Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> TRẦN MINH TÔNG (Trần Mạnh; 21/8/1300 - 19/2/1357)
 12/11/2014 20:52

TRẦN MINH TÔNG


Trần Minh Tông
(chữ Hán: 陳明宗, 21 tháng 8, 1300 - 19 tháng 2, 1357), là vị hoàng đế thứ 5 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm (1314-1329) và làm Thái thượng hoàng 28 năm.

Minh Tông là người có lòng nhân hậu, hay thương người nhưng xét việc chưa minh. Nhờ biết tôn trọng kẻ sĩ nên Minh Tông đã có dưới trướng mình những hiền thần như Đoàn Nhữ Hài, Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn, Chu Văn An giúp. Tuy nhiên, do quá tin vào Trần Khắc Chung cùng Văn Hiến hầu nên năm 1328 đã giết Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn, một người có công, là ông chú ruột, đồng thời là quốc trượng (cha vợ) mình.

I. Thân thế

Trần Minh Tông tên húy là Trần Mạnh (陳奣), là người con thứ tư của hoàng đế Trần Anh Tông và Nguyên phi Trần Huy Tư, con gái Bảo Nghĩa vương Trần Bình Trọng. Ông sinh ngày 21 tháng 8, năm 1300, một ngày sau khi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mất (20 tháng 8 âm lịch năm 1300).

Nguyên khi Hoàng Tử Mạnh mới sinh, bấy giờ các hoàng tử sinh ra đều khó nuôi nên khi hoàng tử Mạnh chào đời, Thượng hoàng Anh Tông nhờ Thụy Bảo công chúa, cô ruột của Thượng hoàng Anh Tông, nuôi hộ. Công chúa cho rằng mình đang bị ách vận cho nên đã đưa Hoàng tử Mạnh nhờ anh ruột là Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật nuôi. Chiêu Văn Vương coi hoàng tử Mạnh không khác gì con mình. Ông nghĩ con trưởng mình là Thánh An, con gái là Thánh Nô nên mới đặt tên cho Hoàng tử Mạnh là Thánh Sinh. Hoàng tử được nuôi như vậy đến tận lúc lên ngôi.

Trần Minh Tông là vị hoàng đế mà có tới 4 người con trai làm vua Trần lần lượt sau ông: Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Duệ Tông, Trần Nghệ Tông.

II. Trị vì

Ngày 18 tháng 3, năm 1314, hoàng đế Anh Tông truyền ngôi ông, khi ấy mới 14 tuổi lên nối ngôi, tự xưng là Ninh Hoàng (宁皇). Thượng hoàng Anh Tông vẫn giúp đỡ ông trông coi chính sự. Triều đại nhà Trần dưới thời Minh Tông tiếp tục duy trì sự thịnh vượng của các đời trước đã tạo nên.

Năm Ất Mão (1315), hoàng đế định lệ cấm người trong họ không được kiện cáo nhau. Lại năm Quý Hợi (1323), ông mở khoa thi Thái học sinh chọn người có tài ra giúp nước.

1. Tin lời gian thần, xử oan Quốc trượng

Huệ Vũ đại vương Trần Quốc Chẩn (陳國瑱) là con trai thứ của vua Trần Nhân Tông, em của hoàng đế Trần Anh Tông, ông chú của Minh Tông. Ông có con gái là Huy Thánh công chúa được lập làm Hoàng hậu của Minh Tông.

Minh Tông giữ ngôi được 15 năm, tuổi đã cao mà chưa lập được Thái Tử. Quốc Chẩn có ý đợi Hoàng hậu sinh con trai thì mới lập. Đây là lệ trước giờ của nhà Trần, khi không lập con của người khác họ lên ngôi mà đều là con của các Hoàng hậu, Hoàng phi có xuất thân trong dòng tộc, cốt là để tránh họa ngoại thích mà bản thân họ Trần đã dùng khi thay ngôi nhà Lý vậy.

