Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương X. THỜI BẮC THUỘC LẦN 4 (1407 - 1427) - Nhà Hậu Trần (1407 – 1413)
 18/11/2014 23:05


NHÀ HẬU TRẦN (1407 – 1413) 


Nhà Hậu Trần
(1407 – 1413) (chữ Hán: 後陳朝 (Hậu Trần Triều)) là một giai đoạn lịch sử của Việt Nam mà các sách sử vẫn chưa thống nhất cách gọi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư (viết tắt: ĐVSKTT) thì gọi là nhà Hậu Trần, còn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục (viết tắt: CM) thì hoàn toàn không nói đến cụm từ này mà chỉ thuật lại sự việc trong những năm đó. Ở đây, theo sách ĐVSKTT nên gọi là nhà Hậu Trần.

Nhà Hậu Trần thành lập tháng 10 âm lịch năm 1407 sau khi nhà nước Đại Ngu của nhà Hồ bị quân đội nhà Minh xâm chiếm và tiêu diệt. Trong thời kỳ này, nước Đại Ngu bị nhà Minh đổi tên trở lại thành Giao Chỉ và chia thành 17 phủ, 5 châu và 12 vệ trực thuộc Ty Bố Chính. Dù chỉ tồn tại có 6 năm và trên thực tế là không có chủ quyền thực sự trên toàn lãnh thổ, nhưng nhà Hậu Trần đã để lại nhiều bài học quý báu về công cuộc giữ nước.

Khởi binh chống quân Minh

Khi nhà Minh mới tiêu diệt nhà Hồ thì lòng dân trong nước vẫn không yên, khắp nơi nổi lên chống lại. Trần Ngỗi là con trai vua Trần Nghệ Tông (1321-1394). Khi ông chạy đến Mô Độ, Trường Yên thì người phủ Thiên Trường là Trần Triệu Cơ dựng ông làm vua- xưng là Giản Định Đế, đặt niên hiệu là Hưng Khánh.

Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: Mùa đông tháng 10 ngày mồng 2, Giản Định Đế lên ngôi ở Mô Độ châu Trường Yên, dựng niên hiệu là Hưng Khánh. Trước là Trương Phụ yết bảng bắt những người tôn thất nhà Trần và cựu thần đầu mục đem về. Vua trốn đến Mô Độ. Người phủ Thiên Trường là Trần Triệu Cơ đem quân đến tập xưng theo hiệu cũ. Tháng 4, quân Minh đánh vào hành dinh, vì là quân mới chiêu tập, không đánh mà tan. Vua bèn đi về miền Tây, tạm đóng ở Nghệ An. Đại chi châu châu Hóa là Đặng Tất nghe tin giết chết quan nhà Minh đem quân đến họp với vua, tiến con gái sung vào hậu cung. Vua phong Tất làm quốc công, cùng nhau mưu việc khôi phục.

Được Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân giúp sức, quân Trần đánh thắng quân Minh và các "Ngụy quan" (quan lại người Việt cộng tác với quân Minh) nhiều trận, giải phóng một vùng rộng lớn từ Thanh Hoá vào tới Thuận Hoá.

Trận Bô Cô

Tháng Chạp năm Mậu Tý (1408), Giản Định Đế hội tất cả quân Thuận Hóa, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hóa, rồi tiến ra đánh Đông Đô. Quân ra đến Trường An (Ninh Bình) thì các quan thuộc và những kẻ hào kiệt ở các nơi ra theo nhiều lắm.

Quân nhà Minh đem tin ấy về báo cho vua Minh Thành Tổ Chu Đệ biết. Chu Đệ sai Mộc Thạnh đem 40.000 quân ở Vân Nam sang đánh. Quân Minh cũng điều động 20.000 thủy quân tại Trung Quốc sẵn sàng sang tiếp chiến. Thêm vào đó, tiếp vận sứ Minh là Sun Quan từ Quảng Đông sang với 10.000 quân vận tải cũng được tạm thời trưng dụng để tham gia phòng vệ. Các đội quân thổ binh cơ động bản xứ, đông tới 2000 người, cũng được điều động để kịp thời ứng cứu những nơi nguy cấp. Mộc Thạnh cùng với quan đô chưởng là Lữ Nghị vào đến bến Bô Cô (thuộc xã Hiếu Cổ, huyện Phong Doanh) thì gặp quân Hậu Trần. Hai bên giao chiến, Giản Định Đế tự cầm trống thúc quân, tướng sĩ ai nấy hết sức xung phong, phá tan được quân nhà Minh, chém được Lữ Nghị ở trận tiền và đuổi Mộc Thạnh về đến thành Cổ Lộng (thành nhà Minh xây tại khu vực ngày nay là làng Bình Cách, huyện Ý Yên).

