Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> TRẦN DỤ TÔNG (Trần Hạo; 19/10/1336 - 25/5/1369)
 12/11/2014 21:08

TRẦN DỤ TÔNG 


Trần Dụ Tông
(chữ Hán: 陳裕宗; 19 tháng 10, 1336 – 25 tháng 5, 1369), là vị hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Trần trong lịch sử Việt Nam, cai trị 28 năm, từ năm 1341 đến năm 1369.

Ông lên ngôi Hoàng đế khi còn thơ ấu, và Thái thượng hoàng Trần Minh Tông nắm mọi quyền bính, do đó đất nước ổn định. Nhưng, sau khi Thượng hoàng qua đời, Dụ Tông đích thân chấp chính và triều đại của ông đánh dấu sự mở đầu của quá trình suy yếu của Vương triều nhà Trần. Ông chỉ khoái hưởng lạc giữa lúc nền chính trị sa sút và nhân dân cùng cực đói khổ. Bên cạnh vị Hoàng đế không lo đại sự là những bề tôi luôn làm trái phép nước.

I. Thân thế

Dụ Tông hoàng đế tên thật là Trần Hạo (陳暭), là con trai thứ 10 của hoàng đế Trần Minh Tông và là em của Trần Hiến Tông. Mẹ ông là Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng hậu, con gái của Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn.

Năm 1339, khi mới 4 tuổi, ông đã bị ngã xuống nước suýt chết đuối hôm rằm trung thu. Thầy thuốc Trâu Canh (vốn gốc Hoa, có cha là ngự y của Hốt Tất Liệt) cứu sống được nhưng nói rằng hoàng tử Hạo sẽ bị liệt dương.

Năm 1341, vua anh Trần Hiến Tông qua đời khi mới 22 tuổi nhưng không có con nối dõi. Anh trưởng của ông là Cung Túc vương Trần Nguyên Dục có thái độ ngông cuồng cho nên thượng hoàng nghĩ là Dục không thể nào gánh vác việc nước và không lập cho làm hoàng đế kế nhiệm. Thượng hoàng quyết định chọn Trần Hạo, khi đó mới 10 tuổi.

Ngày 21 tháng 8, Thượng hoàng Trần Minh Tông lập Trần Hạo lên nối ngôi, tự xưng làm Dụ Hoàng (裕皇).

II. Trị vì

1. Niên hiệu Thiệu Phong

Những năm đầu những quyền bính đều do Thái thượng hoàng Minh Tông điều khiển. Bởi thế, dù có mất mùa dân đói (như hồi năm 1344 có nhiều người phải đi tu hoặc là làm gia nô cho các thế gia) nhưng việc chính trị vẫn được đánh giá là có nền nếp. Theo lệnh của Triều đình, các danh thần Trương Hán Siêu và Nguyễn Trung Ngạn đã bắt tay vào việc biên soạn các bộ "Hoàng triều đại điển" và "Hình thư".

Mùa hè tháng 4 năm 1342, anh khác mẹ của Dụ Tông là Cung Tĩnh Đại Vương Trần Nguyên Trác được phong làm Thái úy. Mùa Xuân năm Thiệu Phong thứ tư (tức là năm Giáp Thân 1344), tiên hoàng Trần Hiến Tông được mai táng tại An Lăng ở Kiến Xương. Theo lời bình của sử thần Ngô Sĩ Liên: "Thiên tử mất 7 tháng thì chôn. Ngày xưa Chu Hoàn Vương mất đến 7 năm mới chôn là vì nhà Chu khi ấy có loạn Tử Nghi và Hắc Kiên. Hiến Tông đến nay đã mất 4 năm rồi mới táng, vẫn chưa biết lý do vì sao. Có lẽ còn thượng hoàng nên phải theo lệnh chăng? Nhưng lúc ấy cũng không thấy ai đem lẽ ra bàn cãi cả." Phía tây, Ai Lao sau nhiều lần thua trận không sang cướp phá nữa. Phía bắc, nhà Nguyên đã suy yếu. Dù Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận rằng: "Vua tính rất thông tuệ, học vấn cao minh, chăm lo việc võ, sữa sang việc văn, các di thần đều phục. Đời Thiệu Phong, chính sự tốt đẹp...", nhưng thực chất là do có Thượng hoàng thu xếp mọi việc trong triều, tới khi đã lớn Trần Dụ Tông vẫn chỉ hưởng lạc không chú ý tới việc cai trị.

Một số cuộc khởi nghĩa của nông dân bùng phát như Ngô Bệ năm 1344, Tề năm 1354. Ngoài ra còn có những cuộc nổi dậy khác của người Lạng Sơn và Thái Nguyên năm 1351. Trừ cuộc nổi dậy của Ngô Bệ tới năm 1360 mới bị dẹp, các cuộc nổi dậy khác đều nhanh chóng bị trấn áp.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, về sau này, khi vua Dụ Tông đã trưởng thành, "Canh từ đấy được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang. Canh liền thông dâm với cung nữ. Việc phát giác, Thượng hoàng định bắt Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho vua nên được tha."

