Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương X. THỜI BẮC THUỘC LẦN 4 (1407 - 1427) - Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) - TRẬN TỐT ĐỘNG – CHÚC ĐỘNG (5-7/11/1426)
 21/11/2014 07:01


TRẬN TỐT ĐỘNG – CHÚC ĐỘNG


Trận Tốt Động – Chúc Động
là trận đánh diễn ra trong các ngày 5-7 tháng 11 năm 1426, giữa nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với quân nhà Minh đóng ở Đông Quan (tức là Thăng Long, Hà Nội). Đây là một chiến thắng quân sự lớn của nghĩa quân Lam Sơn và được nhắc đến trong Bình Ngô đại cáo.

Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm;
Tụy Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm.

Địa điểm

Địa điểm diễn ra là tại hai nơi, cách nhau khoảng 6–7 km, đều thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ Hà Nội ngày nay là:

Tốt Động còn gọi là Tụy Động (nay là xã Tốt Động), tại đây nghĩa quân Lam Sơn phục binh chặn đánh cánh tiên phong của quân Minh ở Đông Quan

Chúc Động còn gọi là Ninh Kiều (nay là thị trấn Chúc Sơn), là nơi quân Lam Sơn mai phục chặn đánh hậu quân của quân Minh từ Đông Quan kéo ra.

Bối cảnh

Sau 8 năm khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn ngày càng trở nên vững mạnh, chiếm lại được vùng đất rộng lớn từ Thanh Hóa trở vào đến Tân Bình, Thuận Hóa (Thừa Thiên-Huế ngày nay), đang chuyển hướng tấn công ra Bắc. Tháng 8 năm 1426, Lê Lợi chia quân cho các tướng làm 3 cánh bắc tiến. Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí, Trịnh Khả, Lê Triện ra phía Tây bắc, Lưu Nhân Chú, Bùi Bị ra phía Đông bắc; Đinh Lễ, Nguyễn Xí ra đánh Đông Quan. Quân Lam Sơn liên tiếp thắng trận, đẩy dần quân Minh vào thế phòng ngự bị động, buộc đối phương phải co cụm về bảo vệ Đông Quan.

Viện binh nhà Minh

Nhà Minh đã phải cử Vương Thông dẫn hơn 50 nghìn quân sang tăng viện cho Đông Quan. Tạo cho Đông Quan thành cứ điểm tập trung hơn 100 nghìn quân Minh, giành ưu thế về binh lực để mở các cuộc tiến công lớn ra vùng ngoại vi Đông Quan, hòng giành lại thế chủ động chiến lược.

Ngày 5 tháng 11 năm 1426, Vương Thông tập trung hơn 90 nghìn quân tiến theo hướng Nam và Tây Nam, nhằm đánh các cánh quân Lam Sơn của các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đinh Lễ...

Trận mở màn

Vương Thông chia 10 vạn quân Minh ở Đông Quan thành 3 cánh quân lần lượt kéo ra khỏi thành, tiến về hướng Tây Nam hướng tới Ninh Kiều nơi có đạo quân của Phạm Văn Xảo, Lý Triện. Một cánh do chính Vương Thông chỉ huy, một cánh do Phương Chính và Lý An chỉ huy, cánh còn lại do Sơn Thọ cùng Mã Kỳ chỉ huy.

Cánh quân của Vương Thông kéo đến đóng tại bến đò trên sông Đáy ở làng Cổ Sở, làm cầu phao qua sông. Cánh quân của Phương Chính kéo đến Sa Đôi (đò Đôi) trên sông Nhuệ đóng đồn. Sơn Thọ kéo theo đường qua làng Nhân Mục (cống Mọc trên sông Tô Lịch) đến đóng đồn tại cầu Thanh Oai bắc qua sông cổ Đỗ Động.

Cánh quân Minh do Mã Kỳ, Sơn Thọ chỉ huy, ngày 5 tháng 11, tiến qua khỏi cầu Tam La (Ba La), (theo đường ngày nay là quốc lộ 21B từ Ba La đi Vân Đình), bị rơi vào trận địa mai phục của quân Lam Sơn do Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy, bố trí ở cánh đồng Cổ Lãm (xã Thắng Lãm (Sốm) tổng Thắng Lãm huyện Thanh Oai, nay là phường Phú Lãm quận Hà Đông). Cánh quân Minh này bị thiệt hại nặng: chết 1000 lính và bị thương 500 quân, nên rút lui về tụ tập với Vương Thông. Cánh quân của Phương Chính thấy quân Lam Sơn tiến đánh, cũng rút về theo Vương Thông. Ngày hôm sau, 6 tháng 11, cánh quân của Lý Triện, Đỗ Bí kéo tới đánh trại quân Minh của Vương Thông ở Cổ Sở. Nhưng Vương Thông đã phòng bị, với việc tập trung binh lực, và đặt trận địa mai phục, đặt bẫy chông, rồi giả thua chạy để đội tượng binh của quân Lam Sơn đuổi lạc vào hầm chông mà thiệt hại. Quân Lam Sơn gặp thất lợi, liền thu quân về Cao Bộ, và liên lạc với cánh quân đóng ở Thanh Đàm phía Nam Đông Quan do Đinh Lễ chỉ huy.

