Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> TRẦN ANH TÔNG (Trần Thuyên; 17/9/1276 - 16/3/1320)
 04/11/2014 23:19

TRẦN ANH TÔNG


Trần Anh Tông
(chữ Hán: 陳英宗; 17 tháng 9, 1276 – 16 tháng 3, 1320), là vị hoàng đế thứ 4 của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 21 năm (1293 – 1314) và làm Thái thượng hoàng trong 6 năm.

Cũng như hoàng đế Trần Nhân Tông, Anh Tông là một vị minh quân. Trong triều lại có những người tài giỏi hết lòng giúp việc nước; Về văn có Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài; võ có Phạm Ngũ Lão, Lê Trung Hiển đều là những người tài giỏi. Thời đó vua hiền, tôi trung, phép tắc nghiêm trang, thưởng phạt phân minh, chính trị không có điều gì hồ đồ. Việc học hành mở mang rộng rãi, cho nên những người có tài văn học như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn đều được thi đỗ, ra làm quan giúp việc triều đình.

Thời kỳ Anh Tông cai trị tiếp tục giai đoạn thịnh trị của nhà Trần.

I. Thân thế

Anh Tông hoàng đế tên thật là Trần Thuyên (), con trưởng của Nhân Tông, mẹ là Khâm Từ Bảo Thánh hoàng hậu. Ông sinh ngày 17 tháng 9, năm 1276.

Năm 1292, ông được lập làm Hoàng thái tử, cưới con gái trưởng của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng làm chính phi. Đến năm 1293, Trần Nhân Tông thoái vị, trở thành Thái thượng hoàng, Trần Thuyên nối ngôi báu, tự xưng làm Anh Hoàng (英皇).

II. Cai trị

1. Buổi đầu làm vua

Khi mới lên nối ngôi, Trần Anh Tông hay uống rượu và đêm thường hay lén ra ngoài đi chơi, có lần bị đồ vô lại ném trúng đầu. Một hôm uống rượu say đến nỗi Thượng hoàng Nhân Tông ở Thiên Trường về kinh đô, các quan đều ra đón rước cả, mà vua vẫn nằm ngủ. Thượng hoàng giận lắm, truyền xa giá lập tức về Thiên Trường và hạ chiếu cho bách quan phải về đấy hội nghị định truất ngôi Anh Tông.

Khi Anh Tông tỉnh rượu, biết thượng hoàng về kinh đô, sợ hãi quá, vội vàng chạy ra ngoài cung gặp một người học trò tên là Đoàn Nhữ Hài, mượn thảo bài biểu để dâng lên tạ tội, rồi cùng với Nhữ Hài xuống thuyền đi suốt đêm đến phủ Thiên Trường. Thượng hoàng xem biểu rồi quở mắng một lúc, và tha lỗi cho Anh Tông. Về đến kinh sư, Anh Tông cho Đoàn Nhữ Hài làm ngự sử trung tán, và từ đấy không uống rượu nữa.

2. Bãi bỏ tục lệ

Từ xưa đến nay vua Đại Việt vẫn có tục lấy chàm vẽ rồng vào đùi, nhưng Anh Tông không muốn theo tục này. Một hôm Thượng hoàng Nhân Tông bảo Anh Tông rằng: "Dòng dõi nhà mình vẫn vẽ mình để nhớ gốc ngày xưa, nay nhà vua phải theo tục ấy mới được".

Anh Tông tuy vâng mệnh nhưng lừa khi Thượng hoàng bận việc khác, lẩn đi không cho vẽ. Từ đấy, vua Đại Việt mới không vẽ mình nữa.

Hôn nhân nội tộc của nhà Trần có từ thời Thái Tông, nhằm để duy trì kín nòi giống dòng tộc nhà Trần, tránh tình trạng ngoại thích có thể lật đổ dòng họ mình, như việc họ đã làm để cướp ngôi nhà Lý. Dưới thời Anh Tông, tục lệ này dần bãi bỏ, khi ngoài chính cung là các công chúa trong hoàng tộc, ông còn kết hôn với những người ngoại tộc khác.

