Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương IX. NHÀ HỒ (1400 - 1407) - Chiến tranh Minh-Đại Ngu (1406 - 1407)
 18/11/2014 18:42


CHIẾN TRANH MINH - ĐẠI NGU


Chiến tranh Minh-Đại Ngu
, hay thường được giới sử học Việt Nam gọi là Cuộc xâm lược của nhà Minh 1406-1407, là cuộc chiến của nhà Hồ nước Đại Ngu chống cuộc xâm chiếm của nhà Minh dưới triều Minh Thành Tổ.

Hoàn cảnh

Cuối thế kỷ 14, nhà Trần kể từ vua Trần Dụ Tông cai trị nước Đại Việt suy yếu nghiêm trọng. Nước Chiêm Thành nhỏ bé phía nam nhiều lần tấn công, cướp phá kinh thành Thăng Long, nhà Trần không ngăn cản được.

Trong khi đó nhà Minh ở phương bắc trong thời kỳ mới thành lập, đánh đuổi được người Mông Cổ về Mạc Bắc, thế lực hùng mạnh. Ngay sau cái chết của vua Trần Duệ Tông tại đất Chiêm Thành cùng thất bại nặng nề tại chiến trường phía nam của nhà Trần năm 1377, Minh Thái Tổ đã có ý định nhân cơ hội đó xâm chiếm Đại Việt. Tuy nhiên, vì lời can đạo lý của thái sư Lý Thiện Trường, vua Minh tạm thôi ý định nam tiến.

Tuy chưa đánh Đại Việt nhưng trong nhiều năm kể từ năm 1384, nhà Minh nhiều lần ra yêu sách đòi nhà Trần cống nạp, như cung cấp người giỏi, nhà sư, giống cây hoặc giúp quân, lương thực, voi chiến để đánh người Man ở biên giới Trung Quốc. Do đang bị vướng vào cuộc chiến dữ dội với Chiêm Thành phía nam, nhà Trần phải đáp ứng những yêu sách đó để yên biên giới phía bắc.

Năm 1400, Hồ Quý Ly giành ngôi nhà Trần, không lâu sau nhường ngôi cho con là Hồ Hán Thương để lên làm thượng hoàng. Nhà Minh tiếp tục ra yêu sách khiến Hồ Hán Thương phải rất vất vả cung ứng. Tuy nhiên, nhà Minh vẫn không thôi ý định đánh chiếm nước Đại Ngu để biến trở thành quận huyện như các thời Bắc thuộc trước đây.

Hoạt động trước cuộc chiến của hai bên

Do thám

Từ năm 1403, nhà Minh sai những người bị nhà Trần mang cống nạp sang phương Bắc trước đây, vốn thông thạo đường xá ở Đại Ngu, như Nguyễn Toán, Từ Cá, Nguyễn Tông Đạo trở về do thám tình hình và chuẩn bị làm nội ứng. Họ bí mật dặn người nhà:

Nếu có quân phương bắc sang thì dựng cờ vàng và nhận là người thân của nội quan có họ tên mỗ… thì sẽ không bị giết hại

Tuy nhiên việc này bị nhà Hồ phát hiện và bắt giết hết các thân thuộc của mấy người do thám cho nhà Minh.

Mặt trận phía nam

Trong khi bị nhà Minh uy hiếp ở phía Bắc, nhà Hồ liên tục mở mặt trận phía nam để mở rộng đất đai từ Chiêm Thành. Sau khi buộc vua Chiêm dâng Chiêm Động và Cổ Luỹ để lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa vào năm 1402, sang năm 1403, Hồ Hán Thương lại tiếp tục đánh Chiêm. Tướng Phạm Nguyên Khôi nhanh chóng tiến đến bao vây kinh thành Chà Bàn của Chiêm Thành. Trong tình thế nguy cấp, vua Chiêm bèn sai sứ cầu cứu nhà Minh. Minh Thành Tổ điều 9 thuyền chiến vượt biển sang cứu Chiêm.

