Trang chủ -> LỊCH SỬ VIÊT NAM -> Chương I. Thời tiền sử - VIỆT NAM THỜI TIỀN SỬ - Hậu thời đại đồ đá cũ
03/12/2014 01:06
VIỆT NAM THỜI TIỀN SỬ - Hậu thời đại đồ đá cũ
Việt Hậu thời đại đồ đá cũ 1. Văn hóa Ngườm (23.000 TCN) 2. Văn hóa Tràng An (23.000 TCN - 1000 TCN) 3. Văn hóa Sơn Vi (20.000 - 12.000 TCN) 4. Văn hóa Soi Nhụ (18.000 - 7.000 TCN) - Văn hóa Ngườm
Văn hóa Ngườm, do các nhà khảo cổ học tìm thấy những mảnh tước ở mái đá Ngườm, Thái Nguyên nên lấy tên này đặt cho niên đại của nền văn hóa đó - khoảng 23.000 TCN. Văn hóa Ngườm, còn gọi là kỹ nghệ Ngườm là giai đoạn phát triển của người tối cổ sang người tinh khôn (Người khôn ngoan sớm) ở Việt Nam trước nền văn hóa Tràng An. Thời gian: Cách ngày nay 23.000 TCN. Địa bàn cư trú: + Sống trong mái đá, hang động, ven bờ sông, suối + Từ Sơn La đến Quảng Trị. Công cụ lao động: Đá cuội được ghè đẽo ở rìa tạo thành cạnh sắc. Hoạt động kinh tế: Săn bắt, hái lượm. Tổ chức xã hội: Sống thành thị tộc. Công xã thị tộc hình thành. - Văn hóa Tràng An Văn hóa Tràng An là một trong những nền văn hóa cổ nhất ở Việt Nam, hình thành từ thời kỳ đồ đá cũ cách nay khoảng 23.000 TCN - 1000 TCN. Tràng An là tên một địa danh ở Ninh Bình, nơi đầu tiên tìm ra những di chỉ của nền văn hóa này. Đến nay đã có khoảng 30 địa điểm thuộc nền văn hóa Tràng An đã được phát hiện, kết quả nhiều cuộc nghiên cứu của các chuyên gia khảo cổ học cho thấy dấu ấn của người tiền sử thích nghi với biến cố lớn về môi trường, cảnh quan ít nhất là từ khoảng 23.000 TCN năm đến nay, một số nền văn hóa tiền sử đã tiến hóa liên tục ở khu vực này, từ thời đồ đá cũ qua thời đại Đá mới đến thời đại đồ Sắt và đồ Đồng như nền văn hóa Tràng An, Hòa Bình và Đa Bút... Với những giá trị về văn hóa và thiên nhiên mang tính nổi bật toàn cầu, Tràng An, Ninh Bình được UNESCO vinh danh trở thành khu di sản thế giới kép đầu tiên ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Văn hóa Tràng An kéo dài từ thời Đồ đá cũ sang Đồ đá mới (cách ngày nay 23.000 năm). Trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía nam châu thổ sông Hồng. Căn cứ vào kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học hang động Tràng An đã xác nhận rằng, các di tích tiền sử mang trong mình những đặc thù riêng biệt, xác lập sự hiện diện của một nền văn hoá khảo cổ - văn hóa Tràng An. Nó rất khác so với văn hóa khảo cổ Hoà Bình, Cái Bèo, Đa Bút, Quỳnh Văn, Hạ Long, Hoa Lộc cả về không gian cư trú, về chất liệu công cụ đá, kỹ thuật gia công công cụ, có sự giao thoa, tiếp xúc và diễn tiến văn hóa để bước từ nguyên thuỷ sang văn minh ở một địa bàn hết sức đặc trưng của thung lũng karst lầy trũng. Truyền thống khai thác nhuyễn thể, ở hang động Tràng An còn được lưu truyền cho tới những người Việt sau này. Qua phân tích, đối sánh giữa nền văn hóa Tràng An với các văn hóa khảo cổ học đã biết, thì ở Tràng An: Về vị trí địa lý là thung lũng đá vôi đầm lầy chứ không phải đá vôi vùng núi khác; Công cụ lao động không sử dụng đá cuội mà sử dụng bằng đá vôi; Phổ biến sử dụng đồ gốm hoa văn dấu thừng thô chứ không phải là dấu thừng mịn; Khai thác các loài vỏ nhuyễn thể (như vỏ ốc, trai, hàu) là nước ngọt và biển (đồng thời); Con người cư trú hầu như chỉ ở trong hang động, không ở ngoài trời và các hang động đó được sử dụng đến ngày nay (ban đầu là nơi cư trú, sinh sống sau này được sử dụng làm chùa, nơi sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương); Niên đại kéo dài từ 25.000 năm đến 3.000 năm cách ngày nay. Trong điều kiện tự nhiên đặc biệt, hầu như chỉ có đá vôi là chất liệu đá duy nhất, người Tràng An đã biết sử dụng nó làm công cụ lao động ít nhất cho đến cách ngày nay khoảng 3.000 năm, trong quá trình đó đã nhận biết được rằng đá vôi đô-lô-mít thuộc loại chất liệu tốt nhất có thể có. Đồng thời với giai đoạn biển tiến lớn nhất cuối cùng (khoảng 