04/10/2014 14:50


ĐINH CÔNG TRỨ (? - ?)


Đinh Công Trứ (chữ Hán: 丁公著; ? - ?) là tướng có công giúp Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền trong việc giành lại độc lập cho Việt Nam từ tay Trung Quốc trong thế kỷ 10.

Đinh Công Trứ người quê động Hoa Lư, châu Đại Hoàng thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, Việt Nam ngày nay.

Sự nghiệp

Dưới thời họ Khúc, Dương Đình Nghệ vừa là hào trưởng của đất Dương Xá, vừa là một trong những bộ tướng của họ Khúc. Khi quân Nam Hán xâm lược và chiếm đóng Tĩnh Hải quân, Dương Đình Nghệ quyết chí nổi dậy giành độc lập. Đinh Công Trứ ở Trường Châu (Ninh Bình) trong số những nhân vật nổi tiếng đương thời như Ngô Quyền ở Phong Châu (nay thuộc Sơn Tây, Hà Nội), Phạm Chiêm ở Nam Sách... đều theo về với Dương Đình Nghệ.

Năm 931, sau khi cùng Dương Đình Nghệ đem quân ra quét sạch quân Nam Hán, tái lập nền độc lập và tự chủ, Đinh Công Trứ được cử làm thứ sử Hoan Châu, Ngô Quyền làm thứ sử Ái Châu.

Tháng 4 năm 937, Dương Đình Nghệ bị một bộ tướng, cũng là con nuôi là Kiều Công Tiễn giết chết để giành quyền. Đinh Công Trứ vào châu Ái theo Ngô Quyền. Ngô Quyền giết chết Kiều Công Tiễn và đánh tan quân Nam Hán, tự xưng là Ngô Vương. Đinh Công Trứ tiếp tục được phong trấn thủ châu Hoan, nhưng bị bệnh mất không lâu sau đó.

Con ông là Đinh Bộ Lĩnh trở lại Hoa Lư cát cứ khi nhà Ngô suy yếu. Đến năm 968, Bộ Lĩnh đánh dẹp các sứ quân và trở thành vua Đinh Tiên Hoàng.

Thờ phụng

Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hội Truyền thông Thành phố Hà Nội phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch Ninh Bình cùng dòng tộc họ Đàm tổ chức Lễ tôn vinh cha và thân mẫu của vua Đinh Tiên Hoàng trong ba ngày 8,9,10/4/2010. Lễ hội bắt đầu rước từ Hà Nội kéo dài đến Ninh Bình. Tâm điểm của lễ tôn vinh là lễ rước hai pho tượng song thân của Vua Đinh là ông Đinh Công Trứ và bà Đàm Thị Diễn ra vào ngày 9/4/2010. Điểm khởi kiệu rước tượng được bắt đầu từ Từ đường Đàm Văn ở thôn An Trai, xã Vân Canh, (Hoài Đức- Hà Nội). Kết thúc hành trình rước tượng kéo dài hơn 100 km tại nhà Khải Thánh, đền Đinh Tiên Hoàng, thuộc khu di tích lịch sử văn hoá cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Hai pho tượng đồng này có chiều cao 1.1m, mỗi pho tượng nặng gần 200 kg do gia đình hậu duệ đời thứ 40 của bà Đàm Thị tự nguyện công đức với sự đồng thuận của toàn dòng tộc họ Đàm. Việc định hình đường nét và "trang phục" cho hai pho tượng được ông Đàm Quang Trung và các nhà nghiên cứu mỹ học cổ thực hiện cùng sự cố vấn của hoạ sĩ Trịnh Quang Vũ.

                            [quay lại]


Tổng số thành viên: 19602
Thành viên mới nhất: Vũ ngọc khánh
Đang trực tuyến: 11
Lượt truy cập: 4326516