Trang chủ -> Danh nhân Việt Nam -> TRIỆU ĐÀ (Triệu Vũ Đế)
 01/10/2014 19:33

TRIỆU ĐÀ


Triệu Đà (tiếng Hán phồn thể: 趙佗, giản thể: 赵佗; 257 TCN hoặc 259 TCN - 137 TCN), tức là Triệu Vũ Đế (趙武帝), Nam Việt Vũ Vương (南越武王) và Nam Việt Vũ Đế (南越武帝), là vua nhà Triệu nước Nam Việt (207 TCN - 136 TCN).

Nguồn gốc và năm sinh

Triệu Đà vốn người huyện Chân Định (真定), quận Hằng Sơn (恒山), đời nhà Tần (ngày nay là huyện Chính Định (正定), tỉnh Hà Bắc), Trung Quốc, là người di cư xuống miền nam mới khai hoá đời nhà Tần, là người lập nên nước Nam Việt.

Triệu Đà là vua thứ nhất của nước Nam Việt, trị vì khoảng từ năm 207 trước Công Nguyên đến năm 136 trước Công Nguyên, xưng là Nam Việt Vũ Vương hay là Nam Việt Vũ Đế.

Năm mất của Triệu Đà được các nguồn sử liệu thống nhất là 136 TCN. Về năm sinh của Triệu Đà, các nguồn tài liệu đề cập khác nhau. Đại Việt sử ký toàn thư của Việt Nam chép rằng ông sinh năm 256 TCN, tức là thọ 121 tuổi.

Các nhà nghiên cứu hiện nay lại căn cứ theo một dòng trong Hán thư của Ban Cố cho biết ông tham gia nam chinh từ năm 20 tuổi và đó là thời điểm 13 năm trước khi Lưu Bang thành lập nhà Hán (206 TCN), tức là ông sinh năm 239 TCN và tham gia nam chinh từ năm 219 TCN, trước 5 năm so với thời điểm ghi trong Sử ký: năm 214 TCN được Tần Thủy Hoàng phong huyện lệnh Long Xuyên. Theo giả thuyết này, Triệu Đà thọ 103 tuổi.

Sự nghiệp

Bình định đất Lĩnh Nam

Sau khi thống nhất 7 nước, Tần Thuỷ Hoàng bắt tay bình định vùng đất Bách Việt ở Lĩnh Nam.

Năm 218 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư (屠睢) làm chủ tướng, chỉ huy 50 vạn quân đi bình định miền Lĩnh Nam. Khi Đồ Thư chiếm được vùng đất Lĩnh Nam, Tần Thủy Hoàng lập nên 3 quận là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (đông bắc Quảng Tây) và Tượng Quận (nam Quảng Tây). Đồ Thư chiếm được nhiều đất đai nhưng cuối cùng bị tử trận.

Tần Thủy Hoàng sai Nhâm Ngao (壬嚣) cùng Triệu Đà đến cai trị vùng Lĩnh Nam. Nhâm Ngao làm Quận úy quận Nam Hải. Nam Hải gồm 4 huyện Bác La, Long Xuyên, Phiên Ngung và Yết Dương; trong đó huyện Long Xuyên có vị trí quan trọng nhất về địa lý và quân sự, được giao dưới quyền Triệu Đà làm Huyện Lệnh.

Giếng Việt Vương ở huyện Long Xuyên, TP. Hà Nguyên, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tương truyền được đào bởi Triệu Đà khi ông còn làm Huyện lệnh Long Xuyên

Sau khi tới thủ phủ Long Xuyên nhậm chức, Triệu Đà áp dụng chính sách "hoà tập Bách Việt" đồng thời xin Tần Thủy Hoàng di dân 50 vạn người từ Trung Nguyên đến vùng này, tăng cường chính sách "Hoa Việt dung hợp" (hòa lẫn người Hoa Hạ và người Lĩnh Nam).

