Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương XIII. NHÀ NGUYỄN (1802 - 1945)
 17/12/2014 01:43


NHÀ NGUYỄN (1802 - 1945)


Nhà Nguyễn
(chữ Hán: 阮朝, Nguyễn triều) là triều đại quân chủ cuối cùng cai trị Việt Nam trong lịch sử Việt Nam từ năm 1802 đến 1945, được thành lập sau khi hoàng đế Gia Long lên ngôi năm 1802 sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và sụp đổ hoàn toàn khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 – tổng cộng là 143 năm. Triều đại Nhà Nguyễn là một triều đại đánh dấu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19.

Triều nhà Nguyễn có thể được chia ra hai giai đoạn riêng biệt: Giai đoạn Độc lập và Giai đoạn bị đế quốc Pháp xâm lăng và đô hộ. Giai đoạn độc lập (1802-1858) là giai đoạn mà các vua nhà Nguyễn đang nắm toàn quyền quản lý đất nước, kéo dài 56 năm và trải qua 4 đời vua, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Gia Long và con trai Minh Mạng (1820-1841) đã cố gắng xây dựng Việt Nam theo khái niệm kiểu Nho giáo. Từ thập niên 1830, giới trí thức Việt Nam (đại diện tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ) đã đặt ra yêu cầu học hỏi phương Tây để phát triển công nghiệp - thương mại, nhưng họ chỉ là thiểu số. Đáp lại, vua Minh Mạng và những người kế tục Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883) chọn chính sách đã lỗi thời là coi trọng phát triển nông nghiệp (dĩ nông vi bản) và ngăn cản Công giáo, tôn giáo từ phương Tây.

Giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ (1858-1945) là giai đoạn kể từ việc quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Tháng 8 năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn. Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam kỳ). Sau khi củng cố vị trí vững chắc ở Nam Kỳ, từ năm 1873 đến năm 1886, Pháp xâm chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở Bắc Kỳ. Giai đoạn này kết thúc khi Bảo Đại tuyên bố thoái vị năm 1945.

Thời kỳ độc lập

-  Thành lập

Năm 1778, Nguyễn Ánh quay lại và tập hợp lực lượng chiếm được Gia Định và đến năm 1780, ông xưng vương. Trong mùa hè năm 1781, quân đội của Nguyễn Ánh lên đến khoảng 3 vạn người với 80 chiến thuyền đi biển, 3 thuyền lớn và 2 tàu Bồ Đào Nha do giám mục Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh mời được. Ông tổ chức tấn công Tây Sơn đánh tới tận đất Phú Yên nhưng sau cùng phải rút chạy vì gặp bộ binh rất mạnh của Tây Sơn. Tức giận vì tốn kém nhưng không thu được kết quả, quan lại Gia Định để cho một người phụ việc của Bá Đa Lộc là cai cơ Manuel lập mưu giết chết các tay lính đánh thuê Bồ Đào Nha và cướp tàu của họ.

Tháng 3 năm 1782, Nguyễn Huệ cùng vua Thái Đức mang quân thuỷ bộ Nam tiến. Tây Sơn đụng trận dữ dội ở sông Ngã Bảy, cửa Cần Giờ với quân Nguyễn do chính Nguyễn Ánh chỉ huy. Dù lực lượng thuyền của Tây Sơn yếu hơn, nhưng nhờ lòng can đảm của mình, họ đã phá tan quân Nguyễn, buộc Manuel tự sát, tuy vậy cũng thiệt hại khá nhiều binh lực. Nguyễn Ánh bỏ chạy về Ba Giồng, rồi có khi trốn sang tận rừng Romdoul, Chân Lạp. Vua Thái Đức khi chiếm lại Nam bộ gặp phải sự chống đối mạnh của người Hoa ủng hộ Nguyễn Ánh tại đây khiến cho một thân tướng là Đô đốc Phạm Ngạn tử trận, binh lính thương vong nhiều, nên ông rất đau đớn rồi nổi giận ra lệnh tàn sát người Hoa ở Gia Định để trả thù. Việc này đã cản chân Tây Sơn trong việc truy bắt Nguyễn Ánh, khiến cho Nguyễn Ánh có cơ hội quay trở về Giồng Lữ, một đô đốc Tây Sơn là Nguyễn Học đem quân đuổi theo Ánh bị quân Nguyễn bắt giết khiến cho Nguyễn Ánh có được 80 thuyền của Tây Sơn. Nguyễn Ánh thấy vậy định kéo về chiếm lại Gia Định nhưng đụng Nguyễn Huệ dàn binh quay lưng ra sông đánh bại khiến Nguyễn Ánh phải chạy về Hậu Giang, Rạch Giá, Hà Tiên rồi theo thuyền nhỏ trốn ra Phú Quốc.