3. Gả Huyền Trân cho Chiêm Thành

Năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông nhận lời mời, du ngoạn vào Chiêm Thành, được vua Chiêm Thành là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu, có ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng. Khi ra về, Trần Nhân Tông có hứa gả con gái là Huyền Trân cho Chế Mân, mặc dù khi đó Chế Mân đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java (Nam Dương ngày nay). Sau đó nhiều lần Chế Mân sai sứ sang hỏi về việc hôn lễ, nhưng triều thần nhà Trần phản đối, chỉ có Văn Túc Vương Đạo Tái và Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung chủ trương tán thành.

Năm 1306, Chế Mân dâng hai châu Ô, Rý (còn gọi là Lý) làm hồi môn, vua Trần Anh Tông đồng ý gả Huyền Trân cho Chế Mân. Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau đó, khi hoàng hậu người Đại Việt vừa sinh xong hoàng tử Chế Đa Đa, thì tháng 5 năm 1307, quốc vương Chế Mân băng hà. Thế tử Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang. Theo tục nước Chiêm, khi vua chết hoàng hậu phải lên giàn hỏa để tuẫn tang. Vua Trần Anh Tông biết tin, sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang, tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung bày kế thành công, cứu được Huyền Trân đưa xuống thuyền, đưa Huyền Trân về Đại Việt bằng đường biển.

- Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký Toàn thư chê trách chuyện này:

Ngày xưa Hán Cao Hoàng vì nước Hung Nô nhiều lần làm khổ biên cương, mới lấy con gái nhà dân làm công chúa gả cho thiền vu. Kết hôn với người không cùng giống nòi, các tiên nho đã từng chê trách, song dụng ý là muốn binh yên, dân nghỉ, thì còn có thể nói được. Nguyên Đế thì vì Hô Hàn sang chầu, xin làm rể nhà Hán, nên lấy nàng Vương Tường mà ban cho, cũng là có cớ. Còn như Nhân Tông đem con gái gả cho chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao? Nói rằng nhân khi đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tín ở đâu?

4. Hoàng đế nghiêm khắc

Sau lần bị Nhân Tông quở trách vì rượu chè, Anh Tông bỏ hẳn rượu, không những thế ông còn không ưa những kẻ nghiện rượu. Khoảng năm Hưng Long (1293 - 1314), khuyết chức Hành khiển. Có lần, Ông chầu Nhân Tông ở chùa Sùng Nghiêm, Nhân Tông bảo: "Quốc Phụ được đấy!". Ông lại thưa:

"Nếu lấy ngôi thứ mà bàn, thì Quốc Phụ được rồi, chỉ hiềm hắn nghiện rượu thôi!".

Đời Trần, quy định về phục trang, kiệu đi của từng cấp trên dưới rất chặt chẽ và quy củ. Bản thân Anh Tông chấp hành rất nghiêm. Một hôm, Huy Tư hoàng phi đi theo hầu Anh Tông, lệ chưa được đi kiệu. Thuận Thánh hoàng hậu lấy kiệu của mình cho Huy Tư đi thì Anh Tông nhắc nhở:

"Có yêu quý Huy Tư thì cho cái khác, chứ cái kiệu ngồi còn điển chế cũ, không thể cho được".

Nhà Trần tổ chức nhiều cuộc vui cho hoàng tộc và dân chúng, nhưng tuyệt nhiên nghiêm cấm đánh bạc. Năm 1296, Thượng phẩm Nguyễn Hưng đánh bạc, vua sai đánh cho đến chết.

III. Truyền ngôi và qua đời

Anh Tông ở ngôi đến năm 1314, nhường ngôi cho con thứ tư là Trần Mạnh lên ngôi, tức hoàng đế Trần Minh Tông, ông lui về Thiên Trường làm Thái thượng hoàng, tôn hiệu là Quang Nghiêu Duệ Vũ Thái Thượng Hoàng Đế (尧睿武太上皇帝).

