Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương II. Thời sơ sử - THỜI HỒNG BÀNG - Nước Văn Lang
 28/09/2014 12:27



Nước Văn Lang



Lãnh thổ nước Văn Lang năm 500 TCN


Văn Lang
(chữ Hán: 文郎) là nhà nước đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử. Nhà nước Văn Lang được cai trị bởi các vua Hùng.

Truyền thuyết khởi đầu

Theo bộ sử ký Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) - phần ngoại kỷ do sử gia Ngô Sĩ Liên viết ở thế kỷ 15 chép rằng: Đế Minh sinh ra Lộc Tục, Lộc Tục sinh ra Lạc Long Quân. Kế tiếp Lạc Long Quân và vợ là Âu Cơ sinh được 100 người con trai, 50 người theo mẹ lên núi cùng suy tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô ở Bạch Hạc - Phú Thọ

Nước Văn Lang được hình thành vào khoảng năm 2879 TCN và kết thúc vào năm 258 TCN bởi An Dương Vương Thục Phán. Từ đây hình thành quan niệm dân gian coi nước Văn Lang đời Hùng Vương ra đời cách ngày nay khoảng hơn 4000 năm và thường được sách báo nói tới 4000 năm văn hiến

Tuy nhiên theo bộ sử ký xuất hiện còn sớm hơn bộ ĐVSKTT là bộ Đại Việt sử lược vào thế kỷ 13 thì chép nước Văn Lang được thành lập bởi thủ lĩnh bộ tộc Văn Lang thu phục các bộ tộc Việt (15 bộ) khác vào khoảng thế kỷ 7 TCN cùng thời với vua Chu Trang Vương của nhà Chu - Trung Quốc. Ông lên ngôi xưng hiệu là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Văn Lang. Về sau các sử gia nước ta bị ảnh hưởng của các sử gia Trung Quốc nên gọi kinh đô thời Văn Lang là Phong Châu.

Lãnh thổ

Theo "Lĩnh Nam chích quái" (嶺南摭怪), quyển 1, Hồng Bàng thị truyện (鴻龐氏傳) thì nước Văn Lang:

1. đông giáp Nam Hải (南海), tức biển Đông
2. tây tới Ba Thục (巴蜀)
3. bắc tới hồ Động Đình (洞庭)
4. nam tới nước Hồ Tôn Tinh (狐猻精), còn gọi là nước Hồ Tôn (胡孫). Hồ Tôn Tinh về sau trở thành nước Chiêm Thành (占城).

Nước được chia thành 15 bộ (), còn gọi là quận (), bao gồm:

1. Việt Thường (越裳)
2. Giao Chỉ (交趾)
3. Chu Diên (朱鳶)
4. Vũ Ninh (武寧)
5. Phúc Lộc (福祿)
6. Ninh Hải (寧海)
7. Dương Tuyền (陽泉)
8. Lục Hải (陸海)
9. Hoài Hoan (懷驩)
10. Cửu Chân (九真)
11. Nhật Nam(日南)
12. Chân Định (真定)
13. Văn Lang (文郎)
14. Quế Lâm (桂林)
15. Tượng Quận (象郡)

Theo "Việt sử lược" (越史略), quyển thượng, Quốc sơ duyên cách (國初沿革) thì nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc (部落) là:

1. Giao Chỉ (交趾)
2. Việt Thường Thị (越裳氏)
3. Vũ Ninh (武寧)
4. Quân Ninh (軍寧)
5. Gia Ninh (嘉寧)
6. Ninh Hải (寧海)
7. Lục Hải (陸海)
8. Thang Tuyền (湯泉)
9. Tân Xương (新昌)
10. Bình Văn (平文)
11. Văn Lang (文郎)
12. Cửu Chân (九真)
13. Nhật Nam (日南)
14. Hoài Hoan (懷驩)
15. Cửu Đức (九德)

Kinh đô đặt tại Văn Lang.