Ly khai nhà Tần

Tần Thủy Hoàng chết (210 TCN), Tần Nhị Thế nối ngôi, khởi nghĩa Trần Thắng, Ngô Quảng nổ ra năm 209 TCN, rồi tiếp theo là chiến tranh Hán-Sở giữa Lưu Bang và Hạng Vũ (từ năm 206 TCN), Trung Nguyên rơi vào cảnh rối ren loạn lạc.

Năm 208 TCN, quận uý Nam Hải là Nhâm Ngao bị bệnh nặng, trước khi chết cho gọi Triệu Đà đang tạm thời làm huyện lệnh Long Xuyên đến, dặn dò đại ý rằng:

vùng đất Nam Hải có núi chắn, có biển kề, rất thuận lợi cho việc dựng nước và phòng thủ chống lại quân đội từ Trung Nguyên (tức khu vực trung ương Trung Quốc) đánh xuống,

và đồng thời chính thức bổ nhiệm Triệu Đà nối quyền cai trị quận Nam Hải.

Không lâu, Nhâm Ngao chết, Triệu Đà gửi lệnh đến quan quân các cửa ngõ Lĩnh Nam, canh giữ phòng chống quân đội Trung nguyên xâm phạm, và nhân dịp đó, giết hết những quan lại nhà Tần bổ nhiệm ở Lĩnh Nam, cho tay chân của mình thay vào những chức vụ đó.

Chinh phục Âu Lạc, lên ngôi vua nước Nam Việt

Sử sách ghi chép không thống nhất về việc Triệu Đà đánh chiếm Âu Lạc, cả về cách đánh lẫn thời gian và địa lý.

Sử Ký Tư Mã Thiên ghi chép vắn tắt rằng Triệu Đà dùng tài ngoại giao và đút lót mua chuộc các thủ lĩnh Âu Lạc mà thu phục nước này vào thời điểm "sau khi Lã hậu chết" (năm 180 TCN). Các sách giáo khoa tại Việt Nam đều thống nhất lấy thời điểm ước lệ này trong Sử Ký và lấy năm ngay sau 180 TCN là 179 TCN (Xem mục về Niên đại và tư liệu ở dưới).

Lần xâm phạm đầu tiên, Triệu Đà đóng quân ở núi Tiên Du (thuộc Bắc Ninh) giao chiến với An Dương Vương bị thất bại và bỏ chạy. Triệu Đà lập mưu gả con trai là Trọng Thủy cho con gái An Dương Vương là Mỵ Châu để do thám bí mật về bố phòng quân sự của Âu Lạc để tiếp tục tiến hành âm mưu xâm lược.

Sau khi kết thông gia, An Dương Vương lập ranh giới từ Bình Giang trở lên phía Bắc thuộc quyền cai trị của Triệu Đà, trở về phía Nam thuộc quyền cai trị của An Dương Vương.

Năm 208 TCN, Triệu Đà đánh thắng Âu Lạc của An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào quận Nam Hải, lập nước Nam Việt. Theo truyền thuyết, sau khi nghe tin Mỵ Châu bị An Dương Vương giết, Trọng Thủy nhảy xuống giếng tự vẫn để trọn tình với vợ là Mỵ Châu.

Năm 207 TCN, Triệu Đà cất quân đánh chiếm quận Quế Lâm, Tượng Quận; tự xưng "Nam Việt Vũ Vương".

Năm 206 TCN, nhà Tần diệt vong.

Nước Nam Việt bấy giờ, bao gồm từ núi Nam Lĩnh, phía tây đến Dạ Lang, phía nam đến dãy Hoành Sơn, phía đông đến Mân Việt[14]. Thủ đô nước Nam Việt lúc ấy là thành Phiên Ngung, là thành Quảng Châu ngày nay.

Các tài liệu nghiên cứu ngày nay cho rằng miền đất Việt Nam bay giờ nằm trong quận Tượng 象郡 của nước Nam Việt bấy giờ.

Thần phục nhà Hán

Nước Nam Việt phía Tây giáp nước Dạ Lang, phía Đông giáp nước Mân Việt, phía Nam giáp Khmer, phía Bắc giáp nhà Hán.