Sau khi chiến thắng quân Thanh, vua Quang Trung đang chuẩn bị phối hợp với vua anh đem quân vào Nam đánh Gia Định thì đột ngột qua đời (1792), con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, hiệu là Cảnh Thịnh. Loạn lạc liền nổ ra ở Bắc Hà, sĩ phu trung thành với nhà Lê nổi lên tôn Lê Duy Cận làm minh chủ, Duy Cận liên lạc với Nguyễn Ánh để cùng đánh Tây Sơn, việc này góp phần làm cho nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Nội bộ Tây Sơn xảy ra tranh chấp, quyền hành rơi vào tay ngoại thích Bùi Đắc Tuyên. Từ đó, Nguyễn Ánh ra sức mở các đợt tấn công ra Quy Nhơn theo nguyên tắc đã định trước đó: "Gặp nồm thuận thì tiến, vãn thì về, khi phát thì quân lính đủ mặt, về thì tản ra đồng ruộng". Ngoài ra, Nguyễn Ánh còn định cho sứ đi ngoại giao với Trung Quốc, lợi dụng mâu thuẫn và thù hằn của quốc gia này với Tây Sơn, và cả sự có mặt của Lê Chiêu Thống bên đó để khiến Trung Quốc giúp mình nhưng việc không thành do khi sứ của Nguyễn Ánh là Ngô Nhơn Tĩnh và Phạm Thận sang đến nơi thì Lê Chiêu Thống đã mất.

Năm 1793, Nguyễn Ánh cùng các tướng Võ Duy Nguy, Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh, Nguyễn Huỳnh Đức, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Phước Hội, Philippe Vannier, Nguyễn Văn Hòa, Chưởng cơ Cố đem quân đánh Nha Trang, Diên Khánh, Phú Yên rồi tranh thủ đánh tới tận thành Quy Nhơn của Nguyễn Nhạc. Vua Thái Đức cầu cứu Phú Xuân. Cảnh Thịnh sai Ngô Văn Sở, Phạm Công Hưng, đô đốc Hố và Chưởng cơ Thiêm đem 17.000 quân, 80 thớt voi,và 30 chiếc thuyền chia nhiều đường tiến vào cứu, quân Nguyễn Ánh rút lui, trên đường về ông sai quân đắp thành Diên Khánh để lợi dụng địa thế nơi này làm bàn đạp chống Tây Sơn. Cùng thời gian, quân Phú Xuân của Tây Sơn nhân dịp đánh chiếm luôn đất đai, kho tàng của vua Thái Đức. Lúc đó Nguyễn Nhạc đang bệnh trên giường, nghe tin cơ nghiệp của con mình là Quang Bảo bị chiếm mất, uất quá thổ huyết mà qua đời. Quang Toản cho an trí Quang Bảo ra huyện Phù Ly và cai quản toàn bộ đất đai của vua bác.

Từ năm 1794 đến năm 1795, Tây Sơn phản công, họ cho quân nhiều lần vào đánh Phú Yên, vây thành Diên Khánh, quân Nguyễn cũng ra sức chống cự, nhiều lần kìm hãm, thậm chí là đánh lại được quân Tây Sơn. Tuy nhiên nội bộ Tây Sơn lại mâu thuẫn, các tướng tranh quyền. Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở, Quang Toản không làm gì được. Trần Quang Diệu đang đi đánh Nguyễn Ánh, nghe tin đành rút quân về, suýt giao tranh với Vũ Văn Dũng may nhờ có Quang Toản sai quan ra khuyên giải Trần Quang Diệu mới đồng ý hòa. Nhưng sau đó Quang Toản lại nghe lời gièm pha tước mất binh quyền của Trần Quang Diệu, Tây Sơn từ đó cứ lục đục mãi, các quan nghi kị giết hại lẫn nhau tạo điều kiện thuận lợi cho Nguyễn Ánh. Năm 1797, Nguyễn Ánh cho quân ra đánh Phú Yên, riêng ông thì cùng Nguyễn Phúc Cảnh chỉ huy thủy quân ra tận Quy Nhơn giao chiến với tướng Tây Sơn là Lê Trung tại Thị Nại thu được nhiều khí giới, nhưng khi tới Quy Nhơn thấy thế lực Tây Sơn thủ mạnh quá đành vòng lên đánh Quảng Nam nhưng được mấy tháng lại rút về vì thuyền chở quân lương từ Gia Định bị ngược gió không lên kịp.