Phạm Nguyên Khôi vây hãm Chà Bàn trong 9 tháng nhưng không hạ được. Quân Đại Ngu hết lương, đành phải rút về. Quân nhà Hồ về nửa đường gặp quân Minh ngoài biển. Tướng Minh sai người nói với Nguyên Khôi "nên rút quân về ngay, không nên ở lại". Nguyên Khôi không giao chiến với quân Minh mà rút về nước, bị Hồ Quý Ly trách sao không giết hết thủy quân nhà Minh.

Đất vùng biên

Năm 1404, thổ quan châu Tư Minh của nhà Minh là Hoàng Quảng Thành tâu với vua Minh Thành Tổ (Chu Đệ) rằng Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh. Minh Thành Tổ sai người sang Đại Ngu đòi trả lại đất Lộc Châu cho châu Tư Minh, nhưng Hồ Quý Ly không nghe.

Năm 1405, Chu Đệ lại sai sứ thần sang đòi, Quý Ly không thể từ chối, bèn sai Hoàng Hối Khanh sung làm Cát địa sứ để giao đất. Hối Khanh đem đất 59 thôn ở Cổ Lâu trả cho nhà Minh. Khi Hối Khanh trở về, Hồ Quý Ly quở trách đã trả đất quá nhiều.

Sau đó, những thổ quan do nhà Minh đặt ra để giữ đất mới nhượng ấy, Quý Ly ngầm sai người bản thổ đánh thuốc độc cho chết. Tuy nhiên theo tội thứ 12 trong hịch kể tội của nhà Minh, nhà Hồ cho xâm chiếm châu Lu (Lộc châu?), Xi-ping châu (Tây Bình châu?) và trại Yong-ping thuộc châu Tư Minh, và khi nhà Minh cho người đòi lại, nhà Hồ chỉ trả lại chưa đến 2, 3 phần 10 vùng đất đã chiếm.

Con bài Trần Thiêm Bình

Sau khi cuộc chiến Việt-Chiêm tạm lắng cuối thời Trần, nhiều thổ hào ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa và các tướng từng theo Chiêm Thành đều bị hạ lệnh bắt để trị tội. Trong số đó có một người là Trần Tông. Một người gia nô của Trần Tông là Trần Khang trốn sang Lào, đổi tên là Thiêm Bình.

Đến năm 1400, nhân sự kiện Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lập ra nhà Hồ, Khang mạo xưng là con của Trần Nghệ Tông, chạy sang Trung Quốc cầu viện nhà Minh đánh báo thù.

Năm 1404, nhà Minh sai Lý Ỷ sang hỏi nhà Hồ về việc Trần Thiêm Bình. Lý Ỷ đến công quán sai người do thám tình hình Đại Ngu. Khi Lý Ỷ trở về, Hồ Quý Ly mới phát hiện ý đồ do thám, bèn sai Phạm Lục Tài đuổi theo giết đi, nhưng đến Lạng Sơn thì Ỷ đã ra khỏi biên giới. Lý Ỷ đi thoát về Trung Quốc, tâu với Minh Thành Tổ rằng họ Hồ xưng đế và ngạo mạn.

Sau khi Lý Ỷ về, Hồ Hán Thương sai Nguyễn Cảnh Chân dâng biểu tạ tội và xin rước Trần Thiêm Bình về nước và tôn làm chúa. Minh Thành Tổ hứa phong cho Hán Thương một quận lớn nếu chịu quy phục.

