó Nga hoàng không cho phép Thiên hoàng chiếm Liêu Đông, để ngăn ngừa "nguy cơ đối với nền hòa bình tại phương Đông".[20] Thái độ của người Nga khiến Nhật Bản hết sức tức giận, nhưng Thiên hoàng hiểu là không thể gây chiến với nước Nga trong lúc này. Ông ra chỉ thị cho sứ thần Nhật Bản:

“Quyền lợi có được từ Liêu Đông không lớn, có thể bỏ. Sau này chúng ta có thể từ Triều Tiên và các vùng đất khác vơ vét lại.”

Dù sao thì cuộc chiến tranh Thanh-Nhật đã đem lại cho Nhật Bản một món tiền bồi thường rất lớn (3 tỉ 60 triệu Yên Nhật). Thiên hoàng Minh Trị đem 3 tỷ 40 triệu Yên tăng cường cho quân đội, phần còn lại ông tự tiêu dùng.

Từ năm 1895 đến năm 1898, người nước ngoài ở Bắc Kinh bị tổ chức Nghĩa Hoà Đoàn hạ nhục. Viện cớ "trừng trị phong trào bài ngoại Nghĩa Hoà Đoàn", Nhật Bản can thiệp vào tình hình Trung Quốc. Trên thực tế, sự can thiệp này cho thấy Nhật muốn phô trương sức mạnh trước Nga. Để tập trung lực lượng đánh Nga, ngày 31 tháng 1 năm 1902, triều đình Thiên hoàng ký hoà ước với Vương quốc Anh, thành lập liên minh Anh-Nhật. Kết quả của liên minh này là Thiên hoàng Minh Trị được Vương công Arthur xứ Connaught phong tước Hiệp sĩ Garter năm 1906.

- Chiến tranh Nga-Nhật

Người Nhật dĩ nhiên không dễ dàng chịu từ bỏ những vùng đất bị mất vào tay Nga và không bao giờ quên việc Nga đã cưỡng ép họ như thế nào. Họ tích cực chuẩn bị tăng cường lực lượng quân sự và sau 10 năm, thực lực của Nhật Bản tiến thêm một bước đáng kể. Lúc này Thiên hoàng Minh Trị chuyển trọng tâm chủ yếu vào vùng Đông Bắc Trung Quốc, lúc này đã nằm yên dưới thế lực của đế quốc Nga. Ông quyết tâm đòi lại những gì mà người Nga đã cướp đoạt của mình 10 năm về trước. Ngày 4 tháng 2 năm 1904, ông chủ trì một cuộc họp ngự tiền khẩn cấp đề bàn thảo kế hoạch chiến tranh. Sáu ngày sau, Thiên hoàng xuống chiếu thư tuyên chiến với nước Nga. Chiến tranh đế quốc giữa Nga và Nhật Bản bùng nổ.

Một lần nữa, Thiên hoàng Minh Trị lại dời đại bản doanh tới Hiroshima để điều hành chiến sự. Ông cùng với các tướng lĩnh cao cấp nghiên cứu tình hình chiến sự cho tới tận đêm khuya, đồng thời luôn thắp nhang khấn vái tổ tiên, chư thần phù hộ cho đế quốc Nhật Bản thắng lợi. Thiên hoàng Minh Trị đã phong Ōyama Iwao (大山巖, Đại Sơn Nham) làm Tổng tư lệnh Lục quân Nhật còn Tōgō Heihachirō (東郷平八, Đông Hương Bình Bát Lang) làm Tổng tư lệnh Hải quân Nhật, vì thấy hai viên tướng này có tài năng. Iwao có nhiệm vụ tiến đánh quân Nga tại vùng Đông Bắc Trung Quốc còn Heihachirō thì tiến đánh quân Nga tại cảng Lữ Thuận và bờ biển Nhật Bản. Nhờ đường lối sách lược đúng đắn của triều đình Thiên hoàng, quân Nhật Bản liên tiếp giành chiến thắng trước quân Nga trên cả thủy lẫn bộ ở Viễn Đông và Thái Bình Dương. Chiến thuyền Nga thì lạc hậu hơn chiến thuyền Nhật, tinh thần của Hải quân Đế quốc Nga thì không được vững chắc, nên khi Hải quân Đế quốc Nhật tới eo biển Tsushima nằm giữa Triều Tiên và Nhật thì Thiên hoàng kích thích họ: "Quốc gia cường thịnh hay suy vong là do trận này", họ bèn cảm tử tấn công đối phương và giành chiến thắng lẫy lừng, mà tổn thất ít. Chiến thắng của đô đốc Togo Heihachirō va Hải quân Đế quốc Nhật tại eo biển Tsushima đã quyết định cuộc chiến. Những vùng đất rộng lớn như Mãn Châu, thành phố cảng Lữ Thuận (thuộc Trung Quốc) đều rơi vào tay đế quốc Nhật Bản. Nhờ đó, người Nhật trên thực tế đã trở thành bá chủ tại khu vực biển Đông.

