Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương I. Thời tiền sử - VIỆT NAM THỜI TIỀN SỬ - Thời đại đồ đồng đá
 08/05/2015 13:38


VIỆT NAM THỜI TIỀN SỬ - Thời đại đồ đồng đá

1. Văn hóa Phùng Nguyên (2.000 - 1.500 TCN)

2. Văn hóa Cồn Chân Tiên, Hoa Lộc

3. Văn hóa Tiền Sa Huỳnh (2.000 - 1.000 TCN)

4. Văn hóa Đồng Nai (thế kỷ V tr. công nguyên)

 

- Văn hóa Phùng Nguyên

Văn hóa Phùng Nguyên là một nền văn hóa tiền sử thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng, cuối thời đại đồ đá mới, cách đây chừng 4.000 năm đến 3.500 năm. Phùng Nguyên là tên một làng ở xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi đầu tiên tìm ra các di chỉ của nền văn hóa này. Di chỉ văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện ở Phú Thọ, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng và một vài nơi khác trong lưu vực sông Hồng. Tính đến năm 1998, có khoảng 55 địa điểm đã được phát hiện có di chỉ văn hóa đồng dạng với các di chỉ tại Phùng Nguyên, trong đó có 3 địa điểm có di cốt người. Ở những nơi đây, trong tất cả các hiện vật khảo cổ khai quật được thuộc nền văn hóa này, ngoài ít mẩu xỉ đồng, hiện tại chưa hề tìm thấy bất kỳ công cụ bằng đồng nào. Công cụ bằng đá phổ biến và chiếm ưu thế tuyệt đối. Đồ trang sức bằng các loại đá, đá bán quý, ngọc được tìm thấy nhiều, đặc biệt là các vòng đá. Ngoài đồ đá, cư dân Phùng Nguyên đã biết chế tạo đồ gốm đặc sắc từ khâu làm đất, tạo dáng cho đến hoa văn trang trí.

Cùng thuộc sơ kỳ thời đại đồ đồng ở Việt Nam như văn hóa Phùng Nguyên còn có văn hóa Cồn Chân Tiên, Hoa Lộc (lưu vực sông Mã), văn hóa của các bộ lạc người nguyên thủy ở lưu vực sông Lam, của các bộ lạc ở thượng lưu sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La), văn hóa Tiền Sa Huỳnh (Trung Trung bộ), văn hóa Đồng Nai (Đông Nam bộ).

+ Các di chỉ

Cho tới nay, hơn 60 di chỉ thuộc văn hóa Phùng Nguyên đã được phát hiện. Các di tích này phân bố trong phạm vi rộng khắp châu thổ Bắc Bộ, chủ yếu là dọc theo lưu vực các con sông lớn: như sông Hồng, sông Lô, sông Thao, sông Đà, sông Đáy… tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nội, Bắc Ninh…

* Di chỉ Phùng Nguyên được lấy làm tên xác lập cho nền văn hóa Phùng Nguyên tọa lạc tại xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Di chỉ Phùng Nguyên đã được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện và khai quật nhiều lần, trên diện tích rộng khoảng 4.000m2 trong những năm từ 1959 đến 1970.

* Di chỉ Mán Bạc ở thôn Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô (Ninh Bình), thuộc hệ thống đứt gãy của dải núi đá vôi Tam Điệp chạy ra tới biển. Theo các nhà khảo cổ học, di chỉ Mán Bạc thuộc giai đoạn văn hóa cuối Phùng Nguyên, đầu Đồng Đậu, có niên đại gần 4.000 năm. Cư dân cổ Mán Bạc sống trên toàn bộ doi đất cao mà nhân dân thường gọi là Gò Vụng, được dải núi Mán Bạc bao quanh theo thế hình vòng cung tạo ra một nơi rất kín. ở đó, cư dân yên tâm sinh sống vì có thể tránh được thời tiết xấu. Năm 1999, các nhà khảo cổ Việt Nam đã tiến hành khai quật di chỉ Mán Bạc lần thứ nhất, và đã tìm thấy 5 mộ táng và 6 cá thể. Trong lần khai quật lần thứ hai, với diện tích 24m2, các nhà khảo cổ đào được 10 mộ với 11 cá thể. Người chết được chôn theo tư thế nằm ngửa, tay chân duỗi thẳng, mặt nghiêng về bên trái. Các nhà khảo cổ cũng thu được 39 chiếc rìu, 8 đục, 6 hạt chuỗi, 10 mảnh vòng, 2 bàn đập vải vỏ cây, 3 nồi gốm, 1 bát đồng, 3 hiện vật hình nấm còn khá nguyên vẹn... và hàng trăm kilogam vỏ nhuyễn thể. Đây cũng là di chỉ đầu tiên trong giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên giữ được di cốt người còn khá nguyên vẹn. Đối chứng với mẫu bào thai 8 tháng tuổi ở Viện Giải phẫu, các nhà khảo cổ đã khẳng định những di cốt được tìm thấy ở một số mộ là trẻ sơ sinh (chiếm tới 50%).