Bấy giờ Giản Định Đế muốn thừa thắng đánh tràn ra để lấy lại Đông Quan (tức Đông Đô, Hà Nội). Nhưng Đặng Tất ngăn lại, muốn để đợi quân các lộ về hội đông đủ, rồi sẽ ra đánh. Từ đó vua tôi không được hòa thuận. Giản Định Đế lại nghe người nói gièm, cho rằng Tất không muốn giải phóng Đông Quan vì có "ý khác". Vì vậy tháng 3 năm 1409, Giản Định Đế bắt Đặng Tất và quan tham mưu là Nguyễn Cảnh Chân đem giết đi, thành ra lòng người ai cũng chán nản, không có lòng giúp nữa.

Chia rẽ nội bộ

Tháng 3 âm lịch năm 1409, sau khi Giản Định Đế giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân thì các con của hai ông là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bỏ đi, đón Trần Quý Khoáng (cháu nội Trần Nghệ Tông và gọi Giản Định Đế là chú) ra làm vua tại Chi La, Nghệ An, tức là Trùng Quang Đế. Để tránh tình trạng phân tán lực lượng, Trùng Quang Đế sai tướng Nguyễn Suý mang quân đánh úp bắt Giản Định đế về, tôn làm thái thượng hoàng.

Tuy được ngồi ở ngôi cao nhưng Giản Định Đế không bằng lòng bị quản chế và nhất là đã gây bất hòa với hai tướng chủ chốt họ Đặng, họ Nguyễn. Cuối năm 1409, nhân khi vua và thượng hoàng chia quân làm hai cánh đi đánh quân Minh, ông mang lực lượng bản bộ gồm những người thân tín tự trốn khỏi quân Trung Quang Đế, muốn khôi phục cơ đồ riêng thì bị quân Minh bắt được và sau đó bị giết. Các nhà sử học cho rằng Trần Ngỗi thất bại do vua không có tài dẹp loạn, lại giết bỏ người giúp mình, tự chuốc lấy diệt vong, chẳng phải vì không may. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Vua may thoát khỏi vòng vây hãm nguy hiểm, cầu người cứu giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân giỏi tài mưu lược, đủ để lập được công khôi phục, dựng được nghiệp trung hưng. Với trận thắng Bô Cô, thế nước lại nổi. Thế mà nghe lời gièm pha ly gián của bọn hoạn quan, một lúc giết hại hai người bề tôi phò tá mình, thì làm sao nên việc được!"

Quân Minh phản công

Quân Minh sau trận đại bại ở Bô Cô, Mộc Thạnh phải chạy về cố thủ ở thành Đông Quan. Tháng 7 năm 1409, Thượng hoàng Trần Ngỗi và vua Trùng Quang chia quân hai đường đánh quân Minh. Thượng hoàng đóng ở Hạ Hồng (Ninh Giang), Trùng Quang đế đóng ở Bình Than. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh.

Được tinh Mộc Thạnh thất trận, nhà Minh điều Trương Phụ mang 47.000 quân sang cứu viện, thế quân Minh lại lên. Trần Ngỗi bỏ thuyền lên bờ, chạy về trấn Thiên Quan. Trùng Quang đế ngờ thượng hoàng có ý tách lực lượng riêng nên sai Nguyễn Suý đuổi theo nhưng không kịp. Trương Phụ mang quân đuổi theo bắt được Trần Ngỗi và thái bảo Trần Hy Cát, sai giải về Kim Lăng (Trung Quốc) và sát hại.

Tháng 8, Trùng Quang Đế cầm cự với Trương Phụ ở Bình Than. Vua lệnh cho Đặng Dung giữ cửa Hàm Tử. Bấy giờ lương thực rất thiếu thốn, Đặng Dung chia quân đi gặt lúa sớm để cấp cho quân. Quân Minh dò biết, dùng thủy quân đánh cửa Hàm Tử, quân của Dung tan vỡ. Minh sử ghi lại Trương Phụ đánh với 20.000 quân Hậu Trần có 600 thuyền chiến, giết hơn 3.000 người, số bị chết đuối "vô số", và bắt được hơn 400 thuyền chiến.