Như đã nói, thuở bé Nhật hoàng Minh Trị từng cho rằng Nogi Maresuke sẽ lập công lớn với vua với nước. Thật vậy, trong chiến tranh Nga-Nhật, Nogi Maresuke làm Đại tướng Lục quân, đem quân đi đánh tan quân đội Nga tại cảng Lữ Thuận. Cùng nhiều chiến thắng khác trước quân đội Nga tại vùng Đông Bắc Trung Quốc, Tướng quân Nogi Maresuke trở thành anh hùng trong mắt người Nhật. Điều này cũng cho thấy Nhật hoàng Minh Trị là một vị minh quân, biết dùng các danh tướng Togo Heihachirō, Ōyama Iwao và Nogi Maresuke trong chiến tranh.

- Sáp nhập quần đảo Dokdo và bán đảo Triều Tiên

Sau chiến bại của quân đội Đế quốc Nga, hiệp ước được ký kết ngày 17 tháng 11 năm 1905 đã công nhận quyền bảo hộ của Nhật đối với Đại Hàn. Từ năm 1905 đến năm 1945, quần đảo Dokdo hay còn gọi là Takeshima, bị quân đội Thiên hoàng chiếm giữ. Chính phủ Tōkyō cho rằng quần đảo này thuộc về Nhật Bản, trong cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo này giữa Nhật Bản và Đại Hàn Dân Quốc vào đầu thế kỷ XXI. Ngày 29 tháng 8 năm 1910, theo chiếu chỉ của Nhật hoàng Minh Trị cùng với hoàng đế Đại Hàn, bán đảo Triều Tiên bị sáp nhập vào đế quốc Nhật Bản, hoàng đế Đại Hàn là Thuần Tông mất ngôi và vương triều Triều Tiên cáo chung. Trước năm đó, một nhà cách mạng Triều Tiên là An Jung-geun (An Trọng Căn) đã ám sát nguyên Tổng lý Đại thần Itō Hirobumi (1841 – 1909) - người chủ mưu trong kế hoạch sáp nhập Triều Tiên vào đế quốc Nhật. Có ý kiến cho rằng An Jung-geun hâm mộ Thiên hoàng Minh Trị và phê phán Itō Hirobumi là kẻ phá hoại sự nghiệp của Thiên hoàng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến An Jung-geun ám sát Itō Hirobumi.

Từ năm 1910 đến năm 1919, triều đình Nhật Bản thi hành chính sách thuần phục người dân Triều Tiên. Theo cách gọi của người Nhật thì bán đảo Triều Tiên là "ngoại địa", còn đảo quốc Nhật Bản là "nội địa". Thực hiện chính sách "phồn vinh châu Á", đế quốc Nhật Bản có "sứ mệnh" là "khai phóng" dân bản xứ Triều Tiên. Theo một Đạo dụ do Nhật hoàng Minh Trị ban hành vào ngày 29 tháng 8 năm 1910, người Triều Tiên và người Nhật được chính quyền Nhật Bản đối xử bình đẳng.

Đối phó với phong trào xã hội chủ nghĩa

Công cuộc Tây hóa của Thiên hoàng Minh Trị đã mở đường cho Nhật trở thành một nước theo chủ nghĩa tư bản đế quốc. Sau chiến thắng trước đế quốc Nga (1905), chính quyền Nhật tiếp tục đẩy mạnh việc bành trướng, họ sáp nhập bán đảo Triều Tiên, rồi cho quân can thiệp trong một cuộc chiến tranh "vì chính nghĩa".

