Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> CHIÊU LINH HOÀNG THÁI HẬU (? - 7/1200)
 01/11/2014 15:56


CHIÊU LINH HOÀNG THÁI HẬU (? - 7/1200)


Chiêu Linh hoàng thái hậu
(chữ Hán: 昭詔皇太后, ? - tháng 7, 1200), họ Vũ (), là một Hoàng hậu, Hoàng thái hậu của nhà Lý, vợ của Lý Anh Tông, mẹ của Thái tử Lý Long Xưởng.

Bà là mẹ đích của Lý Cao Tông, nhưng ở ngôi Thái hậu lại mưu việc phế lập ngôi vua, xuýt là làm lung lay triều Lý. May có đại thần Tô Hiến Thành còn đó, sự việc mới được yên, Thái hậu phải rút lui khỏi chính trường.

Hoàng hậu nhà Lý

Không rõ gia thế bà ra sao, nhập cung khi nào nhưng có thể là trước năm 1151. Năm 1151, bà sinh được hoàng tử trưởng của Anh Tông là Lý Long Xưởng, và Long Xưởng được phong làm Thái tử.

Theo Đại Việt sử lược ghi nhận vào thời kỳ trị vì cuối của Anh Tông về tính cách và hành sự của bà. Lúc đó có Cung nhân Từ thị (徐氏) được Anh Tông sủng ái, Vũ hậu ghen, xui Long Xưởng quyến rũ Từ thị ấy để vua xa lánh và khinh nhờn bà ta. Từ thị không chịu và tâu thẳng lên Anh Tông, ông tức giận mà phế bỏ Long Xưởng, giáng làm Bảo Quốc vương (保國王).

Đến cuối cùng, Anh Tông lập con nhỏ là Lý Long Cán, con của cung nhân Đỗ Thụy Châu làm Thái tử. Bà mấy lần xin cho vua phục vị lại cho con mình, nhưng vua gạt đi mà nói:

Làm con mà không biết kính trọng đấng song thân (cha mẹ) thì làm sao làm ông vua yêu dân được?

Anh Tông băng hà, Long Cán lên ngôi tức Lý Cao Tông. Bà được tôn làm Chiêu Linh hoàng thái hậu, còn Đỗ thị được tôn làm Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu (照天至理皇太后). Tô Hiến Thành được cử làm phụ chính.

Hoàng thái hậu nhà Lý

Tân đế Cao Tông lên ngôi khi mới 3 tuổi, Thái hậu nghĩ là vua còn nhỏ, bèn mưu đoạt lại ngôi vị cho con trai mình.

Đầu năm 1178, sau khi mãn tang Tiên đế Anh tông, bà mở tiệc ở trong điện và chiêu dụ quan lại hòng lập mưu gây sức ép buộc Cao Tông phải thoái vị, nhưng các đại thần đều một lòng nghe theo Thái úy Tô Hiến Thành, người lĩnh quản Cấm binh, khiến mưu sự không thành.

Sau khi thuyết phục các quan viên không được, bà tìm đến Tô Hiến Thành. Biết ông là người trung thực, khó mà mua chuộc, bà sai người đến gặp riêng vợ ông là Lữ thị, đưa hết ngọc ngà châu báu. Ông biết được, than rằng:..."Ta là đại thần nhận mệnh tiên đế dặn lại giúp vầy vua bé, nay lấy của đút mà bỏ vua nọ lập vua kia thì làm sao gặp tiên đế ở suối vàng".

Một hôm, Thái hậu lại triệu ông vào mà thuyết phục, lời nói rằng:..."Ông đối với nước nhà có thể nói là người trung đấy, nhưng tuổi tác của ông cũng đã đến lúc về chiều rồi vậy mà lại đi giúp một ông vua nhỏ bé thì những việc ông làm ai biết cho ? Chi bằng lập vua lớn tuổi, có lớn tuổi thì kẻ kia mới biết mà đem sự ban thưởng của một vị vua hiền đức đến cho ông, rồi ông sẽ được giàu sang mãi mãi, há không phải đẹp đẽ hay sao ? "

Nhưng Tô Hiến Thành đáp lại:..."Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui làm. Lời tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quang ngày xưa sao? Thần không dám vâng mệnh". Nói rồi, Tô Hiến Thành vội bước đi. Thái hậu phẫn uất nhưng không làm gì được.

Thấy không thuất phục được Tô Hiến Thành, Thái hậu đành mưu việc tạo binh biến. Trong đêm triệu gấp con trai vào cung bàn kế. Long Xưởng vừa sợ vừa mừng, bèn dùng chiếc ghe nhỏ đi theo sông Tô Lịch để vào cung.

Tô Hiến Thành nhận được mật báo, chấn chỉnh quân đội hoàng cung, ngăn cản Long Xưởng vào. Long Xưởng không thể vào được, đành phải rút lui. Việc mưu phế lập không thành.

Thái hậu từ đấy từ bỏ việc phế lập, rút lui khỏi chính trường.

Qua đời 

Năm Kỷ Mùi (1200), tháng 7, bà mất, không rõ bao nhiêu tuổi.

                             [quay lại]


Tổng số thành viên: 19605
Thành viên mới nhất: Michell Nguyen
Đang trực tuyến: 4
Lượt truy cập: 4365270