7.000-4.000 năm trước) người tiền sử Tràng An đã biết tới nghệ thuật làm đồ gốm. Những chứng cứ sớm nhất được cho là tương đương với gốm Đa Bút (6.000 năm trước), nhưng thực tế đã được làm ra ở đây sớm hơn nhiều (khoảng 9.000 năm trước) và tiến hóa liên tục qua thời đại Kim khí đến tận sau này. Việc sử dụng đồ gốm từ sớm và liên tục ở Tràng An chứng tỏ rằng một trung tâm gốm sứ rất khác biệt so với nhiều trung tâm gốm sứ khác ở Việt Nam đã từng tồn tại ở đây. TS. Masanari Nishimura (Nhật Bản) qua nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Quần thể danh thắng Tràng An đã khẳng định: Cách đây 5.000-6.000 năm trước, có một trận động đất lớn ở Tràng An và người Việt cổ ở Tràng An đã trải qua nhiều sự biến đổi của thiên nhiên để thích ứng và phát triển cho đến ngày nay, tạo nên một giá trị về một nền văn hóa Tràng An. - Văn hóa Sơn Vi Văn hóa Sơn Vi, Vĩnh Phú thuộc hậu kỳ thời đại đá cũ (20.000 - 12.000 TCN), phân bố rất rộng trong các hang động và thềm sông cổ từ Lào Cai đến Nghệ An. Những nhóm cư dân nguyên thủy này sinh sống bằng hái lượm và săn bắt trong một hệ sinh thái miền nhiệt - ẩm với một thế giới động vật và thực vật phong phú, đa dạng. Cách ngày nay khoảng 20.000 năm đến 12.000 trước Tây lịch các cư dân Việt cổ đã tụ cư đông đúc tại khu vực trung du Bắc Bộ Việt Nam phát triển sinh sôi bằng săn bắn hái lượm trên một vùng bán sơn địa dồi dào sản vật: muông thú, các loài chim, các sản vật động thực vật của các vùng sông nước lưu vực sông Hồng ngập nước và rút khô, theo các mùa trong năm. - Văn hóa Soi Nhụ Văn hóa Soi Nhụ gọi theo tên địa điểm khảo cổ học Soi Nhụ thuộc vịnh Bái Tử Long, là nền văn hóa của người tiền sử được các nhà khảo cổ học Việt Nam phát hiện năm 1964 và khai quật năm 1967. Khái niệm và đặc điểm của nền văn hóa này đầu tiên được TS. Hà Hữu Nga, Viện Khảo cổ học đề xuất trong Hội nghị thông báo "Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1996" (Nhà XB KHXH, Hà Nội năm 1997). + Niên đại Theo TS. Hà Hữu Nga, văn hóa Soi Nhụ có niên đại tương đương với các văn hóa Hòa Bình cũng như văn hóa Bắc Sơn của Việt Nam, và có thể có nguồn gốc từ 25.000 năm trước, ngang với văn hóa Ngườm khu vực Võ Nhai, Thái Nguyên. Văn hóa Soi Nhụ phân bố trong khu vực các đảo đá vôi của Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, bao gồm cả Cát Bà Hải Phòng, các huyện Vân Đồn, Cẩm Phả, Hoành Bồ, khu vực Hòn Gai, Yên Hưng, Kinh Môn, Đông Triều thuộc Quảng Ninh và Hải Dương. + Giai đoạn Văn hóa Soi Nhụ chia 3 giai đoạn bao gồm: Giai đoạn sớm ở các hang Áng Mả (Cát Bà), Thiên Long, Mê Cung, Tra Giới, và Hang Trống trên Vịnh Hạ Long, có niên đại khoảng từ 25.510 đến 17.000 năm; Giai đoạn giữa gồm các hang Soi Nhụ trên, Tiên Ông, Bồ Quốc, v.v..., trên Vịnh Hạ Long, có niên đại từ khoảng 16.000 đến 9.000 năm cách ngày nay; Giai đoạn muộn gồm các hang động và mái đá Đồng Đặng, Hà Lùng, Hang Dơi (huyện Hoành Bồ), Phương Nam (Uông Bí) có niên đại từ 8000 - 6000 năm cách ngày nay. + Đặc điểm Phản đối quan điểm của các nhà Tiền sử Úc đại diện là Peter Bellwood, coi nguồn gốc các văn hóa Mã Lai-Đa Đảo và các nền văn minh lúa nước Đông Nam Á xuất phát từ các văn hóa Ngưỡng Thiều, Long Sơn Trung Quốc, TS. Hà Hữu Nga khẳng định rằng các văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long, hậu duệ của văn hóa Soi Nhụ, chính là tiền thân của các nhóm văn hóa ngôn ngữ biển đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á, sau này được biết dưới tên gọi các nhóm văn hóa thuộc ngữ hệ Mã Lai-Đa Đảo (Malayo-Polynesian). Cách tiếp cận đó phù hợp với một thực tế là cách ngày nay 5000-6000 năm, khi mực nước biển còn thấp, một trong những cái nôi của nền văn hóa biển Đông Nam Á chính là văn hóa Cái Bèo, phân bố rộng khắp trong khu vực Vịnh Hạ Long của Việt Nam, và kết nối dễ dàng với các hệ thống đảo khác của Đông Nam Á. |
|