Trước tình cảnh Nhật ngày càng trở nên Tây hóa một cách quá trớn, nói cách khác là chủ nghĩa tư bản ngày càng xâm nhập vào đất nước này, phong trào xã hội chủ nghĩa đương thời đã thiết lập một đảng của họ. Bản thân chủ nghĩa xã hội và phong trào nam nữ bình quyền cũng đặt chân đến Nhật Bản trong công cuộc Tây hóa vào năm 1890, 22 năm sau ngày Thiên hoàng Minh Trị khởi xướng Duy Tân. Số là, sau khi nhà vua ân xá cho Ki-tô giáo rồi, thông qua các cha cố đạo và Ki-tô giáo những Ki-tô hữu Nhật Bản đã tiếp nhận được tư tưởng xã hội chủ nghĩa từ các nước Âu Mỹ.

Lúc đầu, Nhật hoàng Minh Trị không ra tay đàn áp. Tuy nhiên, về sau ông nhận thấy chủ nghĩa xã hội có những chủ trường khác với sự sùng bái Thiên hoàng mà ông đặt ra, liền ra tay trấn áp đảng của những người Xã hội chủ nghĩa, không khác gì chính phủ các nước tư bản khác thời bấy giờ. Theo mệnh lệnh của triều đình, những tài liệu của Karl Marx bị chiếm lấy, bị đốt phá, các báo xã hội chủ nghĩa có những phát biểu khá hùng hồn bị trừng trị, quân chính quyền bỏ các chủ bút vào ngục trong khoảng từ năm đến mười năm, và tịch biên luôn những nhà in báo. Dưới triều vua Minh Trị, phong trào công nhân Nhật Bản bắt đầu nổi lên, giống như công nhân ở các nước Âu Mỹ thời đó. Trước sự trấn áp của triều đình cũng như thế lực quân phiệt Nhật, phong trào dưới sự lãnh đạo của Đảng Xã hội Nhật Bản vẫn không chấm dứt cuộc đấu tranh.

Tại Nhật, quần chúng thực hiện nhiều cuộc đình công, biểu tình, giữa lúc triều đình không cho phép các đại hội Đảng Xã hội chủ nghĩa Nhật Bản được họp ở mọi thành phố Nhật. Năm 1911, công nhân thành phố Tōkyō thành công trong cuộc bãi công đòi tăng lương, nhưng người lãnh đạo của họ là Katayama Sen bị bắt giữ. Tuy nhiên, theo cuốn "Nước Nhựt Bổn - 30 năm Duy Tân" thì "nhiều người Âu-châu xem xét tình trạng Nhựt-bổn rồi nói trước rằng rồi đây thế nào cũng thực-hành một chế-độ cộng-sản mới, chế-độ cộng-sản Thiên hoàng làm chủ, để cho được điều hòa tấm lòng người ta trung thành với cuộc dĩ-vãng và tấm lòng hâm-mộ với những sự mới lạ đời nay", ngoài một số trường hợp vô chính phủ sẽ nêu.

Âm mưu ám sát và qua đời

Trước sự trấn áp của triều đình, cuối triều vua Minh Trị, có những người theo chủ nghĩa vô chính phủ-xã hội, gồm Kōtoku Shūsui cùng vợ và hàng chục người đồng chí đã lập mưu ám sát Thiên hoàng và phát động bạo loạn (1910). Tuy nhiên, âm mưu của họ đã không thành và tất cả bọn họ đều bị chính quyền tóm gọn. Vào năm 1911, triều đình Minh Trị hành quyết 12 người, trong đó có Kōtoku Shūsui (Hạnh Đức Thu Thủy) vì tội danh phản nghịch. Cuộc âm mưu này được gọi là "Sự kiện đại nghịch" (大逆事件, Taigyaku Jiken) hay "Sự kiện Kōtoku" (Kōtoku Jiken). Trước đó, ngày 3 tháng 11 năm 1907 - nhân ngày sinh nhật Thiên hoàng - một số nhân vật liên quan tới tạp chí "Cách mạng" (Kakumei) cộng tác với Đảng Xã hội Cách mạng Nhật tại Hoa Kỳ, đã công bố một tờ truyền đơn tựa "Khủng bố" (Ansatsushugi) đe doạ thực hiện một cuộc tấn công có vũ trang nhằm vào Thiên hoàng. Tờ truyền đơn này chỉ gọi Thiên hoàng bằng tên thật là Mutsuhito, và cuối tờ có lời đe dọa:

