Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> LÝ ANH TÔNG (4/1136 - 14/8/1175)
 06/11/2014 07:50

LÝ ANH TÔNG


Lý Anh Tông
(chữ Hán: 李英宗, tháng 4, 1136 - 14 tháng 8, 1175) là vị hoàng đế thứ 6 của nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1138 tới năm 1175.

Trong việc bỏ con nọ lập con kia, vua không mê hoặc lời nói của đàn bà, ký thác được người phụ chính hiền tài, có thể nói là không thẹn với việc gánh vác. Song không phân biệt được kẻ gian tà, không sáng suốt trong việc hình phạt, cho nên trời xuống tai biến để răn, giặc cướp nổi lên, giềng mối rối loạn, không thể nói xiết (Ngô Sĩ Liên bình luận).

I. Thân thế

Ông tên thật là Lý Thiên Tộ (李天祚), sinh tháng 4 năm Bính Thìn (1136), tại kinh đô Thăng Long (Hà Nội), Việt Nam), là con trai thứ hai của vua Lý Thần Tông, mẹ là Cảm Thánh phu nhân. Anh ông là Lý Thiên Lộc là con hầu thiếp nên không được lập làm người kế vị.

Theo nghiên cứu của các nhà sử học Hàn Quốc và Việt Nam, khi hoàng đế Lý Thần Tông qua đời, thái tử Lý Thiên Tộ mới 3 tuổi, triều thần muốn tôn Kiến Hải vương Lý Dương Côn - một người con nuôi khác của Lý Nhân Tông, vốn là con đẻ của Thành Quảng hầu - lên nối ngôi.

Nhưng lúc đó mẹ ông là Cảm Thánh phu nhân đã dựa vào người đang nắm chức vụ cao là Đỗ Anh Vũ, em trai của Chiêu Hiến thái hậu, thân mẫu tiên đế Lý Thần Tông. Đỗ Anh Vũ đã loại hết các địch thủ của Thiên Tộ, nên Thiên Tộ được đưa lên ngôi.

Ngày 1 tháng 10 năm Mậu Ngọ (5 tháng 11 năm 1138), Hoàng thái tử Thiên Tộ lên ngôi ở trước linh cữu, bấy giờ mới lên 3 tuổi, tôn mẹ lên làm Hoàng thái hậu, Đỗ Anh Vũ làm Phụ Quốc Thái úy nhiếp chính, quyết đoán mọi việc. Thái hậu bị đồn thổi là có tư thông với Đỗ Anh Vũ từ trước.

II. Cai trị

1. Loạn Thân Lợi

Một thầy bói tên Thân Lợi (申利), tự xưng là con riêng của tiên đế Lý Nhân Tông đem đồng đảng theo đường thủy đến châu Thái Nguyên (Bắc Thái), từ châu Tây Nông (Phú Bình, Bắc Thái) kéo ra chiếm châu Lục Lệnh, châu Thượng Nguyên và châu Hạ Nông, thế lực ngày càng to.

Đầu năm 1241, Thân Lợi tiếm xưng làm Bình Nguyên vương (平原王) , lập vợ cả, vợ lẽ làm Hoàng hậu và phu nhân, con làm vương hầu, cho đồ đảng quan tước theo thứ bậc khác nhau. Khi ấy đồ đảng của Thân Lợi chỉ hơn nghìn người, đi đến đâu nói phao là Lợi giỏi binh thuật để hiếp chế người miền biên giới. Người các khe động dọc biên giới đều khiếp sợ, không dám chống lại.

Tháng 2, Gián nghị đại phu Lưu Vũ Nhĩ được cử đem bộ binh tiến tiên phong, Thái phó Hứa Viêm được cử tiến quân bằng thủy binh. Cả 2 đều phối hợp với nhau, nhưng gặp thủy binh Thân Lợi thiện chiến nên đại bại, chạy về Thăng Long. Thân Lợi nhân khí thế lớn, đem quân chiếm lần lượt các vùng Tuyên Hóa [5], Cảm Hóa, Vĩnh Thông và Phủ Lương phủ. Lợi chiếm giữ phủ trị, ngày đêm hợp bè đảng mưu cướp kinh sư.