Sau khi bắt được Trần Ngỗi, quân Minh cho rằng việc bình định đã gần hoàn thành, nên Trương Phụ xin với vua Minh về nước, để Mộc Thạnh lại chỉ huy lực lượng quân Minh đã được tăng cường, đánh dẹp.

Ngày 6/9/1409, quân Minh giao chiến với quân Hậu Trần ở cửa sông Thần Đầu. Quân Hậu Trần có đến 400 chiến thuyền, tiến đánh rất hăng hái, nhưng không đọ lại được với hỏa lực quân Minh nên phải rút lui.

Quân Minh đuổi theo quân Hậu Trần, đến ngày 7/2/1410 đuổi đến châu Ngọc Ma thì thổ binh người Thái cùng voi chiến đổ ra đánh. Quân Minh dùng hỏa hổ bắn voi và quản tượng, voi hoảng sợ quay đầu chạy, quân Thái tan vỡ.

Đến ngày 12 tháng 2 năm 1410, quân Minh lại giao chiến với 2 vạn quân Hậu Trần tại Đông Hồ, giết 4.500 người và bắt làm tù binh 2000 người, quân nhà Trần thua phải chạy về Nghệ An.

Dù rằng bị đánh lui về phía nam, nhưng lực lượng nhà Trần tiếp tục hoạt động và kiểm soát từ Nghệ An trở vào, nhà Minh liên tục phải điều động quân từ Quảng Tây sang tiếp viện cho Mộc Thạnh. Đầu năm 1411, vua Minh lại điều Trương Phụ dẫn 24.000 quân sang tiếp việc cho Mộc Thạnh để đánh dẹp nhà Hậu Trần. Quân Minh tiến về phía nam, đường thủy do Trương Phụ, đường bộ do Mộc Thạnh chỉ huy, định đánh kẹp quân nhà Trần lại tại các căn cứ dọc các cửa sông đổ ra biển.

Tháng 6 năm 1412, Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân đánh vào Nghệ An, gặp Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung ở Mô Độ. Hai bên liều chết đánh nhau chưa phân thắng bại, thì Súy và Cảnh Dị vượt biển chạy, Hồ Bối bỏ thuyền lên bờ. Đặng Dung thế cô, không có cứu viện, liền đi thuyền nhẹ vượt biển trốn đi.

Tháng 4 năm 1413, Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An. Trùng Quang Đế rút lui về Hóa Châu.

Như vậy, từ chỗ áp sát thành Đông Quan, quân Hậu Trần dần dần yếu thế phải lui binh về phía nam trước sự tham chiến của đạo quân viện binh hùng hậu và viên danh tướng Trương Phụ. Hóa châu mà mảnh đất cố thủ cuối cùng của quân Hậu Trần.

Hóa Châu thất thủ

Tháng 6 năm Quí Tỵ (1413) quân Trương Phụ vào đến Nghệ An, quan Thái phó nhà Hậu Trần là Phan Quí Hữu ra hàng, được mấy hôm thì mất. Trương Phụ cho con Quí Hữu là Phan Liêu làm tri phủ Nghệ An. Phan Liêu muốn tâng công, nên nói cho Phụ biết Trần Quý Khoáng có bao nhiêu tướng tá người nào giỏi, người nào dở, quân số nhiều ít, sơn xuyên chỗ hiểm, chỗ không thế nào.

Trương Phụ bèn quyết ý vào Hóa Châu, và hội chư tướng lại để bàn kế tiến binh. Mộc Thạnh nói rằng: "Hóa Châu núi cao bể rộng khó lấy lắm". Trương Phụ nhất định vào đánh cho được, nói rằng: "Ta sống cũng ở đất Hóa Châu này, mà chết cũng ở đất Hóa Châu này. Hóa Châu mà không lấy được thì không mặt mũi nào về trông thấy chúa thượng!". Lập tức truyền cho quân thủy bộ tiến vào đánh Hóa Châu.