2. Niên hiệu Đại Trị

a. Chính sự

Năm 1357, Thượng hoàng Minh Tông mất. Khi đó Dụ Tông đã 22 tuổi, tự mình nắm quyền chính. Vào mùa hè, tháng 4 năm Đinh Dậu 1357 (niên hiệu Thiệu Phong thứ bảy), ông phong cho người anh là Trần Thiên Trạch tước Cung Tín Vương. Các cựu thần như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Mạc Đĩnh Chi đã qua đời, triều đình bắt đầu rối loạn.

Các gian thần kéo bè kết đảng lũng đoạn triều chính. Thấy triều chính hỗn loạn, danh nho Chu Văn An dâng Thất trảm sớ xin chém 7 gian thần nhưng ông không nghe, liền bỏ quan về dạy học. Các vị quan khác như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát tuy có năng lực nhưng không can gián được vua bớt hưởng lạc. Vốn Chu Văn An yêu thích núi Chí Linh nên ông về cư ngụ tại đó, chỉ khi nào có buổi thiết triều quan trọng thì mới tới kinh sư. Vua Dụ Tông muốn giao cho Chu Văn An đại quyền, thế nhưng Chu Văn An một mực khước từ không nhận. Thấy vậy, Hiến Từ Thái hoàng Thái hậu đã khuyên can nhà vua: "Ông ta là người không thể nào bắt làm tôi được, ta sai bảo thế nào được ông ta?". Và, khi nhà vua ban áo mũ cho Chu Văn An thì danh nho này chỉ đa tạ thôi chứ không nhận lấy.

Vua Dụ Tông ham chơi bời, mê đàn hát, thường sai các vương hầu và công chúa bày tiệc đóng trò hát tuồng cho vui, ai diễn hay thì được thưởng. Mặc dù phép tắc nhà Trần rất nghiêm khắc với tội đánh bạc nhưng Trần Dụ Tông lại thích trò này, chiêu tập các nhà giàu vào cung đánh bạc cùng vua. Sử cũ chép rằng có người đã xàm tấu với ông rằng Thái úy Nguyên Trác đã yểm bùa hại ông. Hoàng đế chút nữa là sát hại Nguyên Trác, nhưng Hoàng thái hậu đã can ngăn.

Trần Dụ Tông nghiện rượu, thích rủ các quan cùng uống thi. Ai uống thắng được ông thăng chức. Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo uống dối được trăm thăng, Dụ Tông tin là thật, thưởng tước hai tư để dự thăng trật.

Ông sai phu xây cất nhiều cung điện, đào hồ ở vườn trong hậu cung, trong hồ xây đá làm núi, trồng nhiều cây cỏ lạ và nuôi chim thú quý; sau đó ông lại sai làm hồ con, lệnh cho dân ra biển chở nước mặn đổ vào hồ và thả cá biển, đồi mồi vào nuôi.

Vua thích chơi bời, các quý tộc cũng hưởng ứng theo vua khiến triều đình rối nát. Bên ngoài xảy ra mất mùa trong nhiều năm. Trần Dụ Tông chỉ có các biện pháp khắc phục tạm thời như sai các nhà hào phú bỏ thóc lúa chu cấp cho người nghèo để chống đói và thưởng chức tước cho họ để trả công; ông không chú trọng việc đắp đê và làm thủy lợi để phát triển nông nghiệp lâu dài.

Phan Phu Tiên nói: Luật pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc đến như vậy, thế mà đến đời Dụ Tông lại công nhiên làm bậy, gọi là những người giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà rồi mất nước.

Bị sưu cao thuế nặng, dân trong nước oán thán, nổi lên làm loạn. Mặc dù các cuộc nổi dậy bị dẹp nhưng nhân tài vật lực trong nước bị hao tổn, kho tàng trống rỗng. Triều Trần ngày càng suy.

b. Biên giới phía nam

Do tình hình trong nước ngày càng rối ren, Chiêm Thành ở phía nam thừa cơ đánh cướp.

Tháng 3 năm 1361, quân Chiêm Thành vượt biển đến cướp dân ở cửa biển Dĩ Lý. Quân nhà Trần đánh tan quân Chiêm.

Tháng 3 năm 1362, quân Chiêm Thành lại tiến đánh Hóa Châu, bắt dân rồi rút lui. Trần Dụ Tông sai Đỗ Tử Bình duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu.

Tháng giêng năm 1365, quân Chiêm Thành tiến đến đánh úp, bắt dân Hóa Châu mang về nước. Sang tháng 3 năm 1366, quân Chiêm lại đến cướp phủ Lâm Bình. Quan phủ là Phạm A Song đánh bại được quân Chiêm. Trần Dụ Tông bèn phong cho A Song làm đại tri phủ Lâm Bình.

Tháng 6 năm 1366, Dụ tông ngự thuyền chơi đêm, khi về bị mất ấn và gươm báu. Vua biết mình không sống thọ, càng chơi bời quá độ.