Nghe lời tâu của Quốc Chẩn, cả triều thần từ Tá Thánh thái sư Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật, Nhập nội vụ Quốc Thái Bảo Văn Bích, Nhập nội kiểm hiệu tư đồ Trần Quang Triều…đều im lặng. Minh Tông vốn là người khoan hậu nên không muốn thúc ép và không muốn lộ rõ sự phật ý của mình. Dẫu vậy, trong lòng nhà vua rất không vui.

Lợi dụng hoàn cảnh éo le đó, Cương Đông Văn Hiến Hầu là con của Tá thánh Trần Nhật Duật muốn đánh đổ Hoàng Hậu để lập Thái tử Vượng, mới đem của đút cho gia thần của Quốc Chẩn là Trần Nhạc khoảng 100 lạng vàng bảo Trần Nhạc vu cáo cho Quốc Chẩn có âm mưu làm phản.

Minh Tông cho là thật liền ra lệnh bắt giam ngay Quốc Chẩn vào chùa Tư Phúc ở kinh sư rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến Hầu, lại cùng với mẹ thái tử Vượng là Quý phi Lê thị, đều là người Giáp Sơn (Kinh Môn) và đã từng làm thầy dậy thái tử Vượng, liền trả lời: "Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó".

Minh Tông truyền bắt Quốc Chẩn phải tuyệt thực. Hoàng hậu lén vào thăm cha đã lấy áo nhúng nước mặc vào người rồi vắt ra cho cha uống. Trong khi đó Lê phi muốn cho Trần Quốc Chẩn chết sớm để con mình được lập làm Thái tử, liền cho người mang nước tẩm độc cho Quốc Chẩn uống, uống xong thì chết. Quốc Chẩn chết oan, linh hồn ông biến thành con ong vàng.

2. Thái thượng hoàng

a. Hiến Tông Triết Hoàng

Ngày 7 tháng 2, năm 1329, Hoàng đế Trần Minh Tông xuống chiếu phong Trần Vượng làm Hoàng thái tử. Đến ngày 15 tháng 2, thì ông nhường ngôi cho thái tử Vượng, lên làm Thái thượng hoàng. Thái tử Vượng trở thành Trần Hiến Tông, tự xưng làm Triết Hoàng (哲皇). Tôn hiệu của Thượng hoàng là Chương Nghiêu Văn Triết Thái Thượng Hoàng Đế (章堯文哲太上皇帝), Hiến Tông tự quân còn nhỏ tuổi, Thái thượng hoàng vẫn nắm quyền triều chính.

Thượng hoàng hay bàn luận các nhân vật trong triều đình, Uy Túc công Trần Văn Bích nói: Xét bàn nhân vật để dạy hoàng tử, chỉ nên nhắc tới người thiện, còn kẻ ác hãy bỏ chớ bàn đến, sợ các hoàng tử nghe được, có thể sẽ có người bắt chước.

Tuy nhiên, Thượng hoàng lại nói rằng:Thiện ác đều phải nêu để đối chiếu, không thể bỏ một bên nào. Nếu con ta quả là hiền, thì nghe điều thiện tất phải theo mà học tập, nghe điều ác tất phải ghét mà tránh xa; thiện, ác đều có thể làm gương được cả. Nếu con ta không hiền, thì đợi gì thấy kẻ ác rồi mới làm điều ác? Như Thái Khang thất đức, là bởi các vua trước chơi bời mà bắt chước hay sao? Tùy Dạng Đế luôn mồm nói đến Nghiêu Thuấn, nhưng mọi việc làm của ông ta thì lại như Hạ Kiệt, Trụ Vương, có phải là ông ta thấy điều thiện mà bắt chước hay sao.

Mùa đông năm 1329, Thượng hoàng đi tuần thú đạo Đà Giang, đích thân đi đánh man di Ngưu Hống, sai Thiêm tri Nguyễn Trung Ngạn đi theo để biên soạn thực lục. Trước đó, thời Nhân Tông, Ngưu Hống cùng Đạo Mật vào chầu, cho trở về. Đến nay, chúng làm phản, thả sức cướp bóc; đất cõi Đà Giang về tay chúng cả. Thượng hoàng quyết định thân chinh.