Chuẩn bị lực lượng của hai bên

Nhà Minh

Để chuẩn bị lực lượng đánh Đại Ngu, Minh Thành Tổ cho điều động lực lượng từ Nam Kinh, theo đường thủy xuống hội binh với các lực lượng đang tập trung tại Quảng Tây, gồm 95.000 quân từ các tỉnh Triết Giang, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Quảng, cộng với 10.000 kỵ binh và bộ binh từ các đơn vị cấm binh, 30.000 thổ binh từ Quảng Tây. Nhà Minh cũng huy động chuẩn bị tác chiến 75.000 quân kỵ binh và bộ binh từ Vân Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên. Các xứ Vân Nam và Quảng Tây được lệnh mỗi xứ phải chuẩn bị 20 vạn thạch lương (một thạch khoảng 60 kg) cung ứng cho quân. Vân Nam cũng được lệnh huy động 10.000 quân tiếp viện. Có khoảng một phần mười binh lính Minh được trang bị hỏa khí. Nhà Minh phao tin quân viễn chinh được điều động lên đến 80 vạn quân, nhưng theo Whitmore, có lẽ quân Minh thực tế khoảng 215.000 quân. Quân Minh khi sang đến Đại Ngu cũng đóng thuyền chiến để chuẩn bị đánh đường thủy. Với danh nghĩa "phù Trần diệt Hồ", Quân Minh cũng được hỗ trợ bởi một số lực lượng người Việt giúp đỡ, như Đèo Cát Hãn, thổ ty châu Ninh Viễn (nay là Lai Châu) xin dẫn 4.000 bộ thuộc theo đánh giúp. Nhà Minh còn mang vàng bạc, lụa gấm vào Champa dụ Champa giúp sức, và hạ lệnh đưa 600 quân tinh nhuệ từ Quảng Đông vượt biển vào Champa để chặn đường vua tôi nhà Hồ bỏ chạy.

Nhà Minh phao tin đạo quân viễn chinh đông tới 80 vạn người, nhưng có lẽ đây chỉ là con số phóng đại để khuếch trương thanh thế, vì theo số liệu năm 1392, tổng binh lực nhà Minh gồm 16.489 chỉ huy, 1.198.434 binh sỹ và 45.080 ngựa, khó có thể huy động đến 2/3 lực lượng chỉ để dồn vào chiến trường An Nam, trong khi vẫn phải lo đến vấn đề nội loạn và phòng giữ phía bắc.

Nhà Hồ

Trước nguy cơ bị quân Minh sang đánh, nhà Hồ tăng cường phòng thủ chuẩn bị đối phó.

  - Lực lượng:

Hồ Hán Thương điều động thêm quân trong nước. Tháng 9 năm 1404, ông định ra Nam ban và Bắc ban, chia làm 12 vệ; quân Điện hậu đông và quân Điện hậu tây chia làm 8 vệ; mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người. Đại quân thì 30 đội, trung quân 20 đội, mỗi dinh 15 đội, mỗi đoàn 10 đội; Cấm vệ đô có 5 đội. Tất cả chịu sự chỉ huy của Đại tướng quân.

  - Vũ khí:

Nhà Hồ bí mật cho đóng chiến thuyền. Năm 1404, Hồ Hán Thương cho làm thuyền đinh sắt để phòng quân Minh, lấy tiếng là tàu tải lương. Tháng 6 năm 1404, Hồ Hán Thương đặt 4 kho quân khí, lấy người giỏi bất kể là quan hay dân vào làm việc.

  - Phòng thủ nơi hiểm yếu:

Nhà Hồ chú trọng phòng thủ dọc sông Cái, sông Thao, sông Đà, cho dựng rào gỗ dọc sông. Tại các cửa biển cũng cho đóng cọc gỗ để phòng bị tấn công. Nhà Hồ tập trung đắp thành Đa Bang[15] vì dự tính đây là điểm xung yếu nhất khi có chiến sự. Hệ thống rào gỗ và thành liền nhau hơn 900 dặm. Tháng 9 năm 1405, Hồ Hán Thương còn sai đóng cọc giữ cửa sông Bạch Hạc để ngăn quân địch tiến đến theo đường Tuyên Quang. Đích thân thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng Hồ Hán Thương đi xem xét núi sông và cửa biển để phòng nơi hiểm yếu.

Đồng thời nhà Hồ còn lệnh cho dân các lộ phía bắc thực thi kế "vườn không nhà trống", nhỏ bỏ hết lúa khi quân Minh kéo sang để làm tuyệt lương địch.

  - Ngoại giao:

Dù tăng cường phòng thủ, nhà Hồ vẫn sai sứ sang xin giảng hoà để tránh việc binh đao. Tháng 7 năm 1405, nhà Hồ sai Phạm Canh và Lưu Quang Đình đi sứ. Nhà Minh giữ Phạm Canh lại, cho Quang Đình về nước.

Nỗ lực ngoại giao của nhà Hồ thất bại và chiến tranh đến rất gần.