Nguyễn Ánh chiêu dụ Nguyễn Quang Bảo nhưng việc chưa thành vì Quang Toản ra tay trước, bắt và giết được Quang Bảo. Nhưng Tây Sơn lại rơi vào lục đục, Quang Toản nghi ngờ giết hại nhiều triều thần, võ tướng, khiến cho sức chiến đấu suy giảm, thêm nhiều người sang hàng Nguyễn Ánh. Năm 1799, Nguyễn Ánh cho sứ yêu cầu vua Xiêm La cho một đạo quân Chân Lạp và Vạn Tượng đi đến sát biên giới Nghệ An để nghi binh và vua Xiêm đồng ý làm theo. Cũng trong năm 1799, Nguyễn Ánh tự cầm quân đi đánh thành Quy Nhơn, tướng giữ thành của Tây Sơn là Vũ Tuấn đầu hàng dù trước đó Quang Toản đã sai Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng đem quân vào cứu. Sau đó, Nguyễn Ánh đổi tên Quy Nhơn thành Bình Định, rồi cho quân tới trấn giữ thành. Tây Sơn ngay lập tức tìm cách chiếm lại; tháng 1 năm 1800, hai danh tướng Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng kéo đến vây thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh cho quân ra cứu nhưng bị bộ binh Tây Sơn chặn lại, ông chia quân đi đánh các nơi và thắng nhiều trận, trong đó có một trận lớn ở Thị Nại. Thấy thế Tây Sơn vây Quy Nhơn còn mạnh, Nguyễn Ánh cho người lẻn mang thư đến bảo tướng quân Nguyễn giữ thành là Võ Tánh mở đường máu mà trốn ra nhưng Võ Tánh quyết tử thủ để tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh đánh Phú Xuân, việc này khiến thời gian hai danh tướng Tây Sơn bị cầm chân lên hơn một năm. Năm 1801, Nguyễn Ánh nhận thấy tinh binh Tây Sơn đều tập trung cả ở chiến trường Quy Nhơn nên mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Tháng 5 năm 1801, Nguyễn Ánh kéo quân giao chiến dữ dội với Tây Sơn ở cửa Tư Dung; rồi đụng Quang Toản ở cửa Eo, Quang Toản thua trận bỏ chạy ra Bắc và đến ngày 3 tháng 5 Nguyễn Ánh giành được Phú Xuân.

Cùng thời gian nghe tin Phú Xuân bị tấn công, Trần Quang Diệu đang vây Quy Nhơn sai binh về cứu nhưng bị quân Nguyễn chặn đánh nên quân không về được, ông chỉ còn cách cố gắng đốc binh chiếm thành. Đầu năm 1802, Tây Sơn mới chiếm lại thành Quy Nhơn, Võ Tánh tự vẫn để xin tha mạng cho binh sĩ. Trần Quang Diệu tha cho binh Nguyễn, an táng Võ Tánh và thuộc tướng rồi bỏ thành Quy Nhơn; cùng Vũ Văn Dũng mang quân cứu viện ra Nghệ An, bị quân Nguyễn chặn đường, phải vòng qua đường Vạn Tượng (Lào). Lúc tới Nghệ An thì thấy thành đã mất, quân sĩ bỏ chạy gần hết, vợ chồng Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân bị bắt, Vũ Văn Dũng không rõ số phận.

Cũng trong thời gian này, sau khi chiến thắng quân Tây Sơn, hoàn toàn chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế ngày 1 tháng 6 (âm lịch) năm Nhâm Tuất (1802). Để tượng trưng sự thống nhất Nam-Bắc lần đầu tiên sau nhiều năm, Nguyễn Ánh chọn niên hiệu là Gia Long, chữ Gia lấy từ Gia Định và Long lấy từ Thăng Long. Sau đó ông cho người đem toàn bộ ấn sách nhà Thanh trao cho Tây Sơn trả lại và xin phong, rồi sai Lê Văn Duyệt kéo quân tiếp ra Bắc Hà diệt hoàn toàn nhà Tây Sơn.