Diễn biến

Tối ngày 6 tháng 11, Vương Thông lập kế hoạch mới, gộp quân của Sơn Thọ và Phương Chính với quân của mình thành một khối đánh xuống Ninh Kiều, lúc này quân Lam Sơn đã rút lui về Cao Bộ. (Theo sách Cương mục thì Cao Bộ thuộc huyện Thanh Oai tỉnh Hà Nội, tức là làng Cao Bộ tổng Đồng Dương huyện Thanh Oai trấn Sơn Nam Thượng, tên chữ Hán là (chữ "Bộ" này có thể có nghĩa gốc là "bước chân"), nay thuộc xã Cao Viên huyện Thanh Oai Hà Nội, nằm bên tả ngạn (bờ đông) sông Đáy, cùng phía với thành Đông Quan. Nhưng một số tài liệu gần đây thì cho rằng: Cao Bộ là làng Cao Bộ ( , chữ Bộ này có thể có nghĩa gốc là "Bộ ngành") tổng Cao Bộ huyện Mỹ Lương trấn Sơn Tây, nay là thôn Trung Cao xã Trung Hòa huyện Chương Mỹ, vì lý do làng Cao Bộ sau nằm bên hữu ngạn (bờ tây) sông Đáy cùng phía và gần hơn với các chiến trường Tốt Động, Chúc Động.) Vương Thông quyết định chia quân thành 2 cánh để từ Ninh Kiều đến đánh Cao Bộ. Một cánh (cánh kỳ binh) đi qua Chúc Động, (theo đường tắt, nay có lẽ là trục đường quốc lộ 6) theo kế hoạch là lẻn tới trước đánh vào lưng đối phương. Một cánh nữa và là cánh chủ lực do đích thân Vương Thông chỉ huy, theo đường cái quan (đường thiên lý Bắc Nam, nay là đường liên huyện Chúc Sơn-Tốt Động-sân bay Miếu Môn (xã Hữu Văn)), đi tới Chúc Động rồi tới phía Đông và Đông Bắc Cao Bộ, đánh vào chính diện của đối phương. Theo kế hoạch, cánh quân đánh tập hậu khi đã sẵn sàng thì nổ pháo hiệu để cả hai cánh quân đồng loạt đánh vào tiêu diệt quân Lam Sơn.

Nắm được ý đồ của đối phương (bắt và tra hỏi được trinh sát của quân Minh), quân Lam Sơn của Lý Triện và Đỗ Bí, được tăng viện của cánh quân do Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy, từ huyện Thanh Đàm sang tiếp ứng, đã bố trí hai trận mai phục ở Chúc Động và Tốt Động.

Đêm ngày mùng 6 rạng sáng ngày 7 tháng 11 năm 1426, quân Lam Sơn chủ động nổ súng. Cánh quân Minh do Vương Thông chỉ huy lúc đó đi đến Tốt Động tưởng pháo lệnh như đã hẹn nên vội vã tiến lên, bị quân Lam Sơn mai phục ập lại đánh cho tan tác. Trong khi đó, chỉ huy cánh quân Minh đánh tập hậu khi thấy có pháo hiệu đáng lẽ phải do mình thực hiện đã nghi ngờ và cử quân đi trinh sát, nhưng thấy Cao Bộ vẫn yên ắng nên cũng không phản ứng gì. Đến khi nhận được tin rằng cánh quân của Vương Thông bị tập kích ở Tốt Động và đã tháo chạy, thì cánh quân tập hậu mới vội vàng rút chạy về hướng Chúc Động. Cánh quân của Vương Thông bị quân Lam Sơn từ 3 mặt: mặt trước (phía Nam) từ bờ sông Yên Duyệt (tức sông Bùi hay còn gọi là sông Tích), phía Tây từ bờ đầm Rót (vị trí các thôn Thanh Nê, Tử Nê, nay thuộc xã Thanh Bình huyện Chương Mỹ), và các làng xung quanh Tụy Động ở phía Đông đường tiến quân của Vương Thông, kéo ra đánh cho tan. Cánh quân Vương thông phải tháo chạy về hướng Chúc Động. Tại Chúc Động, cả cánh quân tập hậu lẫn hậu quân của cánh Vương Thông lại bị quân Lam Sơn mai phục đổ ra đánh tiếp. Ninh Kiều - cầu bắc qua sông Ninh Giang (sông Đáy) - bị quân Lam Sơn chặt đứt.

Kết quả

5 vạn quân Minh bị tiêu diệt, 1 vạn quân Minh bị bắt sống. Một lực lượng lớn tháo chạy qua sông Ninh Giang bị chết đuối nhiều đến mức "làm nghẽn cả khúc sông Ninh Giang". Các chỉ huy của quân Minh là Trần Hiệp, Lý Lượng, Lý Đằng bị giết tại trận. Ngay Vương Thông cũng bị thương.

Ý nghĩa

Kết cục của trận Tốt Động-Chúc Động đã làm phá sản kế hoạch phản công của Vương Thông đồng thời tạo ra lợi thế cho nghĩa quân Lam Sơn buộc quân Minh phải rút về cố thủ và chấp nhận đàm phán. Do mất rất nhiều vũ khí trong trận này, quân Minh buộc phải tìm cách chế tạo vũ khí. Trong khi đó, quân Lam Sơn có thêm rất nhiều vũ khí và có thể đã tiếp thu thêm công nghệ chế tạo súng của quân Minh.

Đây là trận quyết chiến, một trong những thắng lợi quyết định toàn cục của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Trận đánh này đánh dấu bước chuyển quan trọng về thế của nghĩa quân: từ phòng ngự bị động sang chủ động tiến công lực lượng chủ lực của quân Minh.

                                                                                                                                                   [quay lại]

Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 8
Lượt truy cập: 4360661