Diễn biến cuộc chiến

Kết cục của Trần Thiêm Bình

Tháng 4 năm 1406, lấy cớ đưa Trần Thiêm Bình về nước, nhà Minh sai Hàn Quan và Hoàng Trung mang 5.000 quân hộ tống để lập Trần Thiêm Bình làm vua.

Ngày 8 tháng 4 âm lịch, Hoàng Trung đánh vào cửa Lãnh Kinh[17]. Hai cánh quân thuỷ bộ nhà Hồ đụng độ với quân Minh. Quân Đại Ngu khinh địch nên bị bại trận, các tướng Phạm Nguyên Khôi, Chu Bỉnh Trung, Trần Nguyên Huyên, Trần Thái Bộc tử trận. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng xuống thuyền đi thoát.

Nhưng đúng lúc đó, tướng Hồ Vấn mang quân từ Vũ Cao (Bắc Giang) đánh úp quân Minh. Hoàng Trung không chống nổi, đến đêm bèn rút quân về. Song các tướng Đại Ngu là Hồ Xạ và Trần Đĩnh mang quân đóng chặn ở ải Chi Lăng. Quân Minh bị mất đường về, buộc phải chấp nhận giao nộp Trần Thiêm Bình và sai Cao Cảnh đưa hàng thư, đề nghị mở đường cho về nước:

"Quan tổng binh Hoàng sai tiểu nhân tới đây trình bày ngài biết việc này: Trước vì Thiêm Bình chạy sang triều đình tâu rằng hắn chính là con của quốc vương An Nam, vì thế mới sai đại binh sang chiêu dụ. Không ngờ trăm họ xứ này đều không phục, rõ ràng là hắn nói bậy. Nay lui quan quân về tâu với triều đình thì bị quan ải dọc đường ngăn giữ, nghẽn lối không qua được. Nay đem Thiêm Bình tới nộp, xin thả cho đi thì may lắm".

Hồ Xạ nhận hàng thư bằng lòng nhận Thiêm Bình và mở vòng vây cho quân Minh rút lui. Quân Đại Ngu bắt được nhiều tù binh, đưa vào Nghệ An cho làm ruộng. Trần Thiêm Bình bị mang về xử lăng trì.

Đại quân Minh tiến sang

Dù thắng trận, nhà Hồ không chủ quan mà dự đoán quân Minh còn kéo sang đánh nữa. Hồ Hán Thương tiếp tục sai củng cố phòng tuyến Đa Bang dọc các bờ sông. Mặt khác, nhà Hồ cho đoàn sứ gồm Trần Cung Túc, Mai Tú Phu sang nhà Minh xin giảng hoà, biện minh việc Thiêm Bình giả mạo. Nhưng đoàn sứ Đại Ngu bị nhà Minh bắt giam toàn bộ.

Tháng 9 năm ấy, nhà Minh sai Trương Phụ, Trần Húc, đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Pha Lũy (cửa khẩu Hữu Nghị ngày nay), Mộc Thạnh, Lý Bân cũng đem 40 vạn quân đánh vào cửa ải Phú Lệnh (gần thị xã Hà Giang ngày nay), hai đạo quân tổng cộng là 80 vạn.

Tháng 10, quân Minh hội ở sông Bạch Hạc, bày doanh trại bờ bắc sông Cái, đến tận Chú Giang.

Nhà Hồ bố trí quân ở sông Hồng theo sự chỉ huy của Hồ Nguyên Trừng, quân ở sông Chú theo sự chỉ huy của Hồ Đỗ. Trên bờ, quân bộ và voi đóng đối diện doanh trại quân Minh.