* Di chỉ khảo cổ học Văn Điển, Tân Triều (ở Thanh Trì – Hà Nội) và gần đây đã phát hiện di chỉ Phùng Nguyên muộn tại di tích Đàn Xã Tắc (Đống Đa - Hà Nội). 

* Các di chỉ khác: Hồng Đà (Phú Thọ), Tràng Kênh (Hải Phòng), Bãi Tự (Bắc Ninh). 

Trung kỳ thời đại đồ đồng 

1. Văn hóa Đồng Đậu (1.500 - 1.000 TCN)  

 - Văn hoá Đồng Đậu

Văn hoá Đồng Đậu là nền văn hóa thuộc thời kỳ đồ đồng ở Việt Nam cách ngày nay khoảng 3.000 năm, sau văn hóa Phùng Nguyên, trước văn hóa Gò Mun. Tên của nền văn hóa này đặt theo tên khu di tích Đồng Đậu ở thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi các nhà khảo cổ học đã khám phá ra một nền văn hóa đồ đồng phong phú năm 1962.

Người Đồng Đậu sống ngoài trời trên các đồi gò trung du Bắc Bộ với một nền kinh tế khá ổn định và phát triển dựa trên nông nghiệp trồng lúa và các cây hoa màu. Các đấu tích luyện kim như xỉ đồng, các mảnh khuôn đúc (bằng đá) cho thấy nghề đúc đồng đã có và phát triển thời kỳ này. 

Hậu kỳ thời đại đồ đồng 

1. Văn hóa Gò Mun (1.000 - 600 TCN)

- Văn hóa Gò Mun

Văn hóa Gò Mun ước chừng trong khoảng thời gian từ năm 1.000 - năm 700 TCN, thuộc cuối thời kỳ đồ đồng. Nền văn hóa này được đặt theo tên của địa điểm mà vào năm 1961, các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều di chỉ của nền văn hóa này, gò Mun, xã Tứ Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ.

Văn hóa Gò Mun được nhìn nhận như là nền văn hóa tiền văn hóa Đông Sơn. Thời kỳ này, người Việt cổ đã có những chuyển biến rõ rệt về một xã hội phúc tạp và giàu có, thúc đẩy việc ra đời nhà nước sơ khai của người Việt.

+ Khám phá

Rời Đồng Đậu và các di chỉ đồng dạng, chúng ta hãy đi thăm Gò Mun cùng với hơn 10 địa điểm khảo cổ khác thuộc giai đoạn văn hóa Gò Mun được phân bố trên một địa bàn về cơ bản phù hợp với địa bàn các địa điểm thuộc những giai đoạn trước. Đó là Bãi Dưới, Vinh Quang, Đình Tràng, Đồng Lâm, Nội Gầm... thuộc các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nội.

Người Gò Mun cũng thích ở trên những gò đồi cao nổi lên giữa vùng đồng bằng và trung du; họ bắt đầu thích tập trung ở những vùng chân gò, những vùng gò thấp ven các sông Hồng, Cầu, Đáy, Cà Lồ... Cuộc sống định cư lâu dài của họ đã để lại những tầng văn hóa khá dày.

Đến giai đoạn Gò Mun, công cụ và vũ khí đồng thau đã chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số công cụ và vũ khí, với các loại mũi tên, mũi nhọn, lưỡi câu, dao, giáo, dây, kim, giũa, dùi, đục. Loại rìu lưỡi xéo đã xuất hiện dưới dạng hoàn chỉnh với mũi rìu hơi chúc và lưỡi hơi cong. Đồ đồng thau Gò Mun đã được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp: những lưỡi hái đã được phát hiện; những chiếc rìu cũng đã được sử dụng như những nông cụ.

Đồ gốm Gò Mun có độ dày rất đều, độ nung cao (khoảng 900C); có mảnh được nung gần thành sành. Gốm có màu xám xanh, xám mốc. Người thợ gốm Gò Mun phát triển lối trang trí hoa văn bên trong miệng hiện vật đã có từ giai đoạn Đồng Đậu. Các miệng gốm Gò Mun thường được bẻ loe ra, nằm ngang, rộng bản, góc tạo thành giữa cổ và thân thường là góc nhọn. Những loại hình thường gặp là các loại nồi, các loại vò, bình cổ cao, chậu, âu, bát đĩa, cốc. Chân đế có xu hướng thấp dần, loại đáy bằng xuất hiện, hình dáng ổn định, thanh thoát. Ngoài ra còn có các loại bi, dọi xe chỉ, chì lưới.