Mutsuhito, Mutsuhito đáng thương! Thiên hoàng sẽ không còn sống được bao lâu nữa đâu. Xung quanh Thiên hoàng chỉ toàn là những quả bom chuẩn bị nổ. Chúng tôi xin nói lời từ biệt với Thiên hoàng. - Tờ truyền đơn "Ansatsushugi" (1907).

Vào ngày 30 tháng 7 năm 1912, ông qua đời do bệnh ung thư dạ dày, hưởng thọ 60 tuổi, được đặt thụy hiệu là Minh Trị Thiên hoàng. Ông là vị Thiên hoàng đầu tiên ở ngôi qua ngũ tuần, kể từ khi Thiên hoàng Ōgimachi (Chính Thân Đinh, 1517 – 1593) thoái vị năm 1598. Ngay sau khi vua mất, Đại tướng Lục quân Nhật Bản là Nogi Maresuke mổ bụng tự sát. Cái chết của Nogi Maresuke đã thể hiện sự trọng danh dự của người chiến binh Nhật, đồng thời cho thấy Maresuke - không như người ta hiểu - vẫn còn nhớ chuyện vị tướng này phạm lỗi lầm mà không tự sát năm xưa.

Chi tiết về Lễ quốc tang được đăng trong tờ thời báo New York với lời nhận xét:

“The contrast between that which preceded the funeral car and that which followed it was striking indeed. Before it went old Japan; after it came new Japan.”

Tạm dịch:

“Sự tương phản giữa phía trước và phía sau cái chết của ông vua này thật sự gây ấn tượng. Phía trước là một đất nước Nhật Bản cũ; phía sau là một đất nước Nhật Bản mới.”

Hoàng thái tử Yoshihito (Gia Nhân) lên nối ngôi, tức là Thiên hoàng Đại Chính - vị Thiên hoàng thứ 123 trong lịch sử Nhật Bản. Ít lâu sau khi Thiên hoàng Minh Trị và Hoàng hậu Chiêu Hiến qua đời, năm 1920, Thiên hoàng Đại Chính xuống lệnh xây dựng Minh Trị Thần Cung ở quận Harakuju tại kinh đô Tōkyō để tưởng niệm vua cha. Ngày khánh thành Minh Trị Thần Cung cũng đồng thời là ngày kỷ niệm sinh nhật của Thiên hoàng. Đến tháng 4 năm 1945, không quân Hoa Kỳ dội bom xuống Tōkyō, toàn bộ các công trình thời đó bị hủy diệt. Năm 1958, với sự góp sức của toàn dân Nhật Bản, khu điện thờ ngày nay đã được xây dựng lại hoàn toàn mới. Và, từ năm 1927, Thiên hoàng Hirohito (Chiêu Hòa, 1925 - 1989) tuyên bố ngày 3 tháng 11 - sinh nhật của Thiên hoàng Minh Trị - trở thành một ngày lễ mang tên "lễ Minh Trị".