Năm 1332, ngày 15 tháng 2, làm lễ an táng Bảo Từ Thuận Thánh hoàng thái hậu vào Thái Lăng, ở Yên Sinh. Trước đó, Thượng hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất. Có người bác đi rằng: Chôn năm nay tất hại người tế chủ. Thượng hoàng sai hỏi người đó rằng: Người biết là sang năm ta nhất định chết à?

Người ấy trả lời là không biết. Thượng hoàng lại hỏi rằng: Nếu sang năm trở đi, ta chắc chắn không chết, thì hoãn việc chôn mẫu hậu cũng được; nếu sang năm ta chết, thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát lễ hung phải chọn ngày là vì coi trọng việc đó thôi, chứ đâu có phải câu nệ họa phúc như các nhà âm dương. Rốt cuộc vẫn cử hành lễ tang.

Năm 1334, quân Ai Lao xâm lấn, Thượng hoàng đích thân đem quân đến Châu Kiềm (Nghệ An). Quân Ai Lao bỏ chạy. Thượng hoàng sai Nguyễn Trung Ngạn soạn bài bia ghi lại chiến thắng khắc lên núi đá.

Bia đá đại khái rằng: Hoàng đế thứ sáu, Thái thượng hoàng đế Chương Nghiêu Văn Triết triều Trần, nước Hoàng Việt, được trời ban mệnh, giữ đất Trung Hạ [3], khắp trong bốn bể, đâu cũng thần phục, Lào mày cỏn con, dám chống vương hóa. Vào năm Ất Hợi, mùa thu, hoàng đế thân chinh soái lĩnh sáu quân, đi tuần miền Tây, thế tử Chiêm Thành, cùng bọn Chân Lạp, Xiêm La, tù trưởng man di Đạo Thần, Quỳ Cầm [...] đều dâng phương vật, tranh nhau nghênh đón. Mùa đông, hoàng đế đóng quân ở cánh đồng Cự Đồn, Mật châu, lệnh cho các tướng cùng quân man di tiến vào nước ấy [...].

b. Dụ Tông Dụ Hoàng

Ngày 11 tháng 6, năm 1341, Hiến Tông hoàng đế qua đời khi mới 23 tuổi. Ngày 21 tháng 8, Thượng hoàng truyền ngôi cho con trai thứ 10 của ông là hoàng tử Trần Hạo mới lên 6 tuổi, tức là Trần Dụ Tông, tự xưng làm Dụ Hoàng (裕皇). Thượng hoàng vẫn nắm đại quyền triều đình, sai Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn làm biên soạn bộ Hòang triều đại điển và khảo soạn bộ Hình thư để ban hành.

Ngày 19 tháng 2, năm 1357, Thượng hoàng Minh Tông băng hà tại Bảo Nguyên cung, hưởng thọ 58 tuổi. Thụy hiệu cho ông là Chương Nghiêu Văn Triết Hoàng Đế (章堯文哲皇帝).

Trước đây, Minh Tông nối ngôi đã lâu, rồi mẹ đích mới sinh con trai. Hôm người con ấy đầy tuổi thì Anh Tông đi tuần biên giới vắng, việc ở nhà do Minh Tông quyết định. Có người xi làm lễ theo tư cách tử tế. Các quan còn nghi ngại thì Minh Tông bảo họ: Còn ngại gì nữa. Trước đây vì con đích trưởng chưa sinh, nên ta tạm ở ngôi này. Nay đã sinh rồi thì đợi khi lớn lên, ta sẽ trả lại ngôi vua chứ có khó gì?.

Người đó trả lời: Việc này từ xưa hay sinh nguy biến, xin nghĩ kỹ lại. Minh Tông nói: Cứ thuận nghĩa mà làm, yên hay nguy đâu đáng lo?. Cuối cùng làm lễ thao tư cách tử tế. Một năm sau thì người con đích tự ấy mất. Minh Tông rất thương xót.