Trải qua chinh chiến, Lưu Bang đã lập được chính quyền nhà Tây Hán (202 TCN), bình định Trung Nguyên, bao gồm cả thế lực thu phục được của Hạng Vũ. Lưu Bang quyết định không lấy chiến tranh đối phó với nước Nam Việt để dân chúng Trung nguyên khỏi mất người mất của sau bao năm loạn lạc.

Năm 196 TCN, Hán Cao Tổ Lưu Bang sai quan đại phu Lục Giả đi sứ đến nước Nam Việt khuyên Triệu Đà quy phục nhà Hán.

Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép:

Vũ Vương vốn là người kiêu căng, có ý không muốn phục nhà Hán, đến khi Lục Giả sang đến nơi, vào yết kiến Vũ Vương, Vũ Vương ngồi xếp vành tròn, không đứng dậy tiếp. Lục Giả thấy vậy mới nói rằng: "Nhà vua là người nước Tàu, mồ mả và thân thích ở cả châu Chân Định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà vua, nếu nhà vua kháng cự sứ thần, không làm lễ thụ phong, Hán đế tất là tức giận, hủy hoại mồ mả và giết hại thân thích của nhà vua, rồi đem quân ra đánh thì nhà vua làm thế nào?" Vũ vương nghe lời ấy vội vàng đứng dậy làm lễ tạ, rồi cười mà nói rằng: "Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu, chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán Đế!"

Được Lục Giả khuyên, Triệu Đà chịu nhận ấn tước Nam Việt Vương (chúa đất vùng Nam Việt) của Hán Cao Tổ gửi, thần phục nhà Hán, làm Nam Việt thành một đất chư hầu của nhà Hán. Từ đó, Nam Việt và nhà Hán trao đổi sứ giả và buôn bán. Lưu Bang đã lấy hoà bình mà quy phục Triệu Đà, không còn mối lo thế lực chống đối nhà Hán ở miền nam nữa.

Xưng đế chống Hán

Hán Cao Tổ Lưu Bang và Hán Huệ Đế Lưu Doanh chết đi, Lã Hậu nắm quyền, bắt đầu gây sự với Triệu Đà. Lã Hậu ra lệnh cấm vận với nước Nam Việt. Triệu Đà thấy Lã Hậu có thể qua nước Trường Sa mà thôn tính Nam Việt. Thế là Triệu Đà bèn tuyên bố độc lập khỏi nhà Hán, tự xưng "Nam Việt Võ Đế" và cất quân đánh nước Trường Sa, chiếm được mấy huyện biên giới của Trường Sa mới chịu thôi. 

Lã Hậu bèn sai đại tướng Long Lư hầu Chu Táo đi đánh Triệu Đà. Quân lính Trung Nguyên không quen khí hậu nóng nực và ẩm thấp miền nam, ùn ùn đổ bệnh, ngay dãy núi Nam Lĩnh cũng chưa đi qua nổi. Một năm sau, Lã Hậu chết, mưu đồ đánh Triệu Đà của quân nhà Hán bỏ hẳn.

Lúc đó Triệu Đà dựa vào tiếng tăm tài quân sự của mình lừng lẫy cả vùng Lĩnh Nam, lại nhờ tài hối lộ của cải, làm cả Mân Việt, Tây Âu ùn ùn quy thuộc Nam Việt. Lúc ấy nước Nam Việt bành trướng đến mức cực thịnh. Triệu Đà bắt đầu lấy tên uy Hoàng Đế mà ra lệnh ra oai, thanh thế ngang ngửa đối lập với nhà Hán.

Lại thần phục nhà Hán

Năm 180 trước Công Nguyên, Lã Hậu chết, Hán Văn Đế Lưu Hằng nối ngôi, sai người tu sửa mồ mả cha ông Triệu Đà, cắt đặt hàng năm đúng ngày thờ cúng, ban thưởng chức vụ và của cải cho bà con Triệu Đà còn ở trong đất Hán.