Tổ chức bộ máy

-  Quan chế và tổ chức chính quyền trung ương

Ngay từ sớm, Nguyễn Ánh đã phong vương, đặt quan lại cho những người theo phò tá mình. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và trở thành hoàng đế Gia Long, ông lại tiếp tục kiện toàn lại hệ thống hành chính và quan chế của chính quyền mới. Nhà Nguyễn về cơ bản vẫn giữ nguyên hệ thống quan chế và cơ cấu chính quyền trung ương giống như các triều đại trước đó. Đứng đầu nhà nước là vua, nắm mọi quyền hành trong tay. Giúp vua giải quyết giấy tờ, văn thư và ghi chép có Văn thư phòng (năm 1829 đổi là Nội các). Về việc quân quốc trọng sự thì có 4 vị Điện Đại học sĩ gọi là Tứ trụ Đại thần, đến năm 1834 trở thành viện Cơ mật. Ngoài ra còn có Tông nhân phủ phụ trách các công việc của Hoàng gia.

Bên dưới, triều đình lập ra 6 Bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng Thư chịu trách nhiệm chỉ đạo các công việc chung của Nhà nước, các bộ gồm: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình và Bộ Công. Bên cạnh 6 Bộ còn có Đô sát viện (tức là Ngự sử đài bao gồm 6 khoa) chịu trách nhiệm thanh tra quan lại, Hàn lâm viện phụ trách các sắc dụ, công văn, 5 Tự phụ trách một số sự vụ, phủ Nội vụ coi sóc các kho tàng, Quốc tử giám phụ trách giáo dục, Thái y viện chịu trách nhiệm về việc chữa bệnh và thuốc thang,... cùng với một số Ti và Cục khác.

Theo Trần Trọng Kim, người ta "thường hiểu mấy chữ quân chủ chuyên chế theo nghĩa của các nước Tây Âu ngày nay, chứ không biết mấy chữ ấy theo cái học Nho giáo có nhiều chỗ khác nhau..." Theo tổ chức của nhà Nguyễn, khi có việc gì quan trọng, thì vua giao cho đình thần các quan cùng nhau bàn xét. Quan lại bất kỳ lớn bé đều được đem ý kiến của mình mà trình bày. Việc gì đã quyết định, đem dâng lên để vua chuẩn y, rồi mới thi hành. Hoàng đế tuy có quyền lớn nhưng lại không được làm điều gì trái phép thường. Khi vua có làm điều gì sai thì các quan Giám Sát Ngự Sử có quyền can ngăn vua và thường là vua phải nghe lời can ngăn của những người này. Quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện, từ tổng trở xuống thuộc về quyền tự trị của dân. Người dân tự lựa chọn lấy người của mình mà cử ra quản trị mọi việc tại đia phương. Tổng gồm có vài làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do Hội đồng Kỳ dịch của các làng cử ra quản lý thuế khóa, đê điều và trị an trong tổng.

Ngạch quan lại chia làm 2 ban văn và võ. Kể từ thời vua Minh Mạng được xác định rõ rệt giai chế phẩm trật từ cửu phẩm tới nhất phẩm, mỗi phẩm chia ra chánh và tòng 2 bậc. Trừ khi chiến tranh loạn lạc còn bình thường quan võ phải dưới quan văn cùng phẩm với mình. Quan Tổng đốc (văn) vừa cai trị tỉnh vừa chỉ huy quân lính của tỉnh nhà. Lương bổng của các quan tương đối ít nhưng quan lại được hưởng nhiều quyền lợi, cha họ được khỏi đi lính, làm sưu và miễn thuế tùy theo quan văn hay võ, hàm cao hay thấp. Ngoài ra con cái các quan còn được hưởng lệ tập ấm. Tuy bộ máy không thật sự cồng kềnh, nhưng tệ tham nhũng vẫn là một trong những vấn đề lớn. Trong bộ luật triều Nguyễn có những hình phạt rất nghiêm khắc đối với tội này.