Loại hoa văn độc đáo và phổ biến của gốm Đồng Đậu là hoa văn nan chiếu, và hoa văn khắc vạch: những đường nét này được phối trí hài hòa với những vòng tròn nhỏ tạo nên những đồ án sinh động kết thành một dải quây vòng phủ kín miệng gốm, làm thành đặc trưng chủ yếu của hoa văn gốm Gò Mun.

Kỹ thuật chế tác đá đang ở trên bước đường suy thoái. Đó là do sự phong phú và sự phát triển của nghề luyện kim đồng thau. Những cái hái bằng đồng thau phát hiện được ở nhiều nơi nói lên sự phát triển và hoàn thiện của nông nghiệp trồng lúa. Hợp kim đồng thau để đúc hái có 89% đồng và 0,1% thiếc với những vết chì. Trong số những công cụ bằng đồng thau dùng để thu hoạch hoa màu của người xưa ở vào khoảng thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên, loại hái Gò Mun lưỡi cong, có gờ ở giữa, họng tra cán hình chóp cụt là có hình dáng hoàn thiện và tiến bộ hơn cả.

Lần đầu tiên những mũi tên đồng thau xuất hiện, với loại hình đa dạng và số lượng nhiều, đòi hỏi những tiến bộ về kỹ thuật và cũng đòi hỏi phải có một khối lượng nguyên liệu lớn để đáp ứng đủ nhu cầu, vì mũi tên một lần bắn đi là mất "một đi không trở lại". Truyền thống giỏi cung nỏ của người Việt cổ khiến quân thù xâm lược ở buổi đầu công nguyên phải khiếp sợ và khâm phục, vốn đã có một gốc rễ lâu bền từ giai đoạn Gò Mun này.

Sự phát triển của nghề thủ công luyện kim đã có ảnh hưởng lớn không những đến sự phát triển của nông nghiệp mà còn thúc đẩy sự hoàn thiện của các nghề thủ công khác - trừ nghề làm đồ đá.

Những mũi giáo gỗ phát hiện được ở giai đoạn Gò Mun cho chúng ta biết rằng nghề làm đồ gỗ - một nghề cũng có truyền thống xa xưa như nghề làm đồ đá - vẫn tiếp tục tồn tại và cải tiến.

Người Gò Mun sống bằng nghề làm ruộng trồng lúa nước là chính, đồng thời họ cũng là những người chăn nuôi, săn bắn, đánh cá. Đây là một cung cách làm ăn tiến bộ, cũng là cách làm ăn của mọi dân cư ở những vùng trung tâm nông nghiệp của thế giới cổ đại.

 Hiện vật khảo cổ cho thấy rõ: giai đoạn Gò Mun được phát triển trực tiếp lên từ giai đoạn Đồng Đậu và có mối liên hệ chặt chẽ với các giai đoạn phát triển trước đó. Đồng thời giai đoạn Gò Mun cũng chứa đựng những tiền đề vật chất cho sự phát triển của một giai đoạn cao hơn vào cuối thời đại đồng thau và đầu thời đại đồ sắt ở nước ta: giai đoạn văn hoá Đông Sơn.

Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun: 3 giai đoạn lớn của thời đại đồng thau trong đó cư dân nông nghiệp Việt cổ, người Phùng Nguyên, người Đồng Đậu, người Gò Mun ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bắc Trung Bộ, đã từng bước chế ngự thiên nhiên, làm ruộng lúa, phát huy được tính ưu việt của nền kinh tế nông nghiệp, bước vào chế độ dòng cha, làm chủ vùng tam giác châu sông Hồng, mở đường cho một giai đoạn văn hoá rực rỡ, đỉnh cao thời đại dựng nước: giai đoạn Đông Sơn.

+ Di vật

 Phân bố trên cùng địa bàn với văn hoá Phùng Nguyên và văn hoá Đồng Đậu trước đó, trong các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Tây và thành phố Hà Nội. Chủ nhân VHGM là cư dân nông nghiệp. Công cụ và vũ khí bằng đồng khá đa dạng, gồm rìu, liềm, dao, giáo, lao, mũi tên, vv. Đồng cũng được dùng làm chuông, vòng tay, khuyên tai, trâm cài và tượng động vật. Đồ gốm có độ nung cao. Phổ biến nhất là các loại bình, nồi có miệng loe gãy và trang trí hoa văn khắc vạch phía trong miệng. VHGM phát triển lên từ văn hoá Đồng Đậu và tồn tại trước văn hoá Đông Sơn, trong khoảng thế kỉ XI đến thế kỉ VII Tr. CN.