Nghe thừa tướng Trần Bình tiến cử, Lưu Hằng sai Lục Giả, người từng được Hán Cao Tổ sai sứ đi Nam Việt nhiều lần, làm chức Thái Trung Đại Phu, lại đi thuyết phục Triệu Đà quy Hán. Lục Giả đến Nam Việt, lại trổ tài thuyết phục Triệu Đà. Triệu Đà nghe thuyết phục phải trái hơn thiệt, quyết định bỏ danh hiệu Đế, quy phục nhà Hán, nhưng vẫn giữ tên "Nam Việt Vương."

Kể từ đó đến đời Hán Cảnh Đế, Triệu Đà một mực xưng thần, hàng năm cứ mùa Xuân và mùa Thu, đều đưa đoàn sứ đến Trường An triều cống hoàng đế nhà Hán, chịu mệnh lệnh làm chư hầu nhà Hán. Tuy vậy, trong đất Nam Việt, Triệu Đà vẫn lấy danh hiệu Hoàng Đế.

Năm Kiến Nguyên thứ tư đời Hán Vũ Đế (137 TCN), Nam Việt Vương Triệu Đà qua đời, sống được ước chừng hơn trăm tuổi (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư là 121 tuổi), chôn ở Phiên Ngung (thành phố Quảng Châu ngày nay).

Triệu Đà chết đi, con cháu tiếp tục được 4 đời vua Nam Việt, cho đến năm 111 trước Công Nguyên mới bị nhà Hán chiếm.

Ảnh hưởng lịch sử

Tượng Triệu Đà tại Chính Định, Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc.

Triệu Đà vốn là quan võ của nhà Tần, rồi được Tần Thủy Hoàng bổ làm Huyện Uý huyện Long Xuyên trong quận Nam Hải mà Nhâm Ngao làm Quận Uý. Triệu Đà lập nên nước Nam Việt, độc lập với nhà Tần, cai trị nước Nam Việt 67 năm, từ năm 203 trước Công nguyên tới năm 137 trước Công nguyên, rồi truyền ngôi cho cháu là Triệu Muội. Triệu Đà thực hành chính sách "hoà tập Bách Việt," nhằm đồng hoá dân Trung Nguyên và Lĩnh Nam.

Sự công nhận nhà Triệu và nước Nam Việt trong dòng chảy lịch sử Việt Nam

Nhà Triệu là một triều đại, hay một giai đoạn lịch sử gây nhiều tranh luận cho giới nghiên cứu sử học Việt Nam. Sử học Việt Nam từ trước đến nay đều có hai quan điểm trái ngược nhau:

Triệu Vũ Đế đánh bại An Dương Vương, sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt là chuyện nội bộ nước Việt, nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam. Nhà Triệu mất là khởi đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Triệu Đà là người phương Bắc, đến từ Trung Nguyên (nay là lưu vực sông Hoàng Hà ở Trung Quốc)[16] theo lệnh Tần Thuỷ Hoàng đem di dân người Hoa Hạ xuống vùng Lĩnh Nam (là nơi cư trú của các bộ tộc Bách Việt) và được làm Huyện lệnh Long Xuyên quận Nam Hải mới khai hoá, khi nhà Tần mất thì mới tách ra cát cứ, do đó Triệu Đà là kẻ ngoại bang đến xâm lược nước Âu Lạc. An Dương Vương mất nước là mở đầu thời kỳ Bắc thuộc.

Những địa điểm gắn với Triệu Đà

Thành phố Thạch Gia Trang (石家庄) ở tỉnh Hà Bắc: huyện lỵ Chính Định ở góc nam Thạch Gia Trang là nơi sinh của Triệu Đà, thời nhà Tần có tên là huyện Chân Định quận Hằng Sơn. Thị trấn Triệu Lăng Phu (赵陵铺镇) ở góc nam quận Tân Hoa (新华区) của thành phố Thạch Gia Trang có mộ tổ Triệu Đà do Hán Võ Đế đời Tây Hán xây để vỗ về Triệu Đà, ngày nay vẫn còn bia mộ.

Huyện Long Xuyên (龙川) tỉnh Quảng Đông: thời nhà Tần là huyện Long Xuyên quận Nam Hải (南海), nơi Triệu Đà làm quan huyện 6 năm sau khi bình định Lĩnh Nam. Nguyên trị sở huyện này được đặt tên là Đà Thành Trấn (佗城镇) để kỷ niệm Triệu Đà.