Di sản: một nước Nhật mới

Cuốn "Nước Nhựt Bổn - 30 năm Duy Tân" của Đào Trinh Nhất xem vị Nhật hoàng Minh Trị là "người sáng tạo ra nước Nhựt mới". Với bản tính can đảm, quyết đoán trong các đường lối sách lược và hết mực thương dân, ông được người dân Nhật Bản xem là đấng minh quân. Triều đại ông được ghi chép vào sử sách cận đại như một giai đoạn canh tân đất nước Mặt trời mọc. Minh Trị Duy Tân - cuộc đổi mới do triều đình Thiên hoàng thực hiện - được các Sử gia theo quan điểm Mác-xítXã hội Chủ nghĩa xem là cuộc cách mạng tư sản không triệt để, vì cách mạng vẫn không xóa bỏ vị thế trong chính phủ cũng như quyền chỉ huy quân đội của tầng lớp quý tộc (Daimyō) cùng với tầng lớp võ sĩ (Samurai). Dù sao thì cuộc Minh Trị Duy Tân cũng dẫn đến các thay đổi lớn lao trong cấu trúc xã hội và chính trị Nhật Bản, cũng như đem lại niềm vinh dự cho nước này: đưa nước Nhật thoát khỏi chế độ phong kiến cát cứ và sự lệ thuộc vào các nước đế quốc phương Tây, tiến lên chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại. Không những thế, dưới triều vua Minh Trị, Nhật Bản trở thành đại đế quốc duy nhất nằm ở phương Đông vào giai đoạn hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các đế quốc Nga, Đức, Anh và Hoa Kỳ tại vùng Đông Á. Chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản cũng được hình thành, cùng Nhật hoàng nắm quyền theo Hiến pháp năm 1889. Trong quá trình này, Thiên hoàng Minh Trị đã đóng góp rất nhiều công sức giúp cho các thế lực duy tân đánh bại chế độ Mạc phủ, tiến hành cải cách đất nước, đưa Nhật Bản đi lên con đường phồn vinh, phú cường.

Trang in điện tử Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (dẫn nguồn từ Tạp chí "Nhà quản lý" số 27 tháng 09/2005) có ghi nhận:

Nửa đầu thế kỷ XIX về trước, Nhật Bản là một quốc gia phong kiến lạc hậu, bên trong thì chia cắt, bên ngoài thì bị các quốc gia khác chèn ép, sỉ nhục. Vậy mà tất cả đã thay đổi kể từ năm 1868-năm đầu tiên của kỷ nguyên Minh Trị duy tân. Đây chính là thời điểm mà người Nhật tự mở cửa hội nhập với thế giới, sau hàng chục thế kỷ tự cô lập với bên ngoài. Chỉ trong vòng hai thập kỷ, công cuộc cải cách toàn diện, cơ bản về mọi mặt do Minh Trị khởi xướng và lãnh đạo đã đặt nền móng vững chắc đưa nước Nhật sang một thời đại mới. Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành một trong những cường quốc trên thế giới.

Đánh giá và lý giải về sự phát triển "thần kỳ" của Nhật Bản bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX, chúng ta không thể không nhắc đến sự lãnh đạo tài tình sáng suốt và tầm nhìn xa, trông rộng của Minh Trị Thiên Hoàng, người đã tiến hành những cải cách chính trị, xã hội phi thường, đem lại sự thịnh vượng cho Nhật Bản thông qua chính sách tự cường bằng con đường tích cực.

Trong tác phẩm Sử Trung Quốc hoàn thành năm 1982, học giả Nguyễn Hiến Lê so sánh giữa Thiên hoàng Minh Trị và Thái hậu Từ Hy của Trung Quốc như sau:

“…công việc duy tân ở Nhật tiến rất mau, chỉ từ 1872 đên 1900 đã theo kịp Âu Mĩ, năm 1905 thắng được một nước bạch chủng là Nga. Sử gia Mỹ Eberhard bảo như vậy là nhờ từ mấy thế kỷ trước Nhật đã có một giai cấp tư bản bourgeois (tức thương nhân) "cộng sinh" với giai cấp chư hầu (feudataire) lớn, giai cấp trên (bourgeois) để chuyển qua chế độ tư bản, còn giai cấp sau biến thành bọn đế quốc kiểu Âu.

Có thể đó là một lý do quan trọng. Lý do chính là Minh Trị Thiên Hoàng sáng suốt, nhiệt tâm vì quốc gia dân tộc, còn Từ Hi thái hậu chỉ nghĩ đến quyền lời riêng: Bà ta lấy số tiền dự tính đóng chiến hạm theo kiểu Âu để sửa sang Di Hòa viên làm nơi tĩnh dưỡng cho bà lúc về già.”