Văn hóa Đồng Nai

Văn hóa Đồng Nai chỉ các di tích khảo cổ ở Việt Nam phân bố trên vùng trung du và đồng bằng miền Đông Nam Bộ, ven các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ, thể hiện một quá trình diễn biến văn hoá từ sơ kì thời đại đồ đồng đến sơ kì thời đại sắt. Giữa các di tích có những khác biệt nhất định, song chúng cùng có những đặc trưng chung nên có nhiều ý kiến xếp chúng vào một nền văn hoá chung. Có người gọi là Văn hóa Đồng Nai, cũng có ý kiến gọi là văn hoá Phước Tân, văn hoá Bến Đò hay văn hoá Cù Lao Rùa. Cho đến nay, đã phát hiện được hàng trăm di tích ở hầu khắp các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có các di tích tiêu biểu như Cầu Sắt, Suối Chồn, Bình Đa, Cái Vạn, Cù Lao Rùa, Hưng Thịnh, Đồi Xoài, Đồi Mít, Gò Me, Đồi Phòng Không, Cái Lăng, Long Bửu, Bến Đò, Phước Tân, Gò Đá, Dốc Chùa, Bù Đốp, Gò Tháp, Gò Canh Nông, Gò Cao Su, An Sơn, Rạch Núi, vv.

   + Tổng quan

Khoảng 2.500 năm cách ngày nay (khoảng thế kỷ V trước Công nguyên), cư dân cổ Đồng Nai bước vào một truyền thống văn hoá kim khí phát triển. Nền văn hóa thời kỳ đồ sắt ở Đồng Nai gắn kết hai giai đoạn phát triển đồng thau và sắt sớm. Trong văn hóa đá – đồng đã manh nha văn hóa sắt sớm với hàng loạt di chỉ như Bình Đa, Cái Vạn, Suối Chồn, Hàng Gòn, Long Giao, Phú Hòa…

Thời kỳ sắt sớm ở Đồng Nai được xem là giai đọan phát triển hào hùng của cư dân cổ Đồng Nai. Với những công cụ từ kim khí, người cổ Đồng Nai " mạnh " lên trong quá trình chinh phục tự nhiên, khai phá, làm nông nghiệp ngày càng mạnh mẽ; các làng dân cư nông nghiệp được khởi nhiều nơi. Vùng đất Đồng Nai cổ từ một thiên nhiên hoang sơ, nguyên thủy đã dần trở thành một địa bàn kinh tế, dân cư phát triển của trung tâm nông nghiệp Đồng Nai – Đông Nam Bộ thời tiền sử.

Sau cuộc hành trình dài, cư dân cổ Đồng Nai đã tạo dựng một nền văn minh tiền sử rực rỡ. Nền văn hóa Đồng Nai phát triển, lan tỏa rộng và bắt đầu có sự giao thoa những yếu tố mới về văn hoá, tộc người. Những bộ sưu tập hiện vật tại nhiều di chỉ như: bình gốm, đồ trang sức (khuyên tai ba mấu, hạt thủy tinh, vòng hạt chuỗi, mã não…), mộ chum…đã minh chứng cho mối liên hệ qua lại giã­ các yếu tố văn hoá, kỹ thuật giữa vùng Đồng Nai và các vùng phụ cận. Chính sự quan hệ rộng mở này đã tạo điều kiện cho cộng đồng cư dân cổ Đồng Nai không ngừng phát triển, hoàn thiện trên một vùng địa lý, văn hoá ổn định. Đó là những yếu tố thuận lợi cho người cổ Đồng Nai bước vào những giai đọan phát triển cao hơn trong tiến trình đi lên của xã hội loài người.

   - Lịch sử khám phá

Những di tích, di vật khảo cổ học ở Đồng Nai được phát hiện, nghiên cứu rất sớm và trải qua nhiều giai đoạn lịch sử.