Trong "Đại Việt sử ký toàn thư" (大越史記全書), Ngoại kỉ (外紀), quyển 1, Hồng Bàng thị kỉ (鴻厖氏紀), cương vực và tên gọi 15 bộ của nước Văn Lang được chép gần như tương tự với "Lĩnh Nam chích quái" chỉ khác là không có bốn bộ Nhật Nam, Chân Định, Quế Lâm và Tượng Quận mà thay vào đó là bốn bộ Vũ Định (武定), Bình Văn (平文), Tân Hưng (新興) và Cửu Đức (九德). Bộ Văn Lang là nơi vua đóng đô. 15 bộ của nước Văn Lang theo "Đại Việt sử ký toàn thư" bao gồm:

1. Giao Chỉ (交趾)
2. Chu Diên (朱鳶)
3. Vũ Ninh (武寧)
4. Phúc Lộc (福祿)
5. Việt Thường (越裳)
6. Ninh Hải (寧海)
7. Dương Tuyền (陽泉)
8. Lục Hải (陸海)
9. Vũ Định (武定)
10. Hoài Hoan (懷驩)
11. Cửu Chân (九真)
12. Bình Văn (平文)
13. Tân Hưng (新興)
14. Cửu Đức (九德)
15. Văn Lang (文郎)

Các tài liệu nghiên cứu sau này cho rằng lãnh thổ nước Văn Lang bao gồm khu vực Bắc Bộ và ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay, dựa trên các di tích văn hóa đồ đồng đã được phát hiện, thời kỳ Văn Lang của các vua Hùng tương ứng với thời kỳ văn hoá Đông Sơn (từ năm 696 TCN - 682 TCN)

Tổ chức nhà nước

Đứng đầu nhà nước là Hùng Vương, trong triều đình có các quan giúp việc là Lạc Hầu, quan Lạc Tướng cai quản các bộ địa phương, dưới Lạc Tướng là các quan Bồ Chính cai quản từng khu vực nhỏ (làng). Theo các tư liệu cổ, các vị vua cai trị nước Văn Lang có tất cả 18 đời (hoặc dòng) vua.

Xã hội phân ra làm ba tầng lớp, vua quan, dân, nô lệ. Nô lệ chỉ có trong nhà của vua quan. Dân ở các làng dưới quyền cai quản của quan Bồ Chính, chủ yếu làm nghề nông.

Quan điểm về đặc tính của nhà nước Văn Lang rất đa dạng. Có nhiều quan điểm khác nhau trong đó có quan điểm của GS. Hà Văn Tấn cho rằng nhà nước Văn Lang chỉ là một cái làng lớn (Hà Văn Tấn, Làng, liên làng và siêu làng (Mấy vấn đề về phương pháp), Tạp chí Khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, số 1, 1987, in lại trong Một số vấn đề Lý luận Sử học, Nxb ĐHQGHN, 2007); quan điểm của tác giả Nguyễn Minh Tuấn cho rằng: Nhà nước Văn Lang thực chất là một "nhà nước siêu làng", thể hiện cả ở sự liên kết giữa làng và nước, chứ không chỉ là sự liên kết giữa các làng với nhau. Theo tác giả, tính chất "siêu làng" thể hiện ít nhất ở ba khía cạnh: Thứ nhất, về nội dung, nhà nước mang dáng dấp của một cái làng lớn có tính liên kết mạnh, tính đại diện cao và tính giai cấp yếu. Thứ hai, về phạm vi và tính chất liên kết, quan hệ làng nước mang tính hoà đồng, lưỡng hợp, chưa có sự phân định rạch ròi về chức năng, thẩm quyền giữa làng và nước. Thứ ba, về thời gian, nhà nước Văn Lang dần được hình thành trong một quá trình rất lâu dài (Nguyễn Minh Tuấn, Nhà nước Văn Lang - nhà nước siêu làng, Tạp chí Khoa học, Đại học Quốc gia Hà nội, chuyên san Kinh tế - Luật, Tập 23, Số 3, năm 2007).

Kết thúc

Cuối thời Hồng Bàng, theo ĐVSKTT cũng như theo Đại Việt sử lược, do nhiều lần bị vua Thục sang đánh nhưng nhờ binh cường tướng giỏi nên đều thắng nên vua Hùng sinh ra kiêu ngạo, chểnh mảng võ bị, ngày chỉ uống rượu ăn tiệc làm vui. Năm 258 TCN, cháu vua Thục là Thục Phán sang đánh, vua còn mải mê uống rượu, khi quân Thục đến gần vua nhảy xuống giếng chết, quân lính đầu hàng. Thục Vương chiếm lấy nước, sát nhập và thành lập nước Âu Lạc

Nhân vật lịch sử:

1. Hùng Vương
  
 (Click vào đây để xem tiểu sử)

2. Thánh Gióng
  
 (Click vào đây để xem tiểu sử)

                                                                                                                                                [quay lại]


Tổng số thành viên: 19604
Thành viên mới nhất: Mỹ Duyên
Đang trực tuyến: 9
Lượt truy cập: 4360508