—Nguyễn Hiến Lê

Trong suốt triều đại Minh Trị, nền văn hoá Tây Âu lan truyền vào Nhật Bản, được áp dụng trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, triều đình không áp đặt cái tư tưởng tự do, chế độ gia đình Tây Âu lên nước Nhật. Theo Mười hai người lập ra nước Nhật, cách gạn lọc này được gọi là "hồn Nhật Bản, tài Tây Âu". Truyền thống tư tưởng này khiến cho người Nhật luôn tiếp nhận những cái mới mẻ về văn hoá, kỹ thuật của nước ngoài. Dù là người chủ trì dự thảo và ban hành Hiến pháp Đế quốc Nhật Bản (1889) (mà theo đó Thiên hoàng và thế lực quân phiệt Nhật nắm giữ mọi quyền hành), thiết lập Nghị viện, phổ cập giáo dục, phát triển công nghiệp, đổi mới xã hội, hiện đại hóa quân đội, ông không quay lưng với những truyền thống lâu đời, chẳng hạn như quyền lực của Hoàng gia.

Bên cạnh đó, sự phát triển của kinh tế Nhật Bản khiến giai cấp công nhân Nhật Bản ngày càng bị bóc lột nặng nề và điều kiện làm việc ngày càng tồi tệ dẫn đến sự đấu tranh của giai cấp công nhân. Trước tình cảnh này, năm 1901, đảng Xã hội Dân chủ Nhật Bản được thành lập. Đồng thời, việc bóp chết phong trào Tự do và Dân quyền, những hoạt động bành trướng lãnh thổ do Thiên hoàng Minh Trị khởi xướng đã góp phần đem đến những tai họa cho các nước Đông Á và Đông Nam Á, kể cả nhân dân Nhật Bản. Tháng 11 năm 1905, một người vô chính phủ tên là Kōtoku Shūsui (sau bị hành hình) sang Hoa Kỳ nhằm "tự do chỉ trích ‘Thiên hoàng Bệ hạ’ cùng thể chế chính trị và kinh tế Nhật ở hải ngoại - nơi bàn tay lợi hại của ‘Thiên hoàng Bệ hạ’ không thể với tới", vì Shūsui xem ông là đinh chốt của chủ nghĩa tư bản Nhật. Ngày 1 tháng 6 năm 1906, Đảng Xã hội Cách mạng Nhật Bản được thiết lập. Trong các năm 1906 - 1907 Đảng này xuất bản một vài số của tạp chí "Cách mạng". Tạp chí này gọi ông là "một công cụ được điều khiển bởi bọn thống trị, với mục đích bóc lột nô dịch hoá quần chúng nhân dân".

Tuy nhiên, sinh thời ông từng sáng tác một bài Hoà ca theo thể đoản ca (tanka) có nội dung như sau:

bản gốc: phiên âm romaji: tạm dịch:
"よもの海 "Yomo no umi Tất cả các đại dương trên thế giới
みなはらからと mina harakara to Hãy tin rằng
思ふ世に omofu yo ni đều là bạn bè của tôi
など波風の nado namikaze no chúng ta không nên xung đột lẫn nhau
たちさわぐらむ" tachi sawaguramu"  

Theo Bách khoa toàn thư Việt Nam, cuộc Minh Trị Duy Tân cũng có ảnh hưởng lớn đến các phong trào kháng chiến chống đế quốc thực dân phương Tây ở Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á. (xem thêm các bài Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ). Cùng với Pyotr Đại đế (1682 – 1725) - một minh quân trong lịch sử Nga, Thiên hoàng Minh Trị là nhân vật mà Khang Hữu Vi, người đề xướng phong trào Duy Tân (1898) trong lịch sử Trung Quốc, muốn noi gương để cứu vãn đất nước. Chiến thắng của Hải quân Đế quốc Nhật Bản trước Hải quân Đế quốc Nga tại eo biển Tsushima đã khiến cho nhân dân châu Á hết sức vui mừng, theo như Nguyễn Hiến Lê:

Nó đưa Nhật lên hàng liệt cường, Nhật thành một đế quốc có được ba đất thực dân: Đài Loan, Triều Tiên, Nam Mãn.