Lịch sử khám phá buổi ban đầu của khảo cổ học thời tiền - sơ sử Đồng Nai gắn liền với các tên tuổi của các nhà thám hiểm, du lịch, truyền giáo và thực dân Châu Âu như: V. Holbé, D. Grossin, J. Chénieux, E. Cartailhac, A. Mougeot, F. Barthère, Loesh, J. Repelin... và các thành viên thuộc phái bộ A. Pavie làm việc tại Việt Nam vào những năm 80 - 90 của thế kỷ XIX. Đây là giai đoạn với những phát hiện lẻ tẻ và chú ý sưu tập hiện vật tiền sử cho các viện Bảo tàng ở Đông Dương và Pháp. Những địa danh mà vùng đất Đồng Nai mà chủ yếu là dọc hai bờ sông Đồng Nai cùng các chi lưu của nó như (Lò Gạch, Bình Đa, Bến Gỗ, Cái Vạn, An Sơn, Rạch Núi...) được nhắc đến trên bản đồ khảo cổ học của thế giới. Đạc biệt sưu tập di vật thời tiền sử do V. Holbé gồm 1.200 di vật đá, 10 rìu đồng được tìm thấy trên 20 địa điểm ở vùng Biên Hoà được giới thiệu trong các công trình nghiên cứu của E. Hamy (1897) và R. Verneau (1904) được trưng bày tại Hội chợ quốc tế Paris năm 1889. Không ít những di vật tiêu biểu thời tiền sử được phát hiện đầu tiên ở Đồng Nai được lưu giữ tại các bảo tàng nước Pháp.

Chặng đường khám phá tiếp theo vào những thập niên đầu của thế kỷ XX với cuộc khai quật trên vùng Cù lao Rùa - nằm giữa sông Đồng Nai, cách thành phố Biên Hoà khoảng 10 km (địa điểm này ngày nay thuộc địa phận huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) của D. Grossin (1902) và A. Jordin (1910). Theo H. Fontain công bố vào năm 1970 thì tại riêng tại di chỉ này đã cung cấp 383 di vật đủ kích cỡ, kiểu dáng làm cơ sở cho việc nghiên cứu thời đại đồ đá mới ở Biên Hoà - Đồng Nai. Những di vật tương tự ở vùng Cù lao Rùa còn tìm được tìm thấy ở các nơi khác ở Đồng Nai trên nhiều địa hình khác nhau từ nhóm đất đỏ vàng đến vùng đất thấp phù sa cận biển. Đặc biệt trong giai đoạn này là phát hiện di chỉ mộ Hàng Gòn do J. Bouchot chủ trì vào năm 1927 tại vùng Xuân Lộc. Di tích được khai quật và công bố thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu và được toàn quyền Đông Dương xếp hạng trong danh mục những di tích lịch sử quan trọng của Liên Bang năm 1930.

Thập niên 60 và 70 của thế kỷ XX, nghiên cứu khảo cổ học ở Đồng Nai bắt đầu mang tính chất hệ thống và khoa học với công lao to lớn của những thành viên Hội địa Chất Đông Dương. Trong đó tiêu biểu là E. Saurin, H. Fontain và L. Malleret. Trong giai đoạn này, bắt đầu có sự tham gia của các nhà nghiên cứu nước ta: Nghiêm Thẩm, Hoàng Thị Thân.... Những phát hiện quan trọng trong giai đoạn này là các di tích đá cũ và cụm di tích đồng sắt ở Hàng Gòn, Dầu Giây, Phước Tân, Bến Đò, Hội Sơn, Phú Hoà...Từ đây, bắt đầu hình thành sơ khởi khái niệm về một vùng văn hoá đã phát triển qua các thời đại đồ đá cũ, đá mới, đồng và sắt sớm ở Đồng Nai. 

Giai đoạn thứ tư bắt đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cho đến nay. Nghiên cứu khảo cổ học được quan tâm. Các nhà khảo cổ học Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương (Bảo tàng Đồng Nai) và các ngành hữu quan tiến hành điều tra, khai quật, kiểm chứng hàng loạt các địa điểm, di chỉ trên địa bàn Đồng Nai. Hàng loạt các di tích, di vật qua công tác khai quật, nghiên cứu đã góp phần làm sáng tỏ một nền văn hoá cổ xưa từng tồn tại và phát triển trên vùng đất này. Có thể nói, các di tích khảo cổ gồm các loại hình: cư trú, công xưởng, mộ táng, đền tháp... của cư dân cổ trải đều trên các địa hình đặc trưng của Đồng Nai từ vùng núi đồi tiếp giáp cao nguyên đến vùng đất đứt gãy phun trào đất đỏ bazan và cả vùng phù sa cổ các bồn trũng, vùng ngập nước cận sông, biển.

                                                                                                                                                [quay lại]


Tổng số thành viên: 19624
Thành viên mới nhất: Hoàng Ngọc Diễm
Đang trực tuyến: 3
Lượt truy cập: 4712183