-  Phân chia hành chính

Nước Đại Nam của nhà Nguyễn vào thời điểm kết thúc độc lập năm 1883-1884, lãnh thổ chính bị chia thành 3 xứ Nam Kỳ thuộc địa (Cochinchina), Trung Kỳ (Annam), Bắc Kỳ (Tonkin) thuộc Pháp. Lãnh thổ cực đại của nhà Nguyễn thời độc lập tương đương với 3 xứ này và những vùng hay vương quốc mà nhà Nguyễn từng sáp nhập ở xung quanh: Trấn Ninh, Tây Nguyên (Pays de Mois), và Trấn Tây (Cambodge 1834-1840).

Năm 1802, trong khi đã quyết định Phú Xuân là quốc đô, Nguyễn Ánh vẫn tạm đặt 11 trấn phía Bắc (tương đương khu vực Bắc Bộ ngày nay) thành một Tổng trấn với tên cũ Bắc Thành, do một Tổng trấn đứng đầu.

Đến thời Minh Mạng, để nhất thể hóa các đơn vị hành chính trong cả nước, năm 1831-1832 nhà vua thực hiện một cuộc cải cách hành chính lớn, theo đó bỏ các tổng trấn, đổi các dinh, trấn trấn thành tỉnh. Đây là lần đầu tiên đơn vị hành chính tỉnh xuất hiện ở Việt Nam. Năm 1831, Minh Mạng đổi các trấn từ Quảng Trị trở ra thành 18 tỉnh, và vùng còn lại ở phía Nam được chia làm 12 tỉnh. Thừa Thiên, nơi toạ lạc của kinh đô Phú Xuân, là phủ trực thuộc Trung ương. Cả nước được chia làm 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên.

Đứng đầu tỉnh là Tổng đốc (mỗi người phụ trách 2-3 tỉnh và chuyên trách 1 tỉnh) và Tuần phủ (dưới Tổng đốc, phụ trách chỉ 1 tỉnh). Giúp việc có Bố chánh sứ ti lo về thuế khóa, hộ khẩu, hành chính; Án sát sứ ti lo về an ninh, luật pháp. Phụ trách về quân sự có chức lãnh binh. Các quan chức đứng đầu tỉnh đều do chính quyền trung ương trực tiếp bổ nhiệm, và thường là võ quan cao cấp, về sau mới bổ dụng thêm các quan văn. Hệ thống chính quyền được phân biệt rõ rệt giữa Trung ương và địa phương, và trong hệ thống này nhà vua, người đứng đầu đất nước, nắm nhiều quyền lực hơn hẳn so với các thời kỳ trước.

Dưới tỉnh là phủ, huyện, châu, tổng và xã. Quan chức của triều đình chỉ phân ra tới phủ huyện, từ tổng trở xuống do người dân tự lựa chọn cử ra quản trị. Tổng gồm có vài làng hay xã, có một cai tổng và một phó tổng do Hội đồng Kỳ dịch của các làng cử ra quản lý thuế khóa, đê điều và trị an trong tổng. Nhìn chung, cơ cấu hành chính của các tổng, xã được tổ chức khá chặt chẽ để triều đình dễ dàng quản lý và phản ứng mau lẹ khi có sự biến xảy ra.

Đối với vùng thượng du và với các khu vực sinh sống của các dân tộc thiểu số, Minh Mạng thực hiện nhất thể hóa về mặt hành chính cùng với các vùng miền xuôi. Năm 1829 ông bãi bỏ chế độ thế tập của các Thổ ti (các tù trưởng của dân tộc thiểu số) mà cho quan lại lựa chọn những thổ hào ở địa phương làm Thổ tri các châu huyện. Sau đó, Minh Mạng còn đặt thêm một chức lưu quan do người Kinh nắm giữ để khống chế các vùng này tốt hơn và tiến hành thu thuế như ở miền xuôi. Tuy nhiên, do phản ứng của người dân địa phương, vua Tự Đức sau đó đã bãi bỏ chế độ lưu quan.

Tính đến cuối thế kỷ 19, Việt Nam có 98 phủ bao gồm 342 huyện và châu.

Đối với những hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vua Gia Long từ năm 1816 đã chính thức ra lệnh tiếp thu Hoàng Sa, cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Sang triều Minh Mạng, nhà Nguyễn cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương. Từ thập niên 1890 chính quyền Bảo hộ nhân danh triều đình Huế của nhà Nguyễn cũng có dự định dựng ngọn hải đăng để khẳng định chủ quyền của Pháp trên quần đảo Hoàng Sa nhưng đồ án không thực hiện được và mãi đến năm 1938 mới có lực lượng chính thức chiếm đóng quần đảo này. Dù vậy khi nhà Thanh gửi thuyền xâm phạm Hoàng Sa vào những năm đầu thế kỷ 20 thì Bộ Ngoại giao Pháp đã có công văn phản đối. Cuộc tranh chấp này kéo dài cho đến khi người Pháp mất chủ quyền ở Đông Dương và vẫn chưa kết thúc.