Tháng 9 năm 1413, quân Trương Phụ vào đến Hóa châu, Nguyễn Suý và Đặng Dung nửa đêm đem quân đến đánh trại Trương Phụ. Đặng Dung đã vào được thuyền của Trương Phụ định bắt sống nhưng không biết mặt, vì thế Trương Phụ mới nhảy xuống sông lấy thuyền nhỏ mà chạy thoát được. Bấy giờ quân Hậu Trần còn rất ít, Trương Phụ thấy vậy đem binh đánh úp lại, bọn Đặng Dung địch không nổi phải bỏ chạy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: "Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy, đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không?. Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!"

Vua tôi tử tiết

Nguyễn Cảnh Dị thua trận bị Trương Phụ bắt, ông mắng Phụ rồi bị giết.

Từ khi thua trận đó, Trùng Quang Đế thế quá yếu không thể chống với quân Minh được nữa, phải vào ẩn núp ở trong rừng núi. Chẳng được bao lâu vua Trần và các tướng đều bị bắt và bị giải về Yên Kinh cả. Đi đến giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống biển tự tử, Đặng Dung cũng tự sát. Nguyễn Súy tìm làm thân với viên quan áp giải mình, được cùng người đó đánh cờ. Nhân thời cơ thuận lợi, Nguyễn Suý cầm bàn cờ đập chết viên áp giải rồi mới nhảy xuống sông tự vẫn.

Toàn bộ vua tôi nhà Hậu Trần cuối cùng đều tử tiết oanh liệt chứ không đầu hàng quân Minh. Còn tên hàng tướng bày mưu cho quân Minh là Phan Liêu về sau đã bị quân khởi nghĩa của Lê Lợi giết chết. Ngô Sĩ Liên ca ngợi: "Than ôi, người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghĩa không có tội gì, mà để lại tiếng thơm mãi mãi, còn bọn bất trung phản quốc, không khỏi tránh khỏi chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế."

Nhà Hậu Trần chỉ truyền được 2 đời, tổng cộng 7 năm. Tính cả nhà Trần trước đây thì tổng số có 14 vua Trần.

Các vua nhà Hậu Trần

  1. Giản Định Đế 

  2. Trùng Quang Đế 

Các tướng nhà Hậu Trần

-  Đặng Tất

-  Nguyễn Cảnh Chân

-  Đặng Dung

-  Nguyễn Cảnh Dị

-  Nguyễn Suý

-  Nguyễn Biểu

Nhà Hậu Trần trên văn hóa đương đại

Trùng Quang tâm sử là một phim truyền hình của đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) nói về thời kỳ này, dựa theo tác phẩm cùng tên của Phan Bội Châu.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, trong bộ phim đã lầm lẫn nhân vật tướng Nguyễn Suý của nhà Hậu Trần và nhân vật Nguyễn Xí, sau trở thành công thần khai quốc nhà Hậu Lê.

Tản Đà đã làm bài thơ Đời Hậu Trần như sau:

Núi Thiên Cầm trời bắt đôi Hồ
Quan lại Minh sang giữ bản đồ
Muông rừng trai bể mắc tai vạ
Người chết không chôn, kẻ sống lo:
Nghệ An, Mô Độ ai gây nhóm?
Giản Định, Trùng Quang lại có vua
Mật giặc vỡ tan thành Cổ Lộng
Máu thù lai láng bến Bô Cô.
Liều gan cố chết bấy nhiêu phen
Các vị tướng thần ai bực nhất?
Ông Nguyễn Cảnh Dị bố là Chân
Cùng ông Đặng Dung bố là Tất.
Quân cơ sau trước nối nhau thay
Hai bố, hai con một dạ sắt.
Khí thiêng đúc lại bốn anh hào
Trời có thương Trần chưa vội mất.
Tiếc cho trận đêm cửa Sái Đà
Nhầm để con kình lọt lưới ra
Nước nhà giao lại cho quân giặc
Sự nghiệp này thôi đến Lão Qua
Sông dài sóng cả, con thuyền ngược
Vua tôi theo trót với sơn hà
Nghìn thu thơm để nước Nam Việt
Mười ba năm nối vận Đông A.

                                                                                                                                                   [quay lại]

Tổng số thành viên: 19602
Thành viên mới nhất: Vũ ngọc khánh
Đang trực tuyến: 6
Lượt truy cập: 4326418