Ảnh hưởng của nó đối với Á Đông cực lớn. Nó làm ngưng trong một thời gian sự bành trướng của Nga ở Trung Hoa; Á Châu bắt đầu phục sinh là nhờ nó. Toàn cõi Á Châu khi nghe tin khổng lồ Nga "con gấu trắng Bắc Cực" bị "chú lùn da vàng" hạ thì nhảy múa, reo hò như chính mình đã thắng trận. Người Á có cảm tình ngay với Nhật vì Nhật đã rửa cái nhục chung của giống da vàng. Trung Hoa mong lật đổ gấp nhà Thanh để duy tân như Nhật; Ấn Độ, Việt Nam, Miến Điện, Mã Lai… đều mơ tưởng độc lập và hai tên Minh Trị Thiên Hoàng, Y Đằng Bác Vân vang lên trong miệng các nhà ái quốc.

Từ thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912) sang thời kỳ Đại Chính (1912 – 1926), chủ nghĩa tư bản Nhật phát triển nhanh chóng với những thành công trong và ngoài nước.

Đầu thế kỷ XX, ở Việt Nam thời Pháp thuộc, một bài thơ mang tên "Á Tế Á ca" (Bài ca châu Á) được sáng tác. Theo Đào Trinh Nhất thì "Á Tế Á ca" là bài thơ của Nguyễn Thiện Thuật, còn gọi là Tán Thuật. Bài "Á Tế Á ca" tôn vinh cuộc cải cách dưới triều vua Minh Trị và cho rằng người châu Á, đặc biệt là người Việt cùng các xứ Đông Dương nằm dưới ách thống trị của Pháp nên noi theo cuộc cải cách này. Bài thơ này có những đoạn kể đến công lao của Thiên hoàng, như "Sức Thần-võ riêng về một họ", "Vùng Phò-tang chói đỏ góc trời!, hay "Chốn kinh-thành Giang-hộ dời sang", "Giẹp(?) Mạc phủ, bỏ Phiên-bang",... Trích đoạn:

Cờ độc lập đứng đầu phất trước
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn
Phương Đông nổi hiệu duy tân
Nhật hoàng Minh Trị anh quân ai bì…
Khen thay Nhật Bản anh tài
Từ nay vinh dự còn dài về sau…

Trong văn hóa

Thiên hoàng Minh Trị là nhân vật trong các tiểu thuyết, phim ảnh sau:

Tiểu thuyết Thời đại của Thiên hoàng (天皇の世紀) (Đại Phật Lang Thứ - 大佛次郎)

Phim Thiên hoàng Minh Trị và Đại chiến Nga-Nhật (明治天皇と日露大戦争) (Tân Đông Bảo - 新東宝, năm 1957)

Phim Thiên hoàng Minh Trị và Chiến tranh Nhật-Thanh (天皇・皇后と日清戦争) (Tân Đông Bảo - 新東宝, năm 1958

Phim Chân dung Thiên hoàng Minh Trị và Nogi Maresuke (明治大帝と乃木将軍)Tân Đông Bảo - 新東宝, năm 1959

Tiểu sử của Thiên hoàng Minh Trị (明治大帝御一代記) (phim tài liệu, năm 1964)

Thiên hoàng có thông điệp vĩ đại trước triều đình Nhật như sau:

“Tổ tiên ta đã cai trị nước Nhật này từ 2.000 năm qua. Trong suốt thời gian đó, chúng ta đã ngủ vùi. Đêm qua, khi ngủ ta đã nằm mơ. Mơ thấy thống nhất đất nước. Mơ thấy một đất nước hùng mạnh, độc lập và hiện đại.”

—Thiên hoàng Minh Trị

Thiên hoàng thích canh tân đất nước, nhưng không bị những cái mới của phương Tây làm hoa mắt:

“Giờ đây chúng ta đã thức giấc. Chúng ta nay đã có đường sắt và quần áo phương Tây. Thế nhưng, chúng ta không được phép quên chúng ta là ai, đến từ đâu…”

—Thiên hoàng Minh Trị

Gia quyến

Cha:

Thiên hoàng Kōmei (Hiếu Minh)

Mẹ:

Nakayama Yoshiko, Hoàng phi (gon no tenji) của Thiên hoàng Kōmei,

Vợ

- Hoàng hậu:

Ichijō Masako, tức Chiêu Hiến Hoàng hậu. Ngày 2 tháng 9 năm 1867 đổi tên thành "Mỹ Tử" (Miko hay Haruko). Chiêu Hiến là Hoàng hậu Nhật Bản đầu tiên có hình ảnh được phổ biến rộng rãi trong công chúng, tuy nhiên một điều đáng tiếc là bà không thể có con với Thiên hoàng. Vì thế, 15 người con của Thiên hoàng Minh Trị là con của Thiên hoàng với 5 thị nữ của ông.