Năm 1320, Thượng hoàng Anh Tông đau nặng, Bảo Từ hoàng hậu cho đi gọi thầy tăng về để làm lễ xem sự sinh tử, Anh Tông gạt đi mà bảo rằng:"Thầy tăng đã chết đâu mà biết được sự chết".

Sau đó ông qua đời, hưởng thọ 47 tuổi, tại Trùng Quang cung, thuộc phủ Thiên Trường. Ngày 12 tháng 12, năm 1320, ông được an táng vào Thái lăng ở Yên Sinh.

IV. Tác phẩm

Tác phẩm của Trần Anh Tông có Thủy vân tùy bút (Tùy bút nước mây) gồm 2 quyển, dưới mỗi bức hoạ đều có thơ đề, nhưng ông đã sai đốt trước khi chết. Nay thơ ông chỉ còn lại 12 bài chép trong Việt âm thi tập. Có bài làm trên đường đi đánh giặc, có bài vịnh sử, có bài bàn về đạo Thiền. Đáng chú ý là những bài tả cảnh như các bài "Vân tiêu am", "Đông Sơn tự". Tập thơ này được Phan Huy Chú khen là "bài nào cũng là thanh tân và có lực lượng" (Văn tịch chí).

Ngoài ra ông còn có bài "Thạch dược châm" (Bài châm về những lời can ngăn trung trực).

V. Nhận định

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư dù có khen nhưng vẫn phê phán ông là quá mộ đạo Phật:

“Vua khéo biết kế thừa, cho nên thời cuộc đi tới thái bình, chính trị trở nên tốt đẹp, văn vật chế độ ngày càng thịnh vượng, cũng là bậc vua tốt của triều Trần. Song tụ họp nhà sư trên núi Yên Tử, làm nhọc sức dân dựng gác Ánh Vân, thì chẳng phải là tỳ vết nhỏ trong đức lớn đó sao?”

—Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

VI. Gia đình

-  Hậu phi:

1. Bảo Từ Hoàng hậu Trần thị (保慈皇后陳氏; ? - 1330), cháu nội Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, con gái Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng. Anh Tông kế vị phong làm Thánh Bà Phu nhân (聖婆夫人) rồi Thuận Thánh Hoàng hậu (順聖皇后). Minh Tông kế vị tấn tôn làm Thuận Thánh Hoàng thái hậu (順聖皇太后).

2. Chiêu Từ Hoàng hậu Trần thị (昭慈皇后陳氏; ? - 1359), nguyên là Huy Tư Hoàng phi (徽思皇妃), con gái Trần Bình Trọng, mẹ sinh Trần Minh Tông. Minh Tông kế vị tấn tôn làm Huy 3. Tư Hoàng thái phi (徽思太皇妃) rồi Chiêu Từ Hoàng thái hậu (昭慈皇太后).

3. Tĩnh Huệ phi Phạm thị (静惠妃范氏), con gái Phạm Ngũ Lão, không con, xuất gia năm 1309.

4. Đa La Thanh, con gái sư người Hồ là Du Chi Bà Lam.

5. Cung tần Trần Thị Thái Bình (宮嬪陳氏太平).

6. Nữ quan Vương thị (女官王氏).

-  Hậu duệ:

1. Ba người con trai mất sớm, không rõ tên.

2. Trần Mạnh [陳奣], Minh Tông Văn Triết Hoàng đế (明宗文哲皇帝), con của Chiêu Từ Hoàng hậu.

3. Thiên Chân Công chúa [天袗公主], con gái Bảo Từ Hoàng hậu, lấy Huệ Chính Vương.

4. Ý Trinh Công chúa [懿貞公主].

5. Huy Chân Công chúa [徽袗公主], con gái Cung tần Trần Thị Thái Bình, lấy Uy Giản Hầu.

6. Huệ Chân Công chúa [惠袗公主, con gái Nữ quan Vương thị.

7. Thánh Chân Công chúa [聖袗公主].


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 16
Lượt truy cập: 4366262