Trương Phụ và Mộc Thạnh dùng danh nghĩa "Phù Trần diệt Hồ", viết bảng văn kể tội nhà Hồ và tìm con cháu nhà Trần để phục vị, cho thả theo dòng sông. Nội dung bảng văn kể 22 tội của Hồ Quý Ly, gồm có 8 nội dung lớn:

1. Cướp ngôi, giết vua và tông thất nhà Trần (2 tội)
2. Coi nước và nhân dân như thù địch (3 tội)
3. Tự tiện đổi họ Lê sang họ Hồ (1 tội)
4. Lừa gạt triều đình nhà Minh (trong vụ Trần Thiêm Bình) (3 tội)
5. Đánh chiếm và khống chế vùng Tư Minh, Ninh Viễn (5 tội)
6. Đánh Chiêm Thành là nước đã thần phục nhà Minh (6 tội)
7. Không theo lịch Trung Quốc, tự đổi tên nước (1 tội)
8. Khinh nhờn, không kính trọng nhà Minh (1 tội)

Quân nhà Hồ trông thấy bảng văn, lại thấy chính sự nhà Hồ chưa được lòng dân nên không có lòng chống quân Minh. Các tướng Mạc Thúy, Nguyễn Huân đem 10.000 quân ra hàng quân Minh và được phong chức.

Ngày 2 tháng 12 âm lịch, người Minh chiếm được Việt Trì, bờ sông Mộc Hoàn và chỗ đóng cọc ở sông Bạch Hạc. Tướng chỉ huy quân Tả Thánh Dực là Hồ Xạ không giữ nổi, phải dời hàng trận sang phía nam sông Cái. Đêm mồng 7 tháng 12 âm lịch, quân Minh tiến ra bãi sông Thiên Mạc bị tướng nhà Hồ là Trần Đĩnh đánh bại.

Trận Mộc Hoàn

Sau thất bại ở Thiên Mạc, quân Minh chấn chỉnh lại đội ngũ, đánh được hai mặt sông Thao và sông Tuyên, đóng quân ở bờ bắc sông Thao, đối diện với thành Đa Bang.

Đêm mồng 9 tháng 12 âm lịch, quân Minh đánh úp quân Hồ ở bãi Mộc Hoàn. Tướng Đại Ngu là Nguyễn Công Khôi mải nữ sắc không phòng bị, thuyền bị đốt gần hết. Các cánh thuỷ quân bên trên và bên dưới của nhà Hồ đều không đến cứu ứng. Quân Minh vượt sông làm cầu phao.

Trận Đa Bang

Trương Phụ và Mộc Thạnh thấy các bãi sông đều có rào cọc chắn không tiến được, lại biết nhà Hồ chỉ trông vào thành Đa Bang để phòng thủ, nên tập trung tấn công thành này làm bước quyết định cục diện mặt trận.

Ngày 12 tháng 12 âm lịch, quân Minh nhân đêm tối đánh úp thành: Trương Phụ và Hoàng Trung đánh góc tây bắc, Mộc Thạnh và Trần Tuấn đánh mặt đông nam. Cánh Mộc Thạnh dùng thang mây đánh lên mặt thành, quân bị giết xác chất cao nhưng vẫn không ngừng tấn công. Tướng nhà Hồ là Nguyễn Tông Đỗ đục thành lùa voi ra đánh.

Biết voi sợ sư tử, quân Minh vẽ hình sư tử trùm lên đầu ngựa và bắn tên lửa khiến voi sợ phải thụt vào trong. Quân Minh đuổi theo hút vào trong thành, quân nhà Hồ thua to, các tướng nhà Hồ là Liang Min-xian and Cai Bo-le tử trận. Quân Minh đánh chiếm được thành Đa Bang cùng 12 voi chiến và vô số binh khí.

Quân Đại Ngu rút lui

Sau khi thành mất, các cánh quân nhà Hồ dọc sông đều tan vỡ, lui về giữ Hoàng Giang. Trương Phụ tiến đến sông Phú Lương, quân nhà Hồ chặn giữ. Trương Phụ chưa biết tính ra sao thì hàng tướng người Việt là Mạc Thuý và Đặng Nguyên vẽ bản đồ địa hình xin làm hướng đạo.

Ngày 13 tháng 12 âm lịch, được sự chỉ đường của Mạc Thuý, quân Minh dọc sông Phú Lương tiến xuống, đốt phá rào gỗ. Ngày 14 âm lịch, quân Minh đánh vào Đông Đô (Hà Nội), cướp được của cải và lương thực, đặt quan cai trị. Biết cơ sở chính của nhà Hồ ở Tây Đô, quân Minh theo đường sông Phú Lương tiến đánh.