Thành phố Quảng Châu tỉnh Quảng Đông: thời nhà Tần là huyện Phiên Ngung (番禺) quận Nam Hải, thủ phủ quận Nam Hải, nơi Triệu Đà làm Quận Uý 4 năm. Sau khi Tần diệt vong, Triệu Đà vẫn lấy Phiên Ngung làm thủ phủ, lập nên nước Nam Việt. Phiên Ngung cũng là nơi chôn cất Triệu Đà.

Niên đại và tư liệu

Về thời gian thành lập nước Nam Việt

Những mốc năm tháng Triệu Đà lập nước Nam Việt đều không có sử sách ghi chép lại. Tư liệu ngày nay chỉ căn cứ vào cuốn "Sử Ký" của Tư Mã Thiên mà suy luận ra. Trước mắt có hai thuyết Triệu Đà lập nước Nam Việt: một thuyết cho rằng đó là năm 203 TCN, thuyết kia cho rằng vào năm 204 TCN

Về thời gian chinh phục Âu Lạc

Như đã đề cập trong phần sự nghiệp của Triệu Đà, các nguồn tài liệu xưa không thống nhất về thời điểm nước Âu Lạc bị chinh phục. Giữa các sách cổ sử của Việt Nam (năm 208 TCN) và Sử Ký của Tư Mã Thiên (khoảng 179 TCN) chênh lệch nhau tới gần 30 năm. Không rõ các sử gia phong kiến Việt Nam căn cứ vào nguồn tư liệu nào và cũng không có sự lý giải, kết luận thỏa đáng của các sử gia đương đại đối với vấn đề này.

Các sách giáo khoa tại Việt Nam hiện nay căn cứ theo tư liệu của Sử ký để lấy năm 179 TCN. Có lẽ vì Sử ký ra đời chỉ một vài chục năm sau khi nước Nam Việt mất nên đây được coi là nguồn tài liệu đáng tin cậy hơn.

Về cái chết của Trọng Thuỷ

Trọng Thủy là con trai Triệu Đà, không được Sử ký đề cập đến. Tên Trọng Thủy chỉ được nhắc đến trong các sách sử và truyền thuyết của Việt Nam. Tuy nhiên, giữa các tài liệu này cũng có những điểm dị biệt.

Sử cũ theo cách nói của truyền thuyết về chuyện nỏ thần và việc làm rể của Trọng Thủy nhằm đánh cắp nỏ thần, quyết định việc mất còn của Âu Lạc. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép y nguyên như truyền thuyết cho rằng sau khi chiếm được Âu Lạc, Thủy thấy vợ chết bèn chết theo. Tuy nhiên, cũng Đại Việt Sử ký Toàn thư, lại chép con Thủy là Hồ nối ngôi Triệu Đà năm 137 TCN, Hồ chết năm 124 TCN thọ 52 tuổi, tức là sinh năm 175 TCN, sau khi Thủy chết tới 33 năm! Như vậy các sử gia phong kiến đã lầm lẫn tình tiết này. Dù theo thuyết của Sử ký cho rằng Âu Lạc mất năm 179 TCN đi nữa thì khoảng cách giữa khi Thủy chết với thời gian Hồ sinh ra vẫn là 4 năm. Các nguồn tài liệu có nhắc đến Thủy (trừ Sử ký) đều nói Hồ là con Thủy nhưng không nhắc đến người con trai nào khác của Triệu Đà. Do đó, việc các nhà nghiên cứu nghi ngờ Trọng Thủy chết theo vợ là hoàn toàn có cơ sở. Có lẽ đó là lý do khiến các sách Việt Sử tiêu án và Khâm định Việt Sử thông giám cương mục (viết sau Đại Việt Sử ký Toàn thư) chỉ nhắc tới việc Thủy làm rể mà không nhắc tới việc Thủy chết theo Mỵ Châu.

[ Quay lại ]     


Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 10
Lượt truy cập: 4360881