- Các hoàng phi:

1. Thị nữ Mitsuko (1853 - 1873), không có nhiều thông tin về thị nữ Mitsuko, dù vậy bà đã sinh cho Thiên hoàng người con trai đầu lòng. Bà mất khi sinh đẻ.

2. Thị nữ Natsuko (1856 – 1873), không có nhiều thông tin về thị nữ Natsuko, dù vậy bà đã sinh cho Thiên hoàng người con gái đầu lòng và cũng chết khi sinh đẻ.

3. Yanagiwara Naruko (1855 – 1943)

4. Chigusa Kotoko (1855 – 1944)

5. Sono Sachiko (1867 – 1947)

Con cái

Đông cung Thái tử Yoshihito cùng hai con trai: Thân vương Michi Hirohito và Thân vương Atsu Yasuhito.

Ông có 15 người con, được sinh bởi các thị nữ chính thức. Trong số các con của ông, chỉ có 5 người, một hoàng tử con của thị nữ Naruko (1855–1943), con gái của Yanagiwara Mitsunaru, và 4 công chúa con của thị nữ Sachiko (1867–1947), con gái cả của Bá tước Sono Motosachi, không bị chết yểu. Họ bao gồm:

1. Thân vương Haru Yoshihito (Haru no miya Yoshihito Shinnō), con trai thứ ba, (31 tháng 8 năm 1879 – 25 tháng 12 năm 1926), được phong làm Đông cung Thái tử, sau này là Thiên hoàng Đại Chính (Taishō-tennō).

2. Nội Thân vương Tsune Masako (Tsune-no-miya Masako Naishinnō, つねのみや まさこ, 常宮昌子内親王), con gái thứ sáu, (30 tháng 9 năm 1888 – 8 tháng 3 năm 1940), kết hôn với Vương tước Takeda Tsunehisa (Takeda-no-miya Tsunehisa ō, 22 tháng 9 năm 1882 – 23 tháng 4 năm 1919) ở Hoàng cung, Tōkyō, 30 tháng 4 năm 1908, và có con

3. Nội Thân vương Kane Fusako (Kane-no-miya Fusako Naishinnō, かねのみや ふさこ, 周宮房子内親王), con gái thứ bảy, (28 tháng 1 năm 1890 – 11 tháng 8 năm 1974), kết hôn với Vương tước Kitashirakawa Naruhisa (Kitashirakawa-no-miya Naruhisa ō, 1 tháng 4 năm 1887 – 2 tháng 4 năm 1923) ngày 29 tháng 4 năm 1909 ở Hoàng cung, Tōkyō, và có con.

4. Nội Thân vương Fumi Nobuko (Fumi-no-miya Nobuko Naishinnō, ふみのみや のぶこ, 富美宮允子内親王), con gái thứ tám, (7 tháng 8 năm 1891 – 3 tháng 11 năm 1933), kết hôn với Vương tước Asaka Yasuhiko (Asaka-no-miya Yasuhiko ō, 2 tháng 10 năm 1887 – 13 tháng 4 năm 1981) ngày 6 tháng 5 năm 1909 tại Hoàng cung, Tōkyō, và có con. 

5. Nội Thân vương Yasui Toshiko (Yasui-no-miya Toshiko Naishinnō, やすのみや としこ, 泰宮聡子内親王), con gái thứ 9, (11 tháng 5 năm 1896 – 5 tháng 3 năm 1978), kết hôn với Vương tước Higashikuni Naruhiko ngày 18 tháng 5 năm 1915 (Higashikuni-no-miya Naruhiko ô, 3 tháng 12 năm 1887 – 20 tháng 1 năm 1990), và có con.   

                                                                                                                                           [quay lại]                                                             


Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 4
Lượt truy cập: 4358211