Vào tháng 2 năm 1367, người Chiêm Thành sang đòi lại đất ở Hóa Châu. Cuối năm ấy, Trần dụ Tông sai Trần Thế Hưng làm chánh tướng, Đỗ Tử Bình làm phó tướng, đi đánh Chiêm Thành. Quân Trần bị quân Chiêm mai phục bắt sống Thế Hưng, còn Tử Bình trốn thoát.

Khi ấy, do thấy binh thế Đại Việt suy yếu, nên Chiêm Thành tỏ ra coi thường người Việt. Trong năm Mậu Thân (1368), họ cử sứ giả sang Đại Việt để buộc vua Trần phải cống cho đất Hóa Châu. Sử sách không chép nhiều về sự kiện này.

III. Truyền ngôi

Năm Kỷ Dậu (1369), vua Dụ Tông mất khi mới 34 tuổi. Ông làm vua tất cả 28 năm, được an táng tại Phụ Lăng.

Dụ Tông không có con kế vị. Ông không lập người trong hoàng tộc làm thái tử nối ngôi. Trước khi mất ông để lại di chiếu lập con người anh Cung Túc vương Trần Nguyên Dục là Nhật Lễ làm vua. Cung Túc Vương vốn đã qua đời vào tháng 10, Mùa Đông năm Giáp Thìn 1364, niên hiệu Đại Trị thứ bảy.

Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn về chiếu trao ngôi đại thống cho Nhật Lễ của Dụ Tông như sau: "Dụ Tông bị ngã xuống nước mà bệnh, chẳng lẽ lại không biết là mình không có con hay sao? Nhật Lễ là đứa làm trò, chẳng lẽ lại không biết nó không phải là con của Dục hay sao? Huống chi các con của Minh Tông đều có tài nghệ cả, nếu nghĩ tới xã tắc làm trọng thì chọn người nào có tài đức lập làm thiên tử để làm yên lòng thiên hạ, như vậy gốc nước sẽ được vững bền. Đã không biết làm như thế, đến khi ốm nặng lại không bàn với thái hoàng tính kế vì xã tắc, lại xuống chiếu gọi Nhật Lễ vào nối đại thống để cho mình bị tuyệt tự, mà sau khi chết, còn vạ lây đến Thái hoàng và Thái tể. Nếu không có Nghệ Hoàng và các vị tông thất khác thì quốc gia đã không còn là của họ Trần nữa rồi." Trong triều, hoàng tộc muốn lập người anh khác của Dụ Tông là Cung Định vương Trần Phủ lên làm vua nhưng bà Hiến Từ hoàng thái hậu (mẹ Trần Nguyên Dục và Dụ Tông) nhất định đòi lập người con nuôi của Cung Túc vương Trần Nguyên Dục là Dương Nhật Lễ lên ngôi.

Nguyên mẹ Nhật Lễ là một đào hát, lấy một kép hát bội là Dương Khương có thai rồi mới bỏ Dương Khương mà lấy Cung Túc vương sinh ra Nhật Lễ. Triều thần không tán thành vì cho rằng Nhật Lễ là người họ Dương, nhưng Hiến Từ hoàng thái hậu cho Nhật Lễ là con Trần Dục nên lập là hợp lẽ.

Cuối cùng Nhật Lễ được lập làm vua vào tháng 6 năm 1369. Nhưng hơn 1 năm sau, các tông thất nhà Trần hội nhau khởi binh về bắt giết Nhật Lễ rồi rước Cung Định vương về làm vua, tức vua Trần Nghệ Tông.

IV. Nhận định

Với vua Trần Dụ Tông, Vương triều nhà Trần bắt đầu quá trình suy vong lâu dài của mình. Vua quan chỉ toàn là ăn chơi xa xỉ, nền chính trị thì thiếu ổn định trong khi đời sống nhân dân thì đói khổ cùng cực. Sử gia Ngô Sĩ Liên bàn về Trần Dụ Tông trong sách Đại Việt sử ký toàn thư như sau:

“Vua biết tôn trọng thầy dạy (tức Chu Văn An), nhưng lại không bàn việc nước với thầy. Vì thế bậc hiền năng không nên để chỉ làm vì. Chu An đi rồi, không còn ai bảo ban vua đạo hay lẽ phải nữa. Đó thực là "không tin bậc nhân hiền thì nước trống rỗng như không có người" vậy”

—Ngô Sĩ Liên

Trần Xuân Sinh nhận định về vua Trần Dụ Tông như sau:

“Trần Dụ Tông đưa nước nhà từ thái bình thịnh trị đến chỗ suy nhược loạn lạc. Chơi bời, xa xỉ, không lo nước thương dân...”

—Trần Xuân Sinh

Sang đời vua Trần Nghệ Tông, tình hình Đại Việt vốn đã tệ hại từ đời Dụ Tông sẽ càng nguy kịch thêm nữa.


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 19
Lượt truy cập: 4366236