Ngày 20 tháng 2 âm lịch năm 1407, Hồ Nguyên Trừng tiến quân đến sông Lỗ. Hai bên đụng độ nhau ở 2 bờ sông. Theo Minh sử, quân Hồ có 500 chiến thuyền, còn quân Minh đánh theo cả hai đường thủy bộ. Kết quả Quân Đại Ngu bị thua, mất 100 thuyền chiến và 10.000 binh lính, phải lui về Muộn Hải. Quân Minh bắt được hơn trăm người, trong đó có các tướng nhà Hồ và đem ra chém hết. Thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng Hồ Hán Thương lui về Tây Đô.

Trong khi đó Hồ Xạ và Hồ Đỗ không giữ đựơc Bình Than, chạy qua cửa Thái Bình đến Muộn Hải hợp binh với Hồ Nguyên Trừng. Các tướng cùng đắp luỹ, đúc súng, huy động nhân lực ra mặt trận. Tuy nhiên, quân Minh đuổi đánh đến nơi, quân Đại Ngu phải lui về cửa biển Đại An.

Quân Minh sau một thời gian giao chiến phát sinh bệnh tật, cửa Muộn Hải ẩm thấp nên Trương Phụ phải mang quân ra đóng ở Hàm Tử.

Trận Hàm Tử

Hồ Nguyên Trừng cùng Hồ Đỗ, Đỗ Mãn dời đến Hoàng Giang, sai người đón thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng vua Hồ Hán Thương ra; sau đó cùng Hồ Xạ, Trần Đĩnh hợp quân thuỷ và quân bộ tiến lên cửa Hàm Tử đánh quân Minh. Quân Đại Ngu có tổng cộng 7 vạn, nói thăng lên 21 vạn.

Ngày 30 tháng 3 âm lịch năm 1407, quân Đại Ngu tập kết ở Hàm Tử. Hồ Xạ và Trần Đĩnh lĩnh quân bộ ở bờ sông phía nam; Đỗ Nhân Giám và Trần Khắc Trang lĩnh quân bộ ở bờ bắc sông; Nguyễn Công Chửng lãnh 100 chiến thuyền làm tiên phong.

Quân Minh chia 2 mặt thuỷ bộ. đặt phục binh đón đánh. Hồ Xạ đoán quân Minh có mai phục, không chịu tiến quân. Hồ Đỗ sai người đến trách Hồ Xạ vì sao không đánh giặc.

Hồ Xạ bất đắc dĩ phải tiến đánh, quân Đại Ngu bị thua. An phủ sứ Bắc Giang là Nguyễn Hy Chu bị Trương Phụ bắt sống, Hy Chu chửi Phụ là giặc tàn bạo, bị Phụ giết.

Quân Đại Ngu thua to; tướng Hồ Xạ tử trận, quân bộ hai bên bờ sông bị dồn xuống sông chết, quân thuỷ chạy thoát nhưng các chiến thuyền chở lương đều bị chìm, chết đuối gần hết. Minh sử ghi rằng hàng chục ngàn quân nhà Hồ bị chém đầu, nước sông đỏ máu.

Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương cùng các tướng bỏ chạy về Tây Đô.

Đại Ngu thất bại

Cha con Hồ Quý Ly thua chạy vào nam, bị quân Minh đuổi gấp, định dùng hậu phương mới chiếm được từ Chiêm Thành để kháng cự, bèn viết thư cho Hoàng Hối Khanh đang trấn thủ Thăng Hoa, sai lấy một phần ba số dân Việt di cư khi trước mới đến khẩn hoang ở Thăng Hoa, gộp với quân lính địa phương làm quân "cần vương" giao cho Nguyễn Lỗ, lại phong cho hoàng tử nước Chiêm cũ là Chế Ma Nô Đà Nan làm Thăng Hoa quận vương để vỗ về dân Chiêm tại đây.