-  Quân đội

Một trong những thành quả Gia Long đạt được sau nhiều năm nội chiến với Tây Sơn là quân đội tương đối mạnh với trang bị và tổ chức kiểu phương Tây. Sau khi quản làm chủ toàn bộ quốc gia, nhà Nguyễn xây dựng quân đội hoàn thiện hơn, chính quy hơn. Để sung binh ngạch mới, vua Gia Long cho thực hiện phép giản binh, theo hộ tịch tuỳ nơi mà định, lấy 3, 5 hay 7 suất đinh tuyển 1 người lính. Quân chính quy đóng tại kinh thành và những nơi xung yếu; các địa phương đều có lực lượng vũ trang tại chỗ làm nhiệm vụ trị an. Quân chính quy có 14 vạn người, ngoài ra còn có quân trừ bị. Quân đội còn được tổ chức thành 4 binh chủng: bộ binh, tượng binh, thủy binh và pháo binh, trong đó bộ binh và thuỷ binh được chú trọng xây dựng để tác chiến độc lập. Trình độ chính quy thống nhất cao. Ngoài vũ khí cổ truyền, quân chính quy được trang bị hoả khí mua của phương Tây như đại bác, súng trường, thuyền máy, thuốc nổ...Các loại súng thần công, đại bác được đúc với kích thước, trọng lượng thống nhất; thành luỹ, đồn to nhỏ cũng được quy định cho từng cấp với số lượng quân nhất định.

Sự quan tâm tới khoa học quân sự phương Tây của Gia Long được xem là do tình thế bắt buộc thì với Minh Mạng lại hoàn toàn tự nguyện. Minh Mạng lấy phương Tây làm kiểu mẫu cho việc tổ chức quân đội, hướng đến việc quân cần tinh nhuệ, không cần nhiều, bỏ bớt số lượng người cầm cờ từ 40 người xuống 2 người trong đội ngũ đơn vị 1 vệ (500 người). Phương thức tác chiến được các học giả Mãn Thanh ghi nhận là giống hệt kiểu Pháp, do trong quân đội Minh Mạng có thuê các sĩ quan huấn luyện Tây Dương. Có thể nói, quân đội nhà Nguyễn thời bấy giờ là lực lượng quân sự tân tiến hiện đại nhất ở khu vực Đông A, vượt xa các nước láng giềng như Trung Hoa, Thái Lan, Campuchia.

Sang thời Tự Đức, công tác quốc phòng của nhà Nguyễn có sự tương phản rõ rệt với các triều trước. Một trong các lý do khiến tình hình quân đội suy sút là vấn đề tài chính. Vũ khí và trang thiết bị làm mới gần như không có. Trang bị bộ binh rất lạc hậu: 50 người mới có 5 súng, mỗi năm chỉ tập bắn 1 lần 6 viên đạn. Vũ khí được bảo trì cũng kém. Về thuỷ binh, không tàu hơi nước nào được đóng mới, thuỷ quân thậm chí không đủ khả năng bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc giảng dạy binh pháp không chú trọng tới sách vở phương Tây nữa mà quay trở lại với Binh thư yếu lược của Trần Hưng Đạo. Đời sống quân lính không được quan tâm thoả đáng, lương thực lại bị ăn bớt. Do đó tinh thần chiến đấu của quân sĩ không cao. Quan điểm khoa học quân sự của vua quan nhà Nguyễn không hề vượt quá khuôn khổ của khoa học quân sự phong kiến. Việc không bắt kịp với thành tựu mới của khoa học phương Tây thời Tự Đức khiến quân sự Việt Nam bị lạc hậu nhiều. Do đó, khi người Pháp vào xâm lược Việt Nam (1858), khoảng cách về trang thiết bị giữa quân đội nhà Nguyễn và quân Pháp đã khá xa.

[xem tiếp]                                                                                                                                    [quay lại]


Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 4
Lượt truy cập: 4354944