Mùa đông, ngày 11 tháng 11, năm 1357, táng Minh Tông vào Mục Lăng, xã Yên Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

III. Tác phẩm

Bài thơ "Bạch Đằng Giang" của Trần Minh Tông trong đền Trần (Nam Định)

Tác phẩm của Trần Minh Tông có Minh Tông thi tập (1 quyển), nhưng nay đã mất. Một phần bị đốt theo yêu cầu của tác giả lúc lâm chung, một phần có lẽ do quân Minh hủy hoại khi sang xâm lược nước Việt. Hiện chỉ còn 25 bài thơ chép rải rác trong Việt âm thi tập, Đại Việt sử ký toàn thư và Nam Ông mộng lục. Nhìn chung, hầu như bài nào cũng nhẹ nhàng, êm ả; chỉ riêng có bài "Bạch Đằng giang" là tiếp tục truyền thống thơ "hùng hồn, mạnh mẽ, phóng khoáng" ở giai đoạn trước.

Ngoài ra, Trần Minh Tông còn có bài đề tựa tập thơ Đại hương hải ấn (Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm) của Trần Nhân Tông.

IV. Gia đình

-  Hậu phi:

1. Hiến Từ Tuyên Thánh Hoàng hậu Trần thị (憲慈宣聖皇后陳氏; ? - 1370), nguyên là Lệ Thánh Hoàng hậu (儷聖皇后), trưởng nữ của Huệ Vũ Đại vương Trần Quốc Chẩn.

2. Minh Từ Hoàng thái phi Lê thị (明慈皇太妃黎氏; ? - 1365), nguyên là Anh Tư Nguyên phi (英思元妃) người Giáp Sơn, cô của Lê Quý Ly, me sinh Trần Hiến Tông, Trần Nghệ Tông.

3. Đôn Từ Hoàng thái phi Lê thị (敦慈皇太妃黎氏? - 1437), em gái Minh Từ Hoàng thái phi, mẹ sinh Trần Duệ Tông. Khi làm cung tần hầu Minh Tông được phong làm Sung viên (充媛). Năm 1347, Hoàng đệ Trần Kính được Trần Nghệ Tông sách phong làm Hoàng thái đệ, đồng thời truy phong cho mẹ Hoàng thái đệ làm Quang Hiến thần phi (光憲宸妃). Duệ Tông lên ngôi truy phong làm Đôn Từ Hoàng thái phi.

-  Hậu duệ:

1. Trần Vượng [陳旺], Hiến Tông Hoàng đế, con của Minh Từ Hoàng thái phi.

2. Cung Tĩnh Đại vương Trần Nguyên Trác [恭静大王陈元晫; 1319 - 1370].

3. Trần Phủ [], Nghệ Tông Quang Nghiêu Anh Triết Hoàng đế (藝宗光堯英哲皇帝), tước phong vốn là Cung Định Vương (恭定王), con trai thứ 2 của Minh Từ Hoàng thái phi.

4. Cung Mẫn Vương Trần Nguyên Hú [恭敏王陈元煦? - 1347].

5. Cung Giản Vương Trần Nguyên Thạch [恭簡王元石; ? - 1350].

6. Cung Túc Vương Trần Nguyên Dục [肃王陳元昱; 1336 - 1364], con của Hiến Từ Hoàng hậu.

7. Cung Tín Vương Trần Thiên Trạch [恭信王陈善泽; ? - 1379].

8. Trần Hạo [陳暭], Dụ Tông Hoàng đế, con của Hiến Từ Hoàng hậu.

9. Trần Kính [陳曔], Duệ Tông Hoàng đế, tước phong là Cung Tuyên Vương (恭宣王), con của Đôn Từ Hoàng thái phi.

10. Thiên Ninh Công chúa [天宁公主], con của Hiến Từ Hoàng hậu, lấy Chính Túc Vương Kham.

11. Huy Ninh Công chúa [徽宁公主], trước lấy Nhân Vinh (? - 1370), sau lấy Lê Quý Ly.


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 15
Lượt truy cập: 4366678