Tuy nhiên, vua Chiêm Thành là Ba Đích Lại nhân lúc Đại Ngu bị quân Minh đánh bại cũng cất quân bắc tiến, lần lượt chiếm lại vùng đất vốn bị nhà Hồ chiếm năm 1402. Quân Chiêm đánh chiếm châu Tư, Nghĩa và tiến lên đánh Thăng, Hoa. Dân bản địa phủ Thăng Hoa tan rã bỏ chạy, Chế Ma Nô Đà Nan tử trận, Hoàng Hối Khanh không chống nổi quân Chiêm phải rút về Hoá châu.

Ngày 23 tháng 4 âm lịch, quân Minh đánh vào Lỗi Giang, quân nhà Hồ không đánh mà tan. Ngày 29, quân Minh đánh vào cửa biển Điển Canh, thủy quân nhà Hồ tự tan vỡ. Hai cha con họ Hồ định lánh đến Thâm Giang nhưng không thành. Tướng Nguỵ Thức xin hai cha con họ Hồ tự thiêu:

"Nước đã sắp mất, bậc vương giả không chết bởi tay kẻ khác".

Nhưng Quý Ly không nghe, nổi giận, chém chết Ngụy Thức, rồi bỏ chạy vào Tân Bình. Đến Kỳ La thuộc Tân Bình, có bô lão nói rằng đất này không lành, không nên ở, Hồ Quý Ly bèn chém chết ông lão.

Ngày 5 tháng 5 âm lịch, quân Minh đánh vào cửa biển Kỳ La (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay). Hàng tướng người Việt là Nguyễn Đại bắt được Hữu tướng quốc Hồ Quý Tỳ (em thượng hoàng Quý Ly).

Ngày 11 âm lịch (16 tháng 6), quân Minh đánh vào Vĩnh Ninh. Vương Sài Hồ bắt được Hồ Quý Ly ở ghềnh Chẩy Chẩy; Lý Bân bắt được Hồ Nguyên Trừng ở cửa biển Kỳ La.

Ngày 12 âm lịch (17 tháng 6), bộ tướng của Mạc Thuý là Nguyễn Như Khanh bắt được Hồ Hán Thương và thái tử Hồ Nhuế ở núi Cao Vọng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh).

Nhà Hồ hoàn toàn thất bại.

Kết quả

Trong các tướng nhà Hồ, Hồ Xạ và Đỗ Nhân Giám tử trận, Lê Cảnh Kỳ tuyệt thực mà chết, Kiều Biểu và Ngô Miễn nhảy xuống sông tự vẫn. Số còn lại các đại thần Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Cần, Đỗ Mãn, Trần Nhật Chiêu, Hồ Đỗ, Phạm Lục Tài, Nguyễn Ngạn Quang, Đoàn Bổng đều hàng nhà Minh.

Trương Phụ, Mộc Thạnh sai Liễu Thăng, Lỗ Lân; Trương Thăng, Du Nhượng, Lương Định, Thân Chí bắt giải Hồ Quý Ly và các con cháu cùng các tướng cùng ấn tín đến Kim Lăng.

Tháng 8 năm 1407, Trương Phụ và Mộc Thạnh đem quân về, lưu lại Lữ Nghị, Hoàng Phúc trấn giữ.

Riêng Hồ Nguyên Trừng có tài được thu dụng, còn cha con Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương bị đày ra Quảng Tây. Trong số những quan lại nhà Hồ bị bắt, vua Minh giả cho một số người làm thị lang, tham chính các nơi xa, nhưng trên đường đi sai người trừ khử.

Minh Thành Tổ đưa quân nam tiến cách gần 30 năm kể từ khi Minh Thái Tổ nảy sinh ý định đánh Đại Việt. Nhà Hồ hoàn toàn thất bại trong cuộc chiến chống xâm lược của nhà Minh bởi hai nguyên nhân chính là mất lòng dân và thiếu năng lực quân sự. Nhà Hồ và nước Đại Ngu mất chỉ sau 7 năm tồn tại. Đại Ngu trở thành quận Giao Chỉ của Trung Quốc trong vòng 20 năm.

                                                                                                                                                   [quay lại]

Tổng số thành viên: 19603
Thành viên mới nhất: trần thị mỹ tiên
Đang trực tuyến: 18
Lượt truy cập: 4350366