Ở tình thế đó, Thái hậu sai Thái úy Đỗ Anh Vũ đem đại quân đánh dẹp, Anh Vũ đại thắng, quân Lợi thua to, bắt được đồng đảng là Thủ lĩnh châu Vạn Nhai Dương Mục cùng thủ lĩnh động Kim Khuê là Chu Ái, Thân Lợi một mình bỏ trốn về châu Lục Lệnh.

Tháng 10, Thái úy Đỗ Anh Vũ đi đánh châu Lục Lệnh, bắt được bọn bè đảng của Lợi hơn 2.000 người. Thân Lợi trốn sang châu Lạng, Thái phó Tô Hiến Thành bắt được Lợi, giao cho Anh Vũ đóng củi giải về kinh sư. Sai Lý Nghĩa Lâm chiêu tập vỗ yên dư đảng của Lợi. Xuống chiếu cho quan Đình úy xét tội Lợi. Án xét xong, Thái hậu ngự Thiên Khánh điện xử tội Lợi và bọn đồng mưu 20 người đều xử trảm, những kẻ còn lại đều theo tội nặng nhẹ mà xử, tha cho những kẻ vì ép buộc mà phải theo.

Sau chiến công này, Thái úy Đỗ Anh Vũ ngày càng có thế lực trong triều. Thái hậu ban cho mũ ba tầng, vỗ về tông thân của Thái úy và làm cho họ hàng được hiển hách. Thái hậu lại ban cho Thái úy lụa tốt và ba phủ Nghệ An, Thanh Hóa và Phú Lương làm phong ấp. Thái úy cấm trừ di tục, man dân khoanh tay mà chịu mặc hình; trộm cướp và dân ở biên thùy đều khiếp sợ mà nghe theo sự giáo hóa của triều đình.

2. Vụ án Đỗ Anh Vũ

Năm 1150, Anh Tông lên 14 tuổi, trong cung bắt đầu dị nghị Thái úy Đỗ Anh Vũ lạm quyền, kiêu căng. Ngày càng nhiều lời thị phi rằng Thái úy Đỗ Anh Vũ đưa vợ là Tô thị, người trong họ Thái phó Tô Hiến Thành, ra vào cung cấp hầu hạ Chiêu Hiến hoàng thái hậu, cũng là chị ruột của ông, để rồi Thái úy tư thông với Lê thái hậu ở trong cung. Hoàng đế còn nhỏ tuổi, quần thần do lâu ngày ngứa mắt sự hiển hách của Thái úy, nên bàn mưu lật đổ.

Điện tiền chỉ huy sứ Vũ Đái, Hoả đầu đô Quảng Vũ Lương Thượng Cá, Hoả đầu đô Ngọc Giai Đồng Lợi, Nội thị Đỗ Ất, cùng các hoàng thân quốc thích là Trí Minh vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Đỗ Anh Vũ. Bàn tính xong, Vũ Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to rằng: Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều đều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau. Bèn có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình uý tra xét.

Thái hậu lo sợ cho Anh Vũ, sai người mang cơm rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào trong đồ đựng món ăn để đút cho Vũ Đái và các người canh giữ. Hoả đầu ở đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói: Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tay hoạ về sau. bèn cầm giáo định đâm. Đô Tả Hưng Thánh là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, ngăn rằng: Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết, nhưng còn phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện. Nguyễn Dương bất lực, cho rằng sau này Đỗ Anh Vũ khi phục chức sẽ truy sát những ai tham gia nên tự sát.

Bấy giờ triều đình xét án của Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi. Thái hậu nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái uý phụ chính như cũ. Thái úy sợ rằng sẽ lại bị tính kế như cũ, bèn dâng hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt.

Bấy giờ, Anh Vũ dâng lời tâu tố cáo Vũ Đái cùng đồng bọn lạm quyền, gây ra việc cung đình sinh biến, kiến nghị phải trừng phạt. Anh Tông còn nhỏ không biết gì, Thái hậu bèn y chuẩn lời tâu. Hạ chiếu giáng Trí Minh vương xuống tước Hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước Minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước Phụng chức, Nội thị là Đỗ Ất cùng 5 người bị cưỡi ngựa gỗ, Hoả đầu đô Ngọc Giai là Đồng lợi cùng 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, Điện tiền đô chỉ huy Vũ Đái và 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông, Phò mã lang Dương Tự Minh cùng 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc.

Để đề phòng bị âm mưu lật đổ lần nữa, Thái úy ra lệnh cấm các quan trong triều không được đi lại nhà các Vương hầu, ở trong cung cấm không được hội họp nhau năm, ba người bàn luận chê bai, ai phạm thì trị tội.

2. Thân chính

Năm 1158, Thái úy Phụ quốc Đỗ Anh Vũ chết, Lê thái hậu đau buồn, quyền hành được trở về tay của Hoàng đế Anh Tông.

Năm 1159, Anh Tông phong Thái phó Tô Hiến Thành lên làm Thái úy, và cất nhắc những hiền thần khác như Hoàng Nghĩa Hiền, Phí Công Tín. Nhà vua cho tuyển quân lính mới, tập đợt luyện quân, binh pháp, ban hành tướng hiệu, gây dựng quân đội hùng mạnh.

Năm 1167, Thái úy Tô Hiến Thành được cử đi chinh phạt Chiêm Thành. Sau đó, người Chiêm sai sứ sang thông hiếu, dâng lễ vật thuần phục, từ đấy họ giữ lễ phiên thần, dâng cống không thiếu. Anh Tông lệnh Tô Hiến Thành rút quân về trọng thưởng. Ông tích cực trang bị quân đội, lập Xạ Đình làm nơi luyện tập kỵ binh bắn cung, đích thân Hoàng đế cũng thường xuyên đến tập luyện bắn cung, cưỡi ngựa. Ngoài ra, ông còn cho quân lính học làm tướng, đô chỉ huy, cho luyện cách sắp xếp thế trận.

Từ năm 1171 đến năm 1172, Hoàng đế Anh Tông xa giá đi tới những vùng núi non hiểm trở trong nước, quan sát sinh hoạt của dân, rồi sai quan lại làm tập bản đồ nước Đại Việt, soạn ra cuốn sách Nam Bắc phiên giới đề. Tuy nhiên tập bản đồ đó tới nay không còn.

III. Qua đời

Nguyên hoàng tử Lý Long Xưởng là con trưởng, con bà Chiêu Linh hoàng hậu, nên được lập làm Thái tử. Năm 1174, Long Xưởng phạm lỗi tư thông với các phi tần trong cung cấm của vua cha, nên Anh Tông phế truất làm Bảo Quốc vương (保國王) và lập người con thứ 6, mới lên 2 tuổi là Lý Long Cán, con của Thục phi Đỗ Thụy Châu, làm Thái tử kế nhiệm.

Khi ốm nặng, Anh Tông quyết định uỷ thác con nhỏ cho Tô Hiến Thành. Ông phong Tô Hiến Thành làm Thái phó Bình chương quân quốc trọng sự, phong tước Vương, giúp đỡ Tự quân khi đăng cơ. Hoàng hậu khóc lóc xin lập lại con mình làm người kế nghiệp nhiều lần, nhưng Anh Tông không đổi ý, nói rằng:

Làm con mà không biết kính trọng đấng song thân (cha mẹ) thì làm sao làm ông vua yêu dân được?

Ông mất ngày Ất Tỵ, tháng 7 năm Ất Mùi (tức 14 tháng 8 năm 1175), trị vì 37 năm, thọ 40 tuổi. Trước khi mất, Anh Tông dặn lại thái tử Long Cán:

“Nước ta non sông gấm vóc, người giỏi rất thiêng, châu ngọc quý báu, không gì không có. Nước khác không thể nào bì được. Hãy nên giữ gìn cẩn thận”

Thái tử Long Cán mới 2 tuổi lên nối ngôi, tức là hoàng đế Lý Cao Tông.

Gia quyến

*  Phụ thân: Lý Thần Tông.

*  Mẫu thân: Linh Chiếu hoàng hậu Lê thị (靈照皇后黎氏; ? - 1161).

*  Hậu phi:

1. Chiêu Linh hoàng hậu Vũ thị (昭詔皇后武氏; ? - 1200).

2. Linh Đạo hoàng hậu Đỗ Thụy Châu (靈道皇后杜瑞珠; ? - 1190).

3. Nguyên phi Từ thị (元妃徐氏).

4. Thần phi Bùi thị (宸妃裴氏).

5. Quý phi Hoàng thị (貴妃黃氏).

6. Đức phi Đỗ thị (德妃杜氏).

7. Hiền phi Lê thị (賢妃黎氏).

*  Hậu duệ:

+  Đại Việt sử lược ghi nhận Lý Anh Tông có ít nhất 6 người con, nhưng chỉ đề cập tới 3 người:

1. Thái tử Lý Long Xưởng [龙昶], con Chiêu Linh hoàng hậu Vũ thị.

2. Hoàng tử Lý Long Cán [龙翰], con Thục phi Đỗ Thụy Châu, sau trở thành Lý Cao Tông,  được xác định là con thứ 6

3. Huệ Văn vương hay Nguyên vương [惠文王; ? - 1221], không rõ tên thật, được Trần Tự Khánh đưa lên làm vua năm 1214.

+ Theo "Trần tộc vạn thế ngọc phả", vua Anh Tông có 7 người con trai, nhưng lại không đề cập tới Huệ Văn vương:

1. Bảo Quốc vương Lý Long Xưởng [保國王李龙昶; 1151 - 1181], con Chiêu Linh hoàng hậu. Sau bị Đỗ An Di giết cả nhà.

2. Kiến Ninh vương Lý Long Minh [建寧王李龙明; 1152 - 1175], con Bùi Thần phi. Tước phong Kiểm hiệu Thái sư, Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Trung vũ quân tiết độ sứ, lĩnh Đại đô đốc. Bị giết.

3. Kiến Tĩnh vương Lý Long Hòa [建靖王李龙华; 1152 - 1175], con Hoàng Quý phi. Tước phong Dao thụ Thái bảo, Khu mật viện sứ, Thượng thư tả bộc xạ, Phụ quốc thượng tướng quân, Long thành tiết độ sứ. Bị giết.

4. Kiến An vương Lý Long Đức [建安王李龙德; 1153 - 1175], con Bùi Thần phi. Tước phong Đặc tiến Thiếu sư, Khu mật viện sứ, Thượng thư tả thừa, Trấn Nam tiết độ sứ, Thượng thư lệnh, Tả kim ngô thượng tướng, Tổng lĩnh Thiên tử binh. Bị giết.

5. Kiến Khang vương Lý Long Ích [建康王李龙益; 1167 - 1212], con Đỗ Đức phi. Chức tước Dao thụ Thái phó, trấn Nam tiết độ sứ, Thượng thư tả thừa.

6. Hoàng tử Lý Long Cán [李龍翰], con Đỗ Thục phi, sau trở thành Lý Cao Tông.

7. Kiến Bình vương Lý Long Tường [建平王李龙祥; 1174 - ?], con Lê Hiền phi. Tước phong Thái sư Thương trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc.


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 17
